1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kiện toàn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong tình hình mới

Ngày 30/9, Hội thảo Kiện toàn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã được tổ chức trực tuyến nhằm triển khai toàn diện, hiệu quả, thực chất và đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Kiện toàn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong tình hình mới - 1

Hội thảo Kiện toàn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tại điểm cầu Hà Nội. (Nguồn: BTC).

Hội thảo được Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức nhằm đánh giá lại các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế quản lý, phối hợp hiện nay giữa các Tiểu ban, Tiểu ban chuyên môn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung phù hợp đối với Quyết định, Quy chế hoạt động.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 70 đại biểu đến từ 5 Bộ, ngành (thuộc 5 Tiểu ban và một số Tiểu ban chuyên môn của UBQG UNESCO Việt Nam) và đại diện các khu di sản, dự trữ sinh quyển, công viên địa chất tại Việt Nam; đại diện các tỉnh, thành có quan hệ với UBQG UNESCO Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Mai Phan Dũng cho biết, trong thời gian qua, phát huy vai trò cầu nối giữa UNESCO và Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tiếp thu tri thức, ý tưởng lớn của "ngôi nhà trí tuệ thế giới UNESCO", đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định chính sách của nước ta trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin.

Những kết quả thu được từ việc hưởng ứng Thập kỷ Quốc tế về Phát triển Văn hóa 1988-1997 giúp nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa văn hóa với phát triển, tạo cơ sở hình thành Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ý tưởng về xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời cũng được Việt Nam tiếp thu, góp phần xây dựng và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhiều chương trình, dự án, sáng kiến về giáo dục, khoa học, thông tin-truyền thông đã được triển khai hiệu quả tại Việt Nam, góp phần xây dựng một nền giáo dục bao trùm, công bằng, có chất lượng; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và xây dựng một xã hội thông tin cho mọi người.

Kiện toàn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong tình hình mới - 2

Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Mai Phan Dũng phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: BTC).

Ngoài ra, thông qua việc phê chuẩn và tham gia một số công ước của UNESCO về văn hóa, Việt Nam đã đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể; bên cạnh đó là 7 di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 9 khu dự trữ sinh quyển, 3 công viên địa chất toàn cầu.

Các danh hiệu này góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy du lịch, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Đây cũng là các mô hình phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững mà Việt Nam có thể áp dụng đối với các địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, cũng theo ông Mai Phan Dũng, bên cạnh các thành tựu đáng khích lệ, hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng gặp phải một số vướng mắc, bất cập nhất định do các hoạt động liên quan đến UNESCO ngày càng phong phú, đa dạng, mang tính liên ngành, liên lĩnh vực cao, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và nhất là các địa phương và cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng và người dân.

Trong thời gian tới, UNESCO tiếp tục là diễn đàn đa phương quan trọng để giúp Việt Nam phát huy vai trò tích cực, chủ động trên thế giới.

Ông Mai Phan Dũng nói: "Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cần tăng cường vai trò điều phối, kết nối, thúc đẩy và tham gia triển khai các hoạt động trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO; góp phần hỗ trợ đất nước thực hiện 3 mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025".

Bởi vậy, mục tiêu chính của Hội nghị nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp giữa Ban Thư ký, Tiểu ban, Tiểu ban chuyên môn và các địa phương liên quan trong triển khai các hoạt động của UNESCO; trao đổi và đưa ra các khuyến nghị nhằm chỉnh sửa, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, hoàn thiện khung pháp lý, từ đó nâng cao vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Tại Hội thảo, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao sự hợp tác của Bộ Ngoại giao (đặc biệt là ủy ban Quốc gia UNESCO và Ủy ban quốc gia về Con người và Sinh quyển Việt Nam) trong việc phát triển của mạng lưới khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam.

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước được Chính phủ giao thực hiện hướng dẫn tổ chức quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp với Ủy ban UNESCO trong việc hướng dẫn đề cử các khu dự trữ sinh quyển mới.

Ngoài ra, Bộ đang tham mưu Chính phủ tạo hành lang pháp lý để phát triển mạng lưới khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam, thực hiện các hoạt động hướng dẫn quản lý và tăng cường năng lực cho các khu trong mạng lưới. Các hoạt động thí điểm đang được triển khai ở các Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm- Hội An và Đồng Nai.

