1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng Ukraine: EU đắn đo trước cuộc chiến cuối cùng

Phe ly khai bắt đầu chiến dịch phản công của mình, trong khi EU đang lưỡng lự trước có theo Ukraine đánh canh bạc cuối cùng

Cuộc phản công của Donbass

Sau vài ngày phát động chiến tranh tổng lực, Ukraine gần như không đạt được thêm hiệu quả quân sự nào so với mục đích ban đầu họ đề ra.

Mỗi ngày trong đợt tấn công tổng lực, Ukraine phát động hàng chục cuộc nã pháo, nhiều đợt tập kích bộ binh vào các cứ điểm của Lugansk và Donetsk. Tuy nhiên, tất cả đều bị những tay súng ly khai bẻ gãy. Thậm chí, những nhà lãnh đạo ly khai tuyên bố đã đến thời điểm để họ tiến hành tổng phản công.

Hồi tuần trước, Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng đã ra tuyên bố về việc họ sẽ không ngồi vào bất kỳ bàn đàm phán hay kế hoạch hòa bình nào nữa. Donetsk cho thấy sức chịu đựng của họ là có giới hạn và họ đủ binh lực để mở rộng các vùng đất chiếm đóng của mình.

Minh chứng cho tuyên bố của lãnh đạo, các cuộc pháo kích nhằm vào các cứ điểm của quân đội Ukraine cũng được diễn ra với tần xuất cao hơn rất nhiều. Hiện giao tranh đang diễn ra ác liệt ở Debaltseve, một thị trấn nhỏ mà lực lượng ly khai tuyên bố sẽ tìm cách chiếm giữ để củng cố các thành trì của mình.
 
Lính Ukraine đứng gác ở một ngôi làng tại Luganska, ngày 24/1

Lính Ukraine đứng gác ở một ngôi làng tại Luganska, ngày 24/1

Còn theo thông tin từ ông Dmitry Tymchuk, người đứng đầu Trung tâm Thông tin tác chiến thuộc Quân đội Ukraine thì phe ly khai đã huy động lên tới 22 xe tăng, 34 xe bọc thép, 2.000 quân ở khu vực Gorlovki. Đại diện Ukraine nghi ngờ, đó là hoạt động nhằm chuẩn bị cho một cuộc phản công của lực lượng dân quân ly khai.

Đồng thời, thành phố cảng Mariupol đã được đặt vào tình trạng báo động khẩn cấp khi Kiev ghi nhận đã có những tín hiệu chuyển quân của Lugansk để chuẩn bị cho một cuộc chiến mới nhằm giành quyền kiểm soát khu vực này từ tay chính quyền Kiev.

Mariupol là một thành phố cảng có vị trí chiến lược quan trọng. Hồi tháng 9/2014, quân ly khai đã mở những cuộc tập kích quy mô lớn vào khu vực này. Nhưng ngay sau đó, thỏa thuận ngừng bắn tại Minsk được ký kết và nó được giữ nguyên hiện trạng cho đến nay.

Trong bức tranh ảm đạm trên chiến trường ấy cũng có tin vui cho Ukraine, khi người phát ngôn quân đội nước này, ông Andriy Lysenko cho biết trong ngày 27/1/2015, quân đội đã phá hủy được hàng chục máy bay và trực thăng của quân ly khai tại sân bay ở Lugansk.

Tuy nhiên, tin vui này cũng hé lộ nhiều điều bất trắc, khi số khí tài quân sự để Lugansk xây dựng không lực đã lên tới con số hàng chục, không hề đơn giản như vài chiếc máy bay được lấy từ viện bảo tàng hay trường huấn luyện mà ly khai tuyên bố trước đó. Và cũng chưa rõ Lugansk đang cất giấu bao nhiêu chiếc máy bay và đã có bao nhiêu sân bay được gia cố trở thành sân bay quân sự.
 
Ly khai miền đông Ukraine trong một căn cứ
Ly khai miền đông Ukraine trong một căn cứ

Cuộc chiến đang ngày càng thể hiện sự thắng thế, lấn át của phe ly khai. Và nếu hiện trạng này tiếp diễn, đồng thời Ukraine không nhận thêm được sự hỗ trợ nào từ các "đối tác phương Tây" thì rất có thể, họ sẽ ngồi vào bàn đàm phán mà không có bất kỳ tiếng nói nào.

Canh bạc cuối của châu Âu

Vừa qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đăng đàn tuyên bố rằng Kiev tôn trọng các thỏa thuận ngừng bắn, và các bên cần rút vũ khí hạng nặng đến ranh giới quy định, tuy nhiên ranh giới đó sẽ không tuân theo thỏa thuận Minsk vì đó là cái nước Nga muốn. Kiev sẽ chỉ rút quân dựa trên cơ sở kiểm soát thực tế.

Trong ngày 27/1/2015, Quốc hội Ukraine đã thông qua một tuyên bố mới, mà trong đó họ chỉ đích danh Nga là "nước xâm lược" và là thế lực đã gây ra cuộc nội chiến như ngày hôm nay bởi sự ủng hộ, hậu thuẫn ly khai miền Đông theo đuổi chiến tranh, và nay là mở rộng diện tích kiểm soát.

Đồng thời, Quốc hội nước này cũng kêu gọi quốc tế viện trợ thêm cho họ để có đủ nguồn lực khôi phục, tái thiết đất nước và duy trì các hoạt động chống khủng bố (thực tế là chiến tranh với người miền Đông) và quốc tế cần gia tăng mạnh mẽ hơn các biện pháp trừng phạt với Nga.

