1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phép thử sống còn của tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp sau làn sóng bạo động

(Dân trí) - Tổng thống Emmanuel Macron, nhà lãnh đạo trẻ nhất trong lịch sử Pháp từ thời Napoleon, đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi nắm quyền khi làn sóng bạo động Áo vàng có xu hướng leo thang sau nhiều tuần căng thẳng.

Paris chìm trong bạo loạn do biểu tình lan rộng


Tổng thống Macron (giữa) cùng các quan chức Pháp thăm khu vực xảy ra biểu tình ở Paris hôm 2/12. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Macron (giữa) cùng các quan chức Pháp thăm khu vực xảy ra biểu tình ở Paris hôm 2/12. (Ảnh: Reuters)

Ở gần một bùng binh ngoại ô Troyes, nơi cách thủ đô Paris 150 km về phía đông nam, Sophie đi kiểm tra túp lều nơi cô đã ở trong suốt hai tuần qua. Mặc chiếc áo màu vàng, biểu tượng của phong trào phản đối Tổng thống Emmanuel Macron, Sophie bước đến chiếc bàn nơi đặt trái cây, bánh mì và thịt lợn xông khói do những “nhà hảo tâm” mang đến.

“Chúng tôi thậm chí có nhiều thứ để ăn ở đây hơn ở nhà”, Sophie nói. Tiếng của cô lẫn trong tiếng ồn của các loại phương tiện chạy qua bùng binh khi các tài xế bấm còi để thể hiện sự ủng hộ với những người biểu tình.

Sophie, một nữ bồi bàn 25 tuổi, cùng hàng nghìn người dân Pháp đang đặt ra mối đe dọa với chính quyền Tổng thống Macron. Từ một chiến dịch nổ ra trên mạng cách đây 2 tháng để phản đối việc tăng giá xăng dầu, phong trào Áo vàng đã bùng nổ thành làn sóng biểu tình trên quy mô toàn quốc. Lúc này, những người biểu tình không chỉ phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu. Họ còn bất mãn với sự leo thang của các loại thuế, sự sụt giảm của các điều kiện sống cơ bản, sự hiện diện của tầng lớp tinh hoa chính trị và đặc biệt, họ không hài lòng với một vị tổng thống mà họ cho là “kiêu ngạo” và không để mắt tới người dân.

Như một tín hiệu đáng lo ngại cho Tổng thống Macron, các cuộc khảo sát do các hãng thăm dò dư luận Elabe và Harris Interactive tiến hành cho thấy 7/10 cử tri Pháp ủng hộ biểu tình phản đối chính quyền. Bản thân ông Macron cũng đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ rất thấp, chỉ đạt 26% vào cuối tháng 11.


Người biểu tình Áo vàng cầm cờ Pháp phản đối chính quyền Macron tại Paris. (Ảnh: AFP)

Người biểu tình Áo vàng cầm cờ Pháp phản đối chính quyền Macron tại Paris. (Ảnh: AFP)

Sau hai tuần ngăn chặn và phong tỏa các tuyến đường khiến nhiều khu vực ở Pháp bị đình trệ, đợt biểu tình lớn thứ 3 của phong trào Áo vàng ở Paris hồi đầu tháng 12 đã biến thành cuộc bạo động khủng khiếp nhất trong lịch sử thủ đô nước Pháp trong nửa thế kỷ qua. Pháp rúng động với hình ảnh những người biểu tình đụng độ với cảnh sát xung quanh Khải Hoàn Môn - một biểu tượng lịch sử của Paris bị đám đông hỗn loạn tô vẽ chằng chịt.

“Ông ấy đang ở trong tình thế cực kỳ khó khăn. Không còn lựa chọn chính trị nào khác. Những người Áo vàng đang đòi hỏi nhà nước nhiều hơn và thuế ít hơn. Khó có thể đáp ứng được những đòi hỏi này”, Giáo sư Zaki Laidi tại Đại học Sciences Po nhận định.

Dưới sức ép của làn sóng biểu tình, chính quyền Pháp tuần trước thông báo tạm dừng tăng thuế xăng dầu mà theo dự kiến ban đầu sẽ có hiệu lực vào tháng tới. Với nguy cơ biểu tình lan rộng, Tổng thống Macron có thể sẽ phải tuyên bố hủy kế hoạch tăng thuế, chứ không chỉ dừng lại là tạm hoãn.

Sự nhượng bộ “nhỏ nhoi” về chính sách của chính quyền Macron vẫn không nhận được sự đồng tình từ nhiều người biểu tình cũng như các đảng đối lập. Họ cho rằng chính quyền Pháp hành động quá ít và quá muộn. Tuy vậy, đây vẫn là một bước chuyển đổi đáng kể của ông Macron - vị tổng thống từng tự nhận là nhà lãnh đạo không bao giờ “đầu hàng” trước sức ép của dư luận và chọn lối đi riêng so với những người tiền nhiệm.

