1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khủng hoảng Ukraine giúp Nga xoay trục tới châu Á?

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể buộc Nga phải mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại với các quốc gia châu Á. Đó có lẽ là tin tốt lành đối với vùng Viễn Đông của Nga.

Hai yếu tố đang thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ giữa Nga với các nước châu Á là các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với Moskva và những nỗ lực của châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga. Trong bất cứ trường hợp nào, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự "xoay trục" của Nga sang châu Á như là một sáng kiến trong ​​chính sách đối ngoại và trong môi trường địa chính trị hiện nay, chính sách hướng đông của Moskva đang có động lực để tăng tốc.

Cuộc khủng hoảng Ukraine tạo động lực để Nga xoay trục hướng về châu Á. Ảnh: RT

Cuộc khủng hoảng Ukraine tạo động lực để Nga xoay trục hướng về châu Á. Ảnh: RT

Thách thức

Không gian địa kinh tế, chính trị và an ninh của khu vực châu Á đang trải qua một sự chuyển đổi cơ cấu. Cùng với các nước khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, các quốc gia châu Á quan trọng khác bao gồm Ấn Độ, Australia và New Zealand, trong khi cả Nga và Mỹ đều được coi là một phần mở rộng trong các thỏa thuận hợp tác của khu vực.

Sự hình thành một trật tự đa trung tâm ở châu Á đang tạo cơ hội để Nga tham gia ngày càng tích cực và chủ động vào khu vực được cho là trung tâm quyền lực năng động của thế giới. Trong bối cảnh này, tăng cường sự xoay trục của Nga sang châu Á là một chính sách cực kỳ quan trọng nhằm kết nối Moskva với nền kinh tế của khu vực đang phát triển tích cực mà cho đến nay Nga thực tế vẫn còn đang vắng mặt. Mặc dù đã tham gia vào tất cả các tổ chức và diễn đàn khu vực châu Á (APEC, ASEAN, ASEM, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á...), nhưng Nga vẫn tách biệt với khu vực này trong lĩnh vực thương mại tự do.

Hai hiệp định lớn trong khu vực hiện đang trong quá trình đàm phán đó là Đối tác hợp tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN + 6 (các nước ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand) và Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được thành lập dưới sự bảo trợ của Mỹ. Việc ký kết hiệp định tự do thương mại, ban đầu với một số quốc gia trong khu vực và sau đó, với các tổ chức hội nhập khu vực, có khả năng tạo động lực để Nga hướng về phía Đông một cách mạnh mẽ hơn. Trong trường hợp tốt nhất, điều này có thể tạo thuận lợi cho sự phát triển các khu vực Siberia và Viễn Đông của Nga, một mục tiêu chính trong chính sách hướng Đông của Moskva.

Đồng thời, sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng giữa các cường quốc hàng đầu trong khu vực, Mỹ và Trung Quốc, cũng tạo ra những thách thức tiềm năng. Trong bối cảnh chính quyền Obama thực hiện chính sách tái cân bằng sang châu Á -Thái Bình Dương, Mỹ đang đặt ưu tiên của mình cho khu vực này về chính sách đối ngoại nhằm duy trì vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực, đặc biệt là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Kết quả là, các lợi ích của các cường quốc vừa và nhỏ trong khu vực cũng như Nga và Ấn Độ sẽ phải được tính toán hợp lý nếu họ quyết định không đưa ra lựa chọn rõ ràng đứng về bên nào trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Lựa chọn đứng về phía nào chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm sự phân cực của khu vực và tạo ra sự bất ổn có thể làm suy yếu các động lực phát triển kinh tế của châu Á.

Chia rẽ

Quân đội Ukraine canh gác tại một điểm kiểm tra gần Slavyansk, đông Ukraine ngày 2/5. Ảnh: RT

Quân đội Ukraine canh gác tại một điểm kiểm tra gần Slavyansk, đông Ukraine ngày 2/5. Ảnh: RT

Phản ứng khác nhau của các nước trong khu vực về tình hình ở bán đảo Crimea cho thấy tình trạng bị chia rẽ của khu vực trong việc ủng hộ Nga. Một số đồng minh của Mỹ áp đặt trừng phạt khác nhau đối với Nga liên quan đến vấn đề Crimea. Sau Mỹ, Australia công bố danh sách 12 người, trong đó có 8 người Nga không được cấp thị thực. Ngoài ra, Australia cũng hủy bỏ chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính tới Moskva.

Trong khi đó, New Zealand đã ngưng các cuộc đàm phán về việc ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh Thuế quan (bao gồm Nga, Kazakhstan và Belarus) vốn được triển khai từ năm 2012. Nhật Bản đã đóng băng các cuộc đàm phán liên quan đến các thỏa thuận như nới lỏng của chế độ cấp thị thực, ký kết một thỏa thuận hợp tác đầu tư và ngăn ngừa các hoạt động quân sự nguy hiểm trong không gian. Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, lưu ý rằng các lệnh trừng phạt không nên làm ảnh hưởng đến sự phát triển trong lĩnh vực giao lưu văn hóa và kinh tế giữa hai nước.

