1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng Trung Đông-Bắc Phi nhìn từ 4 thách thức với Mỹ

(Dân trí) - Có ý kiến cho rằng Mỹ đang lợi dụng những biến cố ở Tunisia và Ai Cập để “vẽ lại” bản đồ Trung Đông-Bắc Phi; Ý kiến khác nói chính những biến cố này đang đặt ra những thách thức với Mỹ, buộc Washington “định hình lại” các chính sách-chiến lược ở khu vực.

 
Khủng hoảng Trung Đông-Bắc Phi nhìn từ 4 thách thức với Mỹ - 1
Cảng Mina Sulman, căn cứ Hạm đội 5 của Mỹ ở Bahrain

Thách thức chính sách

Biến cố ở Ai Cập đã làm dấy lên những câu hỏi lớn về sự ổn định lâu dài của các chính phủ liên kết với phương Tây ở khắp khu vực Trung Đông và có thể làm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ từ Địa Trung Hải đến vùng Vịnh.

Sự thay đổi ở Ai Cập đã làm rối loạn thế bố trí ngoại giao toàn cầu của Mỹ, khiến tình hình an ninh khu vực Trung Đông bị chấn động mạnh. Ngoài ra, trong quá trình diễn ra sự thay đổi vừa qua của Ai Cập, người ta còn cảm nhận được cả sự châm biếm, mỉa mai đối với chính sách Trung Đông của Mỹ. Phản ứng của Nhà Trắng đối với những diễn biến ở Ai Cập, từ đầu tới cuối, đều là sự giật gấu vá vai, cho thấy mâu thuẫn giữa việc bảo vệ lợi ích và việc phổ biến giá trị dân chủ về lâu dài trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Lâu nay, Mỹ nỗ lực thúc đẩy dân chủ tại các nước đang phát triển, nhưng mỗi khi dân chủ xung đột với lợi ích quốc gia, đa phần dân chủ và nhân quyền trở nên lép vế so với lợi ích quốc gia.

Các cuộc biểu tình ở Ai Cập có thể không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ giữa các chính phủ, mà còn có thể thôi thúc người dân ở Bờ Tây và Dải Gaza chống lại người Israel, chính quyền Israel và giới lãnh đạo Palestine. Trong khi đó, Pakistan – mối bận tâm nữa của Mỹ và phương Tây, đang trong tình trạng khủng hoảng thường xuyên và dường như đang ngày càng nghiêm trọng khi thế giới Hồi giáo quay cuồng với các cuộc nổi dậy tại các nước Ảrập có chính phủ được phương Tây hỗ trợ.

Thách thức quân sự

Các cuộc biểu tình gây chết người tại Bahrain cho thấy quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ này cũng không "miễn nhiễm" trước "làn gió của sự thay đổi ở Ảrập". Được truyền cảm hứng từ các cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập, những người biểu tình ở quốc đảo phần đông người Shiitte này, đã đổ xuống đường biểu tình trong mấy ngày gần đây, làm tăng những quan ngại về khả năng tái diễn cuộc bạo động gây chết người hồi những năm 1990.

Đối với Mỹ, bất ổn ở Bahrain còn "nguy hiểm hơn nhiều" so với tình hình nội bộ hiện nay ở Ai Cập. Cuộc khủng hoảng ở Ai Cập đang làm chao đảo quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé Bahrain - đồng minh của Mỹ, trung tâm chính của hoạt động đầu tư ngoài khơi. Vấn đề là không chỉ số phận của căn cứ Hạm đội 5 của Mỹ ở nước này mà nhiều lợi ích của Washington sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.

Ai Cập là quốc gia Ảrập lớn nhất và hùng mạnh nhất đã ký hiệp ước hòa bình với Israel và nhận được 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, do dễ bị tổn thương trước những biến động lớn hơn và những tác động mà họ có thể phải hứng chịu thông qua chính sách của Ảrập đối với Iran, Ảrập Xêút và các nước còn lại ở vùng Vịnh, nên hiện tại, Bahrain thực sự là một điểm nóng hơn. Trong khi đó, diễn biến của các sự kiện trong khu vực hiện nay có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ chiến lược Mỹ-Ảrập Xêút, liên quan đến các căn cứ quân sự của Mỹ và hàng tỷ USD tiền bán vũ khí của Mỹ, cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong chính sách ngoại giao khu vực và chống khủng bố.

Thách thức kinh tế

Hỗn loạn ở Libya không chỉ đe dọa chấm dứt 41 năm cầm quyền của ông Gaddafi mà còn làm rung chuyển cả thế giới dầu lửa. Các cuộc nổi dậy nổ ra ở khắp khu vực hồi cuối tháng 12/2010 đã làm phương hại đến các nguồn cung cấp dầu và khí đốt - bất chấp các trữ lượng khổng lồ ở nhiều nước Ảrập - và gây tổn thất cho Mỹ và châu Âu do những nước này phụ thuộc nặng nề vào những nguồn năng lượng nhập khẩu này.