Tham vọng cải cách


Biểu đồ thể hiện tỷ lệ ủng hộ ngày càng sụt giảm của Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Edouard Philippe từ tháng 5/2017 - thời điểm ông Macron đắc cử tổng thống Pháp. (Nguồn: FT)

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ ủng hộ ngày càng sụt giảm của Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Edouard Philippe từ tháng 5/2017 - thời điểm ông Macron đắc cử tổng thống Pháp. (Nguồn: FT)

Khi đắc cử tổng thống, ông Macron từng nuôi tham vọng cải cách nhằm tạo ra những thay đổi tích cực cho nước Pháp mặc dù trước ông, đã có những tổng thống mong muốn cải cách song đều thất bại trước các cuộc biểu tình. Khi được hỏi liệu tham vọng cải cách của Tổng thống Macron có chấm dứt dưới sức ép của phong trào Áo vàng hay không, nhà kinh tế học Gilles Moec tại Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch đồng thời là cựu quan chức ngân hàng trung ương Pháp, nói: “Tôi không nghĩ vậy. Nhưng (tham vọng) sẽ tạm dừng. Buộc phải tạm dừng”.

Tổng thống Macron lên nắm quyền từ tháng 5/2017 với lời hứa tự do hóa nền kinh tế và tạo thêm việc làm với mức lương ổn định. Ông đã cải cách một loạt lĩnh vực từ thị trường lao động, đào tạo việc làm, giáo dục và hệ thống đường sắt quốc gia. Lòng tin doanh nghiệp tăng lên, tốc độ tăng trưởng khả quan và Paris đã trở thành một thủ đô phát triển về công nghệ.

Tuy vậy, đối với nhiều người dân sống ở khu vực ngoài Paris, những dấu hiệu cải thiện rất ít. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức gần 9%. Mặc dù số liệu thống kê chính thức cho thấy thu nhập của các hộ gia đình tăng lên trong năm 2017 và 2018 nhưng nhiều người dân không cảm nhận được điều này. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Pháp vẫn là nước đánh thuế nhiều nhất trong số các nước phát triển (chiếm 46,2% GDP).

Tổng thống Macron cũng mắc những sai lầm. Trong kế hoạch ngân sách đầu tiên trong năm đầu tại nhiệm, ông Macron đã giảm thuế cho người giàu để thu hút đầu tư và kích thích nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, kế hoạch giảm thuế cho những người dân bình thường buộc phải chờ. Điều này khiến ông Macron vấp phải sự chỉ trích nặng nề khi nhiều người cho rằng ông là tổng thống của giới nhà giàu.

“Chúng tôi từng đặt niềm tin vào Macron. Ông ấy đã trao cho chúng tôi giấc mơ rằng ông ấy sẽ thay đổi mọi thứ, nhưng rốt cuộc bây giờ chúng tôi bị lừa”, Bruno Passe, một nông dân từ vùng Champagne, cho biết.


Một công nhân tìm cách xóa dòng chữ do người biểu tình viết đòi Tổng thống Macron từ chức tại Khải Hoàn Môn ở Paris. (Ảnh: AP)

Một công nhân tìm cách xóa dòng chữ do người biểu tình viết đòi Tổng thống Macron từ chức tại Khải Hoàn Môn ở Paris. (Ảnh: AP)

Nhiều người muốn Tổng thống Macron từ chức. Họ gần như không biết Emmanuel Macron là ai vào thời điểm ông đắc cử năm 2017 vì trước đó ông chưa từng nắm giữ một chức vụ nào qua bầu cử trong chính quyền và chỉ có giai đoạn ngắn làm bộ trưởng kinh tế. Ông xây dựng đảng từ con số không, quy tụ hầu hết những người mới chân ướt chân ráo bước vào con đường chính trị.

Đảng của ông Macron dự định sẽ tập hợp nguồn lực từ xã hội dân sự để cải cách đất nước. Tuy nhiên, khi lên nắm quyền, ông Macron dường như điều hành nước Pháp từ Điện Elysee với sự trợ giúp của các cố vấn. Và khi làn gió chính trị đổi chiều, ông Macron đối mặt với nhiều khó khăn. Một số đồng minh của Tổng thống Macron tỏ ra thất vọng với nhà lãnh đạo trong việc khôi phục tinh thần cởi mở vốn có.

Một số người cho rằng dù cho chuyện gì xảy ra trong thời gian tới, Tổng thống Macron không thể tiếp tục lãnh đạo nước Pháp như cách ông từng làm trong năm đầu nhiệm kỳ. Theo Francois Bayrou, một đồng minh chính trị của Tổng thống Macron, “một người không thể lãnh đạo theo cách chống lại người dân nước mình”.

“Ông ấy là hình mẫu điển hình của việc cá nhân hóa quyền lực. Ông ấy đã trở thành hiện thân của kiểu người mà ai cũng không ưa. Thẳng thắn mà nói, tôi không biết ông ấy sẽ thoát ra khỏi tình cảnh này như thế nào”, Marc Lazar, giáo sư tại Sciences Po, nói.

Thành Đạt

Theo Financial Times