Mặc dù vậy, một số đồng minh khác của Mỹ quyết định không trừng phạt Nga, đồng thời thể hiện sự quan tâm lớn trong việc phát triển hợp tác với Moskva. Ví dụ, bất chấp áp lực từ Mỹ, Hàn Quốc quyết định không đưa ra biện pháp cứng rắn nào với Nga. Các nước châu Á khác, chẳng hạn như đối tác chiến lược của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ, không ủng hộ các biện pháp trừng phạt và về mặt chính thức cũng không lên án hành động của Nga về vấn đề Crimea.

Bắc Kinh nói rằng họ không đứng về bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột trên và ủng hộ giải pháp chính trị giải quyết khủng hoảng qua sự trung gian của các tổ chức quốc tế. Vị trí trung lập của Trung Quốc thể hiện sự tôn trọng lập trường của Nga, cho phép nước này tránh xa cuộc xung đột và do đó tăng cường vị thế của mình trong khu vực. Về cơ bản, Trung Quốc đang tính toán đến những hành động của Mỹ không chỉ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn ở một số khu vực khác trên thế giới.

Yếu tố Trung Quốc

Lãnh đạo Nga coi việc phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình ở khu vực châu Á. Điều này được thể hiện qua các dự án hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực năng lượng như: Dự án xây dựng đường ống dẫn dầu nối đông Siberia - Thái Bình Dương, được xây dựng với sự viện trợ tín dụng của Trung Quốc trong vòng 20 năm với một mức giá cố định và việc xây dựng một đường ống dẫn khí sang Trung Quốc, một thỏa thuận mà có thể sẽ được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin trong tháng 5 này.

Với sự hợp tác trên, Nga sẽ có thể đa dạng hóa nguồn cung năng lượng với một khu vực mà nhu cầu sử dụng khí đốt ngày càng tăng. Đây cũng là chính sách hợp lý trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Moskva. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại chính của Nga trong khu vực với kim ngạch thương mại đạt 89 tỷ USD năm 2012 và là nước đầu tư chính về kinh tế đối với vùng Viễn Đông của Nga.

Quân đội Ukraine canh gác tại một điểm kiểm tra gần Slavyansk, đông Ukraine ngày 2/5. Ảnh: RT

Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại một cuộc gặp ở Bắc Kinh. Ảnh: RIA Novosti

Mặc dù Moskva đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển vùng Siberia và Viễn Đông, đặc biệt trong việc xây dựng cái gọi là Vùng lãnh thổ phát triển tiên tiến (được đề xuất bởi Bộ Phát triển Viễn Đông Nga), rất khó để đánh giá quá cao tầm quan trọng nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Trong tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc công bố đầu tư 5 tỷ USD vào các dự án phát triển ở vùng Viễn Đông của Nga, kể cả đầu tư vào Vùng lãnh thổ phát triển tiên tiến (TADS) và tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các dự án kinh tế dài hạn khác.

Nhưng hiện nay đang có sự mất cân bằng trong cơ cấu thương mại giữa Nga - Trung Quốc, khi mà xuất khẩu của Nga chủ yếu dựa vào năng lượng, nguyên liệu thô, thủy sản và lâm sản, trong khi xuất khẩu Trung Quốc ở một mức độ cao hơn nhiều, bao gồm các trang thiết bị và hàng hóa đã gia công. Việc này đặt ra một câu hỏi còn để ngỏ đó là liệu sự hợp tác của mối quan hệ như vậy có thể góp phần vào sự phát triển sáng tạo và hiện đại hóa của Nga?

Cơ cấu thương mại giữa Nga và phần lớn các quốc gia châu Á khác đều trong hoàn cảnh tương tự, trừ các nước ASEAN và Ấn Độ. Thách thức chính đối với Nga trong nỗ lực phát triển quan hệ với các quốc gia châu Á là nguy cơ trở thành một thị trường nguyên liệu phụ cho khu vực này.

Sự thận trọng trong việc thể hiện lập trường chính sách đối ngoại của Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy một điều rằng, trong khi có quan hệ đối tác chiến lược với Nga, Bắc Kinh không quan tâm đến việc ủng hộ một các rõ ràng các hành động của Nga trước nguy cơ xảy ra xung đột với phương Tây và Trung Quốc đang cố gắng để tránh đối đầu với cả Nga và Mỹ.

Mặc dù có sự cạnh tranh và một số xung đột về lợi ích chiến lược với Mỹ, Bắc Kinh sẽ không được lợi nếu mối quan hệ của họ với Washington xấu đi. Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành hội đàm để phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế từ năm 2009. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước và đây là mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới. Điều quan trọng là Nga hiểu rằng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với mình trong một số vấn đề có thể rất hạn chế.

Trên thực tế, rõ ràng là sự phát triển mạnh của vùng Siberia và Viễn Đông không thể không cần sự hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh với các nước chủ chốt trong khu vực, trong đó có Mỹ. Trong bối cảnh này, sự cân bằng dường như là vấn đề quan trọng nhất của Moska khi phát triển quan hệ với không chỉ Trung Quốc mà cả với các nước khác trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và ASEAN.

Điều này sẽ giúp Nga độc lập hơn khi hợp tác với khu vực phát triển năng động nhất thế giới hiện nay. Đồng thời, Nga phải tiến hành một chính sách cân bằng trong mối quan hệ không chỉ với châu Á mà còn phải trong cả chính sách đối ngoại nói chung. Xoay trục sang châu Á không có nghĩa là bỏ qua sự phát triển quan hệ với châu Âu.

Theo Công Thuận