Sắp tới, Bộ sẽ có mở rộng ra các khu khác và dự kiến có chương trình nhằm phát huy thế mạnh của khu Dự trữ sinh quyển trong hoạt động du lịch sinh thái. Bên cạnh việc tăng cường hỗ trợ quản lý các khu dự trữ sinh quyển hiện có, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn để xác định các khu vực tiềm năng và có định hướng chiến lược cho việc phát triển mạng lưới khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam.

Kiện toàn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong tình hình mới - 3

Ông Cung Đức Hân - Ủy viên Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: BTC).

Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện đề cử và phát triển mạng lưới khu dự trữ sinh quyển với các nội dung hoạt động cụ thể.

Một số ý kiến khác là xem xét vai trò của các Bộ, ngành và trách nhiệm có liên quan để kiện toàn cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, trong đó có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý các khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất toàn cầu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ đã được Chính phủ quyết định; xem xét bổ sung Ủy ban Quốc gia về Con người và Sinh quyển trong thành phần của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phù hợp với tình hình mới.

Ghi nhận sự ủng hộ của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các tiểu ban chuyên môn và các cơ quan khoa học, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, thực hiện các công việc được giao (góp ý cho dự thảo về Khoa học mở của UNESCO, hưởng ứng các ngày quốc tế do UNESCO công bố, như Ngày Toán học thế giới…).

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các tiểu ban chuyên môn, các chương trình của UNESCO, các danh hiệu của UNESCO tại địa phương; tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế với các chương trình của Ủy ban Khoa học Tự nhiên của UNESCO Hợp tác với các Ủy ban khác như Giáo dục, Thông tin, Văn hóa, Khoa học Xã hội.

Kiện toàn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong tình hình mới - 4

Hội thảo trực tuyến đã thu hút khoảng 70 đại biểu tham dự. (Nguồn: BTC).

Hội thảo còn bổ sung cơ chế hoạt động và xây dựng Mạng lưới các chuyên gia của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể, đáp ứng yêu cầu tư vấn cho địa phương, cho các Bộ, ngành và tham gia hội nhập sâu vào các hoạt động chuyên môn của UNESCO; đồng thời nâng cao năng lực và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc triển khai các hoạt động.

Đặc biệt, sau một ngày làm việc, Hội thảo đã có sự tham dự và chia sẻ về cơ chế hoạt động và công tác quản lý hiệu quả từ các chuyên gia UNESCO phụ trách lĩnh vực Ủy ban Quốc gia, đại diện của các Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Ông Cung Đức Hân - Ủy viên Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp của các đại biểu và bày tỏ niềm tin về những triển vọng trong hợp tác thời gian tới.

Theo ông, những chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo là những bài học tham khảo quý cho định hướng của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cũng như đóng góp cho mục tiêu phát triển chung của UNESCO.

UNESCO là cơ quan duy nhất trong hệ thống Liên hợp quốc sở hữu mạng lưới các Ủy ban Quốc gia UNESCO. Ngay từ khi thành lập năm 1945, Hiến chương của UNESCO đã coi mạng lưới này như một bộ phận không thể tách rời của tổ chức.

Hiện nay, với 199 thành viên, mạng lưới Ủy ban Quốc gia UNESCO giữ vai trò quan trọng và duy nhất trong việc tiếp cận, tham gia và huy động các đối tác, truyền tải thông điệp, cụ thể hóa tầm nhìn và nhiệm vụ của UNESCO đến với cộng đồng và người dân, góp phần tăng cường hình ảnh, uy tín của UNESCO trên thế giới thông qua việc thực hiện sứ mệnh cao cả của Tổ chức là "đóng góp vào hòa bình và an ninh thông qua việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa".

Tại Việt Nam, được thành lập năm 1977 và kiện toàn năm 2011, Ủy ban Quốc gia UNESCO gồm 5 tiểu ban, các tiểu ban chuyên môn và Ban Thư ký, có chức năng tư vấn, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp các hoạt động của các bộ, ngành, địa phương có liên quan với tổ chức UNESCO.