Bạo động ở Libya có thể đe dọa hoạt động xuất khẩu năng lượng từ nước này sang châu Âu, nếu các phiến quân li khai ở miền đông giàu dầu lửa của nước này đặt mục tiêu phá hoại các cơ sở hạ tầng và tìm kiếm một phần lớn hơn trong "chiếc bánh lợi nhuận". Các kinh tế gia nói rằng giá dầu cao có thể làm chậm lại mức tăng trưởng kinh tế vào lúc thế giới đang hồi phục từ cuộc suy thoái tệ hại nhất kể từ nhiều thập niên nay. Giá năng lượng cao khiến giá của tất cả mọi loại hàng hóa cũng tăng giá khiến mối đe dọa lạm phát cũng gia tăng.
 
Khủng hoảng Trung Đông-Bắc Phi nhìn từ 4 thách thức với Mỹ - 2

Libya xuất khẩu khoảng 2% số dầu thế giới sử dụng mỗi ngày, và là một nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt quan trọng cho nhiều nước Châu Âu

Chưa hết, giá lương thực chính là mắt xích nối sự kiện ở Trung Đông với giá dầu thô. Về lâu dài, thị trường lương thực cũng không tránh khỏi bị tác động bởi mỗi chu kỳ lên xuống của giá dầu do hoạt động nông nghiệp hiện đại phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch và giá xăng dầu tăng đồng nghĩa với việc nhiều loại cây trồng lương thực sẽ phải nhường chỗ cho các loại cây trồng dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Sự kiện Ai Cập đẩy giá dầu thô tăng cao. Những gì xảy ra tại Libya, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 12 thế giới với 1,1 triệu thùng/ngày, càng làm tình hình thêm căng thẳng. Nếu các cuộc biểu tình lan rộng ra các quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn hơn, như Ảrập Xêút hay Iran, không chỉ có thị trường dầu thô mà cả thị trường lương thực cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thách thức chiến lược khu vực

Bất kỳ hành động nào của Mỹ ở Trung Đông cũng đều xuất phát từ chính những lợi ích địa chính trị của nước này. Nhưng ngày nay, hầu hết các nước Trung Đông đều coi Mỹ là một cường quốc đang suy yếu và bất lực.

Cách xử sự “hai mặt” của Mỹ đối với một đồng minh trung thành lâu năm như Tổng thống Ai Cập Mubarak đã khiến Quốc vương Abdullah của Ảrập Xêút bất bình. Giới phân tích cho rằng các mối quan hệ chiến lược lớn của Mỹ với Ảrập Xêút, nước láng giềng giàu dầu mỏ và khá có ảnh hưởng của Bahrain, cũng như các nỗ lực của Iran - kẻ thù "không đội trời chung" của Mỹ - trong việc gia tăng ảnh hưởng ở khắp vùng Vịnh cũng sẽ bị tác động.

Trong khi Iran nhìn nhận sự sụp đổ của Mubarak như một dấu hiệu mới cho thấy sự suy yếu của Washington và Israel trong khu vực, Mỹ lại nhìn thấy những cơ hội làm bùng phát các cuộc biểu tình chống chính quyền ở nước Cộng hòa Hồi giáo này. Iran rất hài lòng khi Mỹ công khai ủng hộ phe đối lập ở Ai Cập. Tuy nhiên, những gì Iran quan tâm nhất lúc này là Mỹ đóng vai trò là thế lực kiềm chế Israel, nước chưa có phản ứng rõ ràng trước tình hình bạo loạn đang diễn biến ở Ai Cập. Hơn nữa, trong suy nghĩ của Iran vẫn còn một câu hỏi lớn là liệu Mỹ coi sự việc ở Ai Cập chỉ là câu chuyện thoáng qua hay là câu chuyện khiến Mỹ phải nhanh chóng suy nghĩ lại về tình hình trong khu vực, đặc biệt là thái độ của Mỹ đối với các tổ chức Hezbollah và Hamas.

Với tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 35% và GDP bình quân đầu người 2.600 USD, Yemen là nước nghèo khổ nhất trong thế giới Ảrập. Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh - một đồng minh then chốt của Mỹ, đã nhượng bộ trước sức ép của những người biểu tình khi tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử vào năm 2013 và sẽ không tìm cách trao lại quyền lực cho con trai. Do lo sợ tái diễn một Ai Cập khác ở Yemen, Chính quyền Obama có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nỗ lực cải cách trung thực. Đó là cách tốt nhất để Mỹ bảo vệ một đồng minh quan trọng ở Yemen.

Tình trạng bất ổn chính trị hiện nay tại Trung Đông không những được coi là một khó khăn địa chính trị rất lớn đối với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, mà còn là "cơn ác mộng" đe dọa kinh tế thế giới vốn đang chật vật để thoát khỏi di chứng của cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây không lâu.

Việt Hà
Tổng hợp