1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kiện đường lưỡi bò: 2015 sẽ có bước ngoặt lớn?

Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) mới đây đưa ra dự báo 5 sự kiện sẽ làm thay đổi diện mạo Đông Nam Á năm 2015, trong đó có Phán quyết cho vụ kiện của Philippines.

Bầu cử ở Myanmar

Các cuộc bầu cử quốc hội Myanmar dự kiến diễn ra cuối năm 2015 sẽ là một cuộc kiểm tra khả năng đứng vững của công cuộc chuyển dịch kéo dài gần 4 năm từ chế độ quân quản sang dân chủ ở đất nước này.

2015 hứa hẹn sẽ là một năm cam go khi các bên chủ chốt đều chạy đua tìm vị trí trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Các cuộc đàm phán giữa chính phủ Myanmar và các nhóm vũ trang người dân tộc thiểu số ở đất nước này tưởng như đã đạt được những tín hiệu lạc quan hồi tháng 8/2014. Tuy nhiên, thỏa thuận hợp quân giữa quân đội liên bang Myanmar và các lực lượng dân tộc thiểu số một tháng sau đó đã thay đổi tất cả. Việc đạt được một kế hoạch hành động trên tinh thần hợp tác với người Hồi giáo Rohingya vốn bị tước quyền bầu cử ở bang Rakhine trở nên đặc biệt khó khăn hơn khi thời gian diễn ra bầu cử đang đến gần.

Phán quyết cho vụ kiện Trung Quốc của Philippines

Dự kiến, cuối năm 2015, Tòa Trọng tài Hague sẽ có phán quyết cho vụ Philippines kiện Trung Quốc vì các yêu sách vi phạm luật pháp quốc tế trên biển Đông. Đây có thể là quyết định có ý nghĩa nhất của một tòa án ra đời theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, và sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với các cuộc tranh chấp ở vùng biển này.
Gần như chắc chắn đường lưỡi bò của Trung Quốc sẽ được coi là yêu sách vô căn cứ
Gần như chắc chắn đường lưỡi bò của Trung Quốc sẽ được coi là yêu sách vô căn cứ

Nếu các thẩm phán cho rằng không có quyền tài phán để phân xử trong vụ kiện này, hi vọng cầu viện trọng tài quốc tế như một giải pháp hòa bình cho tương lai của khu vực sẽ tiêu tán. Ngược lại, nếu các thẩm phán thấy đủ thẩm quyền để đưa ra phán quyết, gần như chắc chắn đường 9 đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) của Trung Quốc sẽ được coi là yêu sách vô căn cứ. Trong trường hợp này, Bắc Kinh sẽ phải đứng trước các lựa chọn khó khăn.

Trung Quốc đương nhiên không muốn coi thường phán quyết của một tòa án quốc tế, và bị dán nhãn là kẻ vô trách nhiệm trên trường quốc tế, nhất là trong trường hợp cái giá đối với nước này là vô kể. Để thúc đẩy việc thực thi phán quyết của tòa án, Philippines sẽ cầu viện Mỹ, Nhật, các nước trong khối ASEAN, và các đối tác khác. Với sự kiên định trong lập trường của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh sẽ phải xác định thật rõ yêu sách đường 9 đoạn của mình. Hiện tại, chính quyền Bắc Kinh vẫn từ chối tham gia vụ kiện và trình các lý lẽ phản bác lại những luận điểm mà Philippines.

Đường về dân chủ của Thái Lan

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và các vị tướng lĩnh đang nắm quyền ở đất nước này từ tháng 5/2014 dường như đang lên kế hoạch gác lại việc tổ chức bầu cử vào cuối năm 2015 như hứa hẹn lúc đầu. Theo lời các quan chức, hội đồng được chỉ định soạn thảo hiến pháp mới cần thêm thời gian để hoàn tất các cuộc cải cách chính trị.

Đức vua Bhumibol Adulyadej đã trị vì gần 70 năm, Luật pháp Thái Lan nghiêm cấm thảo luận về hoàng tộc và cuộc kế vị sắp tới, và buộc những người vi phạm vào tội khi quân.

Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP

Trong cuộc trao đổi mới đây với các nghị sĩ trong nước, Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman cho biết ông hi vọng Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP với 12 quốc gia thành viên sẽ đạt đến thỏa thuận cuối cùng vào giữa năm 2015, và được quốc hội Mỹ thông qua vào cuối năm trước khi chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016 lên cao trào.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục nắm quyền sau khi giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra trung tuần tháng 12/2014. Với kết quả này, ông sẽ dễ dàng đạt được thỏa thuận với Mỹ hơn trong các vấn đề liên quan đến thị trường nông sản và ô tô, vốn là hai vấn đề đã đeo bám các cuộc hội đàm TPP suốt nhiều tháng trời.

Các quan chức Nhật Bản cũng như các nước khác cho biết, họ rất khó đưa ra thỏa thuận đàm phán cuối cùng cho đến khi quốc hội Mỹ thông qua quyền xúc tiến thương mại (TPA). Nếu TPA được thông qua, cơ quan lập pháp Mỹ có quyền thông qua hoặc bác bỏ một thỏa thuận thương mại, thay vì sửa đổi thỏa thuận thương mại đó. Trước đó, chủ tịch các ủy ban chủ chốt trong quốc hội Mỹ cho biết họ hi vọng sẽ thông qua đạo luật TPA đầu năm 2015.

Cũng trong tiến trình đàm phán để đi đến các thoả thuận cuối cùng, các nhà đàm phán TPP dự định sẽ tổ chức một vòng đàm phán không chính thức khác vào cuối tháng 1, và một cuộc họp bộ trưởng sau đó 1-2 tháng với sự tham gia của báo giới. Việc hoàn tất hiệp định TPP có ý nghĩa quyết định đối với Washington, nó cho thấy sự tái cân bằng vị thế của nước này với châu Á không chỉ bao gồm vấn đề an ninh, mà còn bao gồm cả vấn đề kinh tế.

Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Theo kế hoạch, ngày 31/12/2015 sẽ là thời hạn để khối ASEAN đạt được tiến bộ quan trọng trong nỗ lực hạn chế rào cản thương mại hàng hóa trong khu vực theo các thỏa thuận của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, công cuộc giải phóng ngành dịch vụ tài chính, luồng vốn và lưu chuyển lao động tự do khó lòng bắt kịp tiến độ trên bất chấp những nỗ lực của Malaysia, chủ tịch khối ASEAN trong năm 2015. Các nước thành viên ASEAN cũng đánh giá những thời hạn này thể hiện mong muốn của khu vực, nhiều hơn là có tính ràng buộc.

Giải phóng ngành tài chính sẽ mang lại cơ hội to lớn cho ASEAN cũng như các công ty nước ngoài quan tâm đến khu vực, bởi nó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Một trong những mối quan ngại lớn nhất của các quốc gia ASEAN khi mở cửa thị trường vốn và dịch vụ tài chính là nỗi lo sợ lây nhiễm rủi ro tài chính và nguy cơ biến động tỉ giá hối đoán, dù trên thực tế hội nhập mang lại nhiều cơ hội chia sẻ rủi ro hơn. Dù chưa ra đời, song cộng đồng kinh tế ASEAN đã chứng tỏ được sức hút của mình, khi làm gia tăng các khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào khu vực, từ 20 tỉ đô-la năm 2001 đến 122 tỉ đô la trong năm 2013.

Theo Hà Trang (theo CSIS)
Vietnamnet

(*) Tác giả bài viết, Murray Hiebert, là thành viên cấp cao và phó giám đốc tổ chức nghiên cứu Đông Nam Á, Sumitro Chair of Southeast Asia Studies, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), Washington DC. Gregory Poling là thành viên của tổ chức Sumitro.