1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kịch bản "ác mộng" mà Ukraine lo ngại đã thành hiện thực

Thanh Thành

(Dân trí) - Kịch bản ác mộng của Ukraine đã trở thành hiện thực khi mặt đất ở đóng băng vào mùa đông và viện trợ của phương Tây dành cho nước này cũng đang "đóng băng".

Kịch bản ác mộng mà Ukraine lo ngại đã thành hiện thực - 1

Bên trong một lớp học bị hư hại trong cuộc tấn công tên lửa ở Lviv, miền tây Ukraine, vào ngày 29/12/2023 (Ảnh: AFP).

Đó là một kịch bản ác mộng mà các quan chức Ukraine và phương Tây đã lo sợ trong nhiều tháng qua.

Các quan chức phương Tây đã theo dõi việc Nga tập trung các loại vũ khí dẫn đường chính xác để tiến hành các cuộc tấn công có chủ đích vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine vào mùa đông, trong khi vẫn duy trì tốc độ tấn công vào các thành phố bằng cách sử dụng bom "câm" (hay còn gọi là bom không điều khiển).

Và vào sáng 29/12, điều đó đã trở thành hiện thực.

Nga đã tiến hành loạt các cuộc tấn công như mưa đá trên khắp Ukraine, đánh vào Kiev, Dnipro, Lviv, Zaporizhzhia, Odesa và Kharkiv. Đã có ít nhất 158 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa, gây thiệt hại cho các bệnh viện, trung tâm mua sắm và các tòa nhà trên khắp Ukraine.

Moscow bắn tên lửa nhiều đến mức chính phủ Ba Lan cáo buộc một trong những tên lửa của Nga đã bay vào không phận của họ. Quân đội Ba Lan nói rằng một tên lửa của Nga đã đi vào không phận nước này từ hướng Ukraine trước khi quay trở lại không phận Ukraine. Tuy nhiên, Ba Lan không cung cấp bằng chứng cho thấy quả đạn này có nguồn gốc từ Nga. Kiev cũng xác nhận đây là đợt tấn công lớn nhất của Moscow kể từ khi cuộc xung đột toàn diện nổ ra.

Trong sự hỗn loạn bao trùm đường phố Kiev, một người đàn ông đã cố gắng ngăn chặn đám cháy lan rộng bằng cách lái chiếc xe đang cháy của ông ra khỏi đám đông.

Các cuộc tấn công mới khiến các quan chức Ukraine và các chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi liệu KIev có thể duy trì được trong bao lâu trong mùa đông này khi mặt đất đóng băng gây nhiều khó khăn, và đặc biệt là khi nguồn viện trợ quân sự dài hạn của Mỹ và phương Tây sắp cạn kiệt, trừ khi Quốc hội Mỹ hành động sớm.

Các quan chức Ukraine tin rằng, khả năng tấn công của các lực lượng Nga thậm chí còn lớn hơn những gì nước này vừa thể hiện: Moscow có thể bắn khoảng 300 máy bay không người lái (UAV) cảm tử trong một cuộc tấn công vào Ukraine và khoảng 150 tên lửa đạn đạo trong một lần bắn vào Kiev, nữ nghị sĩ Ukraine Sasha Ustinova cho biết. 

Và với thực tế phản công của Ukraine bị đình trệ và số vũ khí mới không thể đến kịp, Ukraine sẽ kiên cường đến mức nào?

"Ukraine đang hướng tới một mùa đông khắc nghiệt vì những lý do rõ ràng. Nhưng tôi nghĩ rằng tinh thần của người Ukraine rất cao. Tất nhiên, điều quan trọng lúc này là tất cả chúng ta sẽ tăng cường hỗ trợ", Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này.

Nhưng tinh thần đó giờ đây đang đứng trước thử thách quá lớn khi người dân Ukraine thường xuyên giật mình chạy ra khỏi giường bởi hàng chục cảnh báo không kích khiến điện thoại của họ sáng lên. 

Trong khi đó, nguồn cung viện trợ sẽ không đến kịp, ít nhất là cho đến khi Quốc hội Mỹ quay trở lại kỳ họp sau kỳ nghỉ cho đến tuần thứ hai của tháng 1, và thậm chí có thể lâu hơn.