Thực tế thì Kiev đang thất thế trước chiến trường, và nếu lựa chọn việc thực hiện ngừng bắn theo hiện trạng kiểm soát hiện tại thì Ukraine là người chịu thiệt. Chỉ có điều, Kiev không nói rõ ràng thời điểm họ sẽ rút quân. Và từ nay đến "thời điểm" đó, phương Tây muốn có được nhiều lợi ích, hãy bơm vũ khí và chiến phí cho Kiev để chiến tranh được hiệu quả.
 
Ly khai miền đông Ukraine trong một căn cứ

Thủ tướng Yatsenyuk: "Quốc tế cần tiếp tục viện trợ cho Ukraine và tăng sức ép trừng phạt kinh tế Nga"

Và đến tuyên bố của Quốc hội Ukraine thì mọi chuyện đã hai năm rõ mười, họ chỉ cần tiền, vũ khí để theo đuổi chiến tranh, đồng thời Kiev cũng thúc giục quốc tế mà cụ thể là châu Âu và Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga để hợp thành thế nội công ngoại hợp, vừa hạ gục ly khai, vừa đánh sập kinh tế Nga.

Những gì Kiev đang kêu gọi chính là cuộc chiến cuối cùng với nước Nga thời kỳ Putin mà cả châu Âu và Mỹ cần phải hợp sức mới có thể chiến thắng.

Có thể thấy rằng, châu Âu cũng đã ý thức được đầy đủ vấn đề của mình. Bởi dù mệt mỏi trong việc trừng phạt kinh tế Nga, nhưng họ vẫn không thể đơn phương gỡ bỏ các lệnh cấm vận này. Vì đơn giản, Mỹ vẫn chưa buông tha và châu Âu khó lòng trái ý Mỹ.

EU và Nga có những hợp tác quan trọng về kinh tế, nhưng ngược lại, họ với Mỹ lại có những sự hợp tác mật thiết về cả chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, ngoại giao… Sự hợp tác đó đã kéo dài hàng chục năm, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, ăn sâu vào hệ tư tưởng của những người làm chính trị. Điều này lý giải rằng dù mệt mỏi, EU vẫn khó lòng có thể bỏ Mỹ hòa Nga.

Tuy nhiên, cũng không thể để tình trạng đôi co giữa Nga – EU kéo dài. Mấu chốt của vấn đề ở đây duy nhất là cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Vì sự ràng buộc với Mỹ, và ý chỉ của quốc gia này chưa cho phép họ bình thường hóa quan hệ với Moscow. Điều này dẫn đến việc châu Âu thà một lần giải quyết tất cả, còn hơn để sự thiệt hại cứ dai dẳng từ ngày này sang ngày khác.

Điều đó lý giải vì sao trong ngày 29/1/2015 tới, 28 quốc gia thành viên của EU sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận lần cuối về việc gia tăng trừng phạt đối với kinh tế Nga.
 
Đặc nhiệm Ukraine ở miền Đông

Đặc nhiệm Ukraine ở miền Đông

Châu Âu hiểu rằng trong lòng họ đang chất chứa đầy rẫy những mâu thuẫn. Từ việc Hy Lạp có nguy cơ ra khỏi liên minh, đến việc cuộc xả súng vào một tờ báo ít tên tuổi Charlie Hebdo mà khiến cả châu Âu lao vào vòng xoáy mâu thuẫn tôn giáo.

Tại Pháp, phong trào bài Do Thái nổi lên ngày càng mạnh mẽ, trong khi ở Đức, phong trào bài đạo Hồi chưa nguôi đã xuất hiện cả phong trào "bài Mỹ hóa". Còn cả châu Âu vẫn căng mình chống khủng bố

Nếu tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt ở mức mập mờ như hiện nay, kinh tế Nga sẽ thiệt hại nặng nề và về lâu dài sẽ sụp đổ (theo tính toán của Mỹ). Nhưng điều này đặt ra thách thức không nhỏ rằng châu Âu cũng sẽ sụp đổ hoặc khốn đốn cùng nền kinh tế Nga.

Châu Âu thực tế đã bị Mỹ đẩy lên ngồi cùng con thuyền với Ukraine. Và EU buộc phải lựa chọn giải pháp đau đớn: dốc toàn lực tăng trừng phạt Nga, viện trợ cho Kiev để sớm thủ thắng trong cuộc đối đầu này.

Nếu Ukraine thắng, cuộc khủng hoảng chấm dứt, EU vui vẻ ngồi trên chờ Nga đề nghị nối lại quan hệ hợp tác cùng với vô số những lợi ích. Nếu Ukraine thua, các lệnh trừng phạt cũng được gỡ bỏ. Dù sao Nga vẫn cần châu Âu để phát triển kinh tế, mối quan hệ của họ tiếp tục như chưa hề có cuộc chia ly.

Song để được kết quả đó, châu Âu sẽ phải chịu thêm nhiều thiệt hại và tốn nhiều tỷ Euro nữa. Việc phải móc hầu bao chi đậm chính là vấn đề khiến EU phải thực sự suy nghĩ. Chưa kể mối quan hệ với Nga sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và trong trường hợp, Ukraine thua trận, trong các cuộc đàm phán kinh tế sau này, Moscow mới là người ngồi chiếu trên.

Theo Đỗ Minh Tú
Đất Việt