1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng Ukraine: Nấc thang nguy hiểm mới

Báo Economist nhận định chiến sự tiếp diễn hiện nay là bằng chứng cho thấy nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được giải pháp chính trị cho toàn bộ vấn đề Ukraine đã hoàn toàn thất bại hoặc ít nhất chưa mang lại kết quả đáng kể.

Khủng hoảng Ukraine: Nấc thang nguy hiểm mới

Đại diện của CH nhân dân Donetsk tự xưng và đại diện của CH nhân dân Luhansk tự xưng phát biểu với truyền thông ở sân bay quốc tế Minsk, ngày 31/1.

Cuộc đàm phán về Ukraine diễn ra hôm 31/1 tại Minsk (Belarus) đổ vỡ đã dập tắt hy vọng về một lệnh ngừng bắn mới có thể sớm được triển khai nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 9 tháng qua.

Ngày 31/1, sau nhiều lần đình đốn, đại diện các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine gồm Nga, Chính phủ Kiev, lực lượng ly khai ở Donetsk và Lugansk, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cuối cùng đã có thể sắp xếp để ngồi lại với nhau. Tuy nhiên, bầu không khí căng thẳng và giận dữ cùng những cáo buộc lẫn nhau đã khiến cuộc đàm phán sụp đổ.

Kết quả được báo trước

Phát biểu với báo giới, cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma, Đặc phái viên của chính quyền Kiev cho hay các đại diện của phe ly khai ở miền Đông “đã phá hoại cuộc đàm phán khi từ chối thảo luận về kế hoạch cụ thể nhằm thực thi thỏa thuận ngừng bắn một cách nhanh chóng và rút vũ khí hạng nặng” ra khỏi vùng chiến tuyến. Trong khi đó, một thủ lĩnh của phe ly khai, ông Denis Pouchiline đổ lỗi cho Kiev đã đưa ra các “tối hậu thư”.

Thông tin trên kênh truyền hình Russia 24 cho thấy đại diện các bên thương thuyết dường như không có thẩm quyền quyết định khi tham gia đàm phán. Reuters dẫn lời Đặc phái viên của Kiev Leonid Kuchma chỉ trích việc vắng mặt của hai lãnh đạo chủ chốt bên phe ly khai, vốn từng ký kết thỏa thuận Minsk ngày 5/9/2014.

Theo giới quan sát, thất bại trong cuộc đàm phán lần này là điều được báo trước trong bối cảnh chiến sự đang nghiêng về phe ly khai. Việc ai thắng thế trên chiến trường sẽ có quyền áp đặt yêu sách đối với bên kia. Trước khi ngồi vào bàn đàm phán, phe ly khai đe dọa sẽ mở rộng chiến dịch phản công chiếm lại toàn bộ hai vùng Donetsk và Lugansk nếu thương lượng thất bại.

Hiện tại, theo Người phát ngôn quân đội Ukraine Vladimir Poliovy, giao tranh đang nổ ra trên toàn chiến tuyến, đặc biệt ác liệt ở thị trấn chiến lược Debaltseve, nơi cách Donetsk khoảng 60km về phía Đông Bắc. Ông Edward Basurin, Chỉ huy lực lượng Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) cho biết các vòng vây của lực lượng này ở thị trấn Debaltseve ngày càng siết chặt. Trong khi đó, ở Lugansk, Mariupol… các cuộc pháo kích dữ dội của phe ly khai liên tục nã vào các vị trí của quân đội chính phủ.

Báo Economist nhận định chiến sự tiếp diễn hiện nay là bằng chứng cho thấy nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được giải pháp chính trị cho toàn bộ vấn đề Ukraine đã hoàn toàn thất bại hoặc ít nhất chưa mang lại kết quả đáng kể. Mặt khác, sự bế tắc trong quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đàm phán lại thúc đẩy chiến sự gia tăng. Sự luẩn quẩn ấy liên tục xoay vòng.

Kẹt giữa hai làn đạn

Trước những diễn biến bất lợi trên chiến trường, chính quyền Kiev đang ra lệnh tổng động viên trên toàn quốc, với quân số dự kiến huy động từ ngày 20/1/2015, kéo dài 90 ngày, lên tới 50.000 quân. Giai đoạn thứ hai với số lượng binh sỹ cao hơn sẽ bắt đầu được huy động vào giữa tháng Tư, kéo dài trong 60 ngày.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chính sách này của Kiev có thể sẽ làm gia tăng sự bất mãn trong nhân dân, thậm chí khiến nhiều tỉnh đòi ly khai. Bên cạnh đó, quân đội chính phủ có thể sẽ không đủ chiến phí hay trang thiết bị, vũ khí để trang bị cho những người lính mới. Tuy nhiên, nói như cây bút Joshua Keating trên tờ Slate, đây là biện pháp để Kiev ép ngược phương Tây. Khi họ không đủ sức chiến đấu, và không có quyền lựa chọn việc đàm phán hòa bình, thì trách nhiệm của Mỹ, châu Âu là cung cấp vũ khí, chiến phí để Ukraine có thể theo đuổi chiến tranh.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Obama cho biết đang xem xét cung cấp vũ khí sát thương và thiết bị quân sự cho lực lượng Ukraine, theo New York Times. Ngoại trưởng John Kerry và Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey đã để ngỏ cuộc thảo luận về ý tưởng này, trong khi Tư lệnh NATO Philip Breedlove bày tỏ sự ủng hộ.

Theo kế hoạch, ngày 5/2, Ngoại trưởng John Kerry sẽ đến Ukraine để thảo luận tình hình cùng với Tổng thống Petro Poroshenko. CNN đánh giá chuyến thăm này sẽ góp phần tăng thêm khích lệ của Mỹ đối với Kiev trong cuộc chiến tại miền Đông Ukraine. Diễn biến trong năm 2014 đã chứng minh điều đó sau các chuyến thăm của Giám đốc CIA John Brennan, Ngoại trưởng Kerry và Phó Tổng thống Joe Biden.

Sự can dự của Mỹ không chỉ báo hiệu xung đột Ukraine sẽ diễn tiến với giao tranh ngày càng khốc liệt giữa Kiev và phe ly khai, mà còn phản ánh cuộc đối đầu chưa có hồi kết giữa Nga và phương Tây. Ukraine với vị trí chiến lược của mình đáng lẽ phải là cầu nối Đông – Tây hữu hiệu thì lại bị kẹt giữa hai làn đạn, biến đất nước vốn rất xinh đẹp bên bờ Biển Đen này trở thành “bãi lầy” chiến tranh với tương lai mờ mịt.

Theo Quang Chinh
Thế giới và Việt Nam