"Ukraine cần hỗ trợ ngay bây giờ để tiếp tục chiến đấu vào năm 2024", Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink viết trên Twitter kèm theo hình ảnh chụp màn hình nhiều cảnh báo không kích được gửi đến người dân Kiev.

Các quan chức Mỹ nhận thấy hoạt động di chuyển ở các chiến tuyến gần như trì trệ đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây, một xu hướng dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Trong khi đó, tình hình thời tiết ở Ukraine ngày càng khắc nghiệt lạnh giá. Tuyết rơi dày cản trở các lực lượng di chuyển về phía trước dọc theo mặt trận dài gần 1.00 0km, làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh tiêu hao trong vài tháng. Ukraine đã thực hiện các động thái nhằm giảm độ tuổi nhập ngũ để có thêm nam giới tham gia chiến trường.

"Rõ ràng hiện tại chúng ta đã vượt qua cuộc phản công trên mặt đất. Vì sẽ không nhận được số lượng lớn hỏa lực chính xác tầm xa, Ukraine có lẽ cần phải cố thủ và phòng thủ ngay bây giờ, và nếu Quốc hội không thông qua gói viện trợ mới, ngay cả những tuyến phòng thủ đó cũng có thể không ổn định", Peter Rough, một thành viên cấp cao và giám đốc Trung tâm châu Âu và Á-Âu tại Viện Hudson cho biết.

Chuyên gia này cho biết quân đội Ukraine đã có được một số loại vũ khí tấn công tầm xa hơn, điều này đã buộc các tàu và máy bay Nga phải di chuyển ra xa tiền tuyến.

Tuy nhiên, người Ukraine gần như sắp cạn kiệt đạn dược lẫn thời gian. Mặc dù hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp bao phủ phần lớn Kiev nhưng chúng vẫn không đủ để chống lại các cuộc tấn công từ xa của Nga có thể xảy ra trong mùa đông. 

Ông Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết: "Nếu họ có vũ khí tầm xa hơn, họ có thể phá hủy hoàn toàn hệ thống hậu cần của Nga. Tôi nghĩ họ biết đây thực sự là một điểm yếu đối với Moscow, đặc biệt là vào mùa đông".

Mặc dù Ukraine cần nhiều lực lượng phòng không hơn để ngăn chặn các cuộc tấn công như "cơn bão lửa" hôm 29/12, các quan chức Ukraine đã chỉ ra rằng nhiệt độ giảm đã làm thay đổi các ưu tiên của họ: chiến tranh tiêu hao có nghĩa là ưu tiên cho hỏa lực pháo binh, và châu Âu còn kém xa mục tiêu sản xuất 1 triệu quả đạn pháo vào tháng 3 tới.

"Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi sắp gặp phải là khi Nga bắt đầu pháo kích dữ dội. Bởi vì chúng tôi sẽ không có đủ đạn dược", nữ nghị sĩ Ustinova nói.

Nhưng Ukraine đã buộc phải cắt giảm các hoạt động quân sự vì viện trợ đã cạn kiệt. Thiếu tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskyi, người đứng đầu lực lượng tấn công của Ukraine ở miền nam nói rằng, Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đạn pháo 122mm và 152mm từ thời Liên Xô, vốn vẫn chiếm một phần lớn trong kho vũ khí của Kiev.

Và nếu Ukraine muốn gây áp lực với Nga bất chấp tuyết rơi, họ phải rà phá toàn bộ bãi mìn phía trước. Trong khi đó, nguồn lực chiến tranh của Nga vẫn còn rất nhiều.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur hồi tháng 11 cho biết Nga vẫn còn khoảng 7.000 - 8.000 xe tăng dự trữ. Nền kinh tế Nga cũng không bị ảnh hưởng do chiến sự và Moscow có kế hoạch chi 6% GDP cho quốc phòng vào năm tới. 

Vì vậy, hiện tại, do không có viện trợ của phương Tây nên nếu Nga đẩy mạnh các hoạt động tác chiến ở miền đông Ukraine thì Kiev có thể mất thêm lãnh thổ.

"Điều đó thật đau đớn, bởi vì chúng tôi phải trả giá hàng nghìn mạng sống để giành quyền kiểm soát mỗi một km. Nga đã chiếm được nhiều lãnh thổ hơn. Hãy nhìn vào bản đồ sẽ thấy", nghị sĩ Ustinova nói thêm.

Theo Foreign Policy