1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Khủng hoảng tên bão

Chưa năm nào như năm nay, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc lo lắng không còn đủ vần La Mã để đặt tên những cơn bão lớn ở khu vực lòng chảo Đại Tây Dương. WMO là cơ quan được ủy quyền đặt tên những cơn bão lớn trên thế giới.

Cơn bão Rita đang hoành hành nước Mỹ là cơn bão thứ 17 trong năm nay. Chỉ còn 4 tên nữa để đặt cho 4 cơn bão sắp tới là Stan, Tammy, Vince và Wilma. Bà Nanette Lomarda, Trưởng Phòng Bão nhiệt đới của WMO, cho biết: “Trong lịch sử 52 năm đặt tên cho những cơn bão lớn theo vần La Mã, chúng tôi chưa bao giờ phải dùng đến vần Hy Lạp. Nhưng lần này thì có thể”.

 

Như thế có nghĩa là WMO sẽ phải dùng kế hoạch B để đặt những tên theo vần Hy Lạp cho những cơn bão từ thứ 22 trở đi như bão Alpha, Beta, Omicron, Sigma v.v... Vần La Mã chỉ có 21 chữ dùng để đặt tên bão ở Đại Tây Dương trong một năm vì người ta không dùng các vần q, u, x, y và z.

 

Mùa bão tố ở Đại Tây Dương thường diễn ra từ 1/6 đến 30/11. Năm nay đặc biệt mới cuối tháng 9 đã có 17 trận bão lớn. Riêng ngày 5/7 vừa qua có đến 4 cơn bão hình thành ở Đại Tây Dương. Từ đây đến cuối mùa bão, các chuyên gia khí tượng cho rằng có thể có nhiều hơn 21 trận bão lớn do ảnh hưởng khí hậu Trái đất nóng dần lên. Trước nay, chỉ có năm 1993 có 21 trận bão lớn. Năm nay kỷ lục này sẽ bị phá vỡ chăng?

 

Việc đặt tên những cơn bão có một lịch sử khá bão táp. Từ nhiều thế kỷ trước, những cơn bão lớn vùng biển Caribbean được người ta dùng tên các ngày lễ thánh để đặt cho cơn bão hình thành trong ngày đó. Ví dụ trận bão San Felipe tràn vào Puerto Rico – lãnh thổ của Mỹ – ngày 13/9/1876. Đây là ngày lễ thánh San Felipe.

 

Sau đó, người ta dùng vị trí vĩ độ và kinh tuyến để đặt tên bão. Tuy nhiên, tên này rất khó nhớ nên mau chóng biến mất. Thế chiến thứ hai bùng nổ, các chuyên viên khí tượng quân sự Mỹ bắt đầu dùng tên phụ nữ để đặt tên bão. Năm 1950, WMO chính thức áp dụng hệ thống đặt tên bão (tên phụ nữ) theo thứ tự vần La Mã, dùng mật mã đài quân đội. Cơn bão đầu tiên có tên đặt theo hệ thống này là bão Able năm 1950.

 

Tại sao những cơn bão hung hãn, tàn phá mọi thứ trên đường đi của nó chỉ mang tên phụ nữ? Từ thập niên 1970, các tổ chức phụ nữ đấu tranh đòi WMO phải xen kẽ tên nữ và nam. WMO đã đồng ý thỏa mãn yêu cầu chính đáng này vào năm 1979. Họ dùng các tên Pháp và Tây Ban Nha để đặt tên cho những cơn bão lớn tùy theo ngôn ngữ của nước bị bão tàn phá.

 

Theo D.H.Anh

Người lao động/MSNBC, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm