1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kịch bản nào chờ Tổng thống Macron?

Sự kết hợp giữa người lao động và học sinh, sinh viên trong các cuộc biểu tình chống đối luôn là viễn cảnh khiến nhiều đời chính phủ lo lắng.

Chưa hết đau đầu vì phong trào "Áo ghi-lê vàng" phản đối chi phí sinh hoạt cao, chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục vật lộn với các cuộc biểu tình của học sinh trung học chống lại cải cách giáo dục.

Khoảng lặng trước cơn bão

Kể từ khi xảy ra tình trạng bất ổn dân sự khiến nước Pháp tê liệt hồi tháng 5-1968, sự kết hợp giữa người lao động và học sinh, sinh viên trong các cuộc biểu tình chống đối luôn là viễn cảnh khiến nhiều đời chính phủ lo lắng.

Vào tuần qua, nguy cơ xảy ra kịch bản xấu như thế tiến gần hiện thực hơn bao giờ hết khi học sinh trung học tận dụng sự trỗi dậy của phong trào "Áo ghi-lê vàng" để trút giận lên ông Macron. Họ cho rằng một số kế hoạch cải cách giáo dục của nhà lãnh đạo này, liên quan đến thi tú tài hoặc vào đại học, làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các trường giàu và nghèo.


Người biểu tình “Áo ghi-lê vàng” nghe bài phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên truyền hình tại Gaillon hôm 10-12 Ảnh: REUTERS

Người biểu tình “Áo ghi-lê vàng” nghe bài phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên truyền hình tại Gaillon hôm 10-12 Ảnh: REUTERS

Theo đài France 24, có đến 300 trường trung học khắp nước bị phong tỏa hằng ngày vào tuần qua giữa lúc xảy ra các vụ phá hoại, đụng độ bạo lực giữa học sinh và cảnh sát. Cuộc đối đầu căng thẳng này thu hút sự quan tâm của dư luận sau khi một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội hôm 6-12, trong đó cảnh sát chống bạo động buộc hàng chục học sinh quỳ gối và giơ tay lên đầu tại ngoại ô thủ đô Paris.

Bộ Giáo dục Pháp hôm 10-12 cho biết số trường bị ảnh hưởng bởi làn sóng biểu tình đã giảm còn 120, trong đó 1/3 bị phong tỏa hoàn toàn. Dù vậy, đây dường như chỉ là một khoảng lặng trước cơn bão khi các hiệp hội sinh viên kêu gọi "ngày thứ Ba đen tối" tại các trường học khắp nước ngày 11-12 (giờ địa phương).

Chính quyền ông Macron cho đến giờ vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của học sinh biểu tình nhưng có một số nhượng bộ đối với người biểu tình "Áo ghi-lê vàng". Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tối 10-12 (giờ Paris), ông Macron nhận một phần trách nhiệm về các cuộc biểu tình dù lên án tình trạng bạo lực kèm theo. Ông thừa nhận nhiều người không hài lòng với điều kiện sống của mình và cảm thấy họ "không được lắng nghe".

Để xoa dịu, nhà lãnh đạo này thông báo lương tối thiểu sẽ được tăng thêm 100 euro/tháng trong năm 2019, ngừng đánh thuế làm thêm ngoài giờ, hủy kế hoạch tăng thuế đối với người hưởng lương hưu có thu nhập thấp và khuyến khích chủ lao động cho nhân viên tiền thưởng miễn thuế.

Nhiệm vụ khó

Dù vậy, ông chủ điện Élysée khẳng định vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình cải cách của mình, như kiểm soát chi tiêu và từ chối tái áp thuế lên giới nhà giàu vì cho rằng điều này không có lợi cho công ăn việc làm. Chi phí của toàn bộ biện pháp xoa dịu nói trên này ước tính vào khoảng 8-10 tỉ euro.

Một ngày sau bài phát biểu trên, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe trình bày trước các nghị sĩ chi tiết những biện pháp được ông Macron nói đến. Dù vậy, các đối thủ chính trị không bỏ qua cơ hội công kích ông Macron. Theo đài BBC, họ gọi những biện pháp trên là "giải pháp ngắn hạn", chưa đề cập "mọi sai lầm" của tổng thống Pháp và dự báo có thêm nhiều cuộc biểu tình thời gian tới.

Trong khi đó, nội bộ phe biểu tình tỏ ra chia rẽ về những động thái nhượng bộ của chính quyền. Một số người đánh giá ông Macron đã nhìn thấy những vấn đề của họ và đề xuất một số biện pháp tốt. Dù vậy, nhiều người tỏ ra thất vọng và cho rằng như thế là chưa đủ. Ông Benjamin Cauchy, một đại diện phe biểu tình từng gặp ông Macron vào tuần qua, nói với đài France 2 rằng đây chỉ mới là những biện pháp nửa vời và nhà lãnh đạo này cần nhượng bộ nhiều hơn.

Không ít người biểu tình kêu gọi tiếp tục xuống đường trong ngày thứ bảy (15-12) tới. Nếu diễn ra, đây sẽ ngày cuối tuần thứ 5 liên tiếp biểu tình phản đối khắp nước diễn ra kể từ khi phong trào bùng phát hôm 17-11. Reuters nhận định ông Macron đang phải đối mặt nhiệm vụ không dễ dàng: Làm sao vừa thuyết phục được người biểu tình rằng ông đã lắng nghe và hiểu cơn giận dữ của họ vừa không tạo cảm giác ông nhượng bộ "chính trị đường phố" quá nhiều.

Theo Hoàng Phương

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm