1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng Syria: Cả thế giới phải “vào cuộc”

Đó là nhận định trên tờ Project-Syndicate của tác giả Anne-Marie Slaughter.

Khủng hoảng Syria: Cả thế giới phải “vào cuộc” - 1

Hàng triệu trẻ em Syria đã phải trốn chạy cuộc nội chiến. (Nguồn: AFP)

Theo tác giả này, để giải quyết khủng hoảng tại Syria cần phải có sự tham gia của nhiều quốc gia, không chỉ các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)… Xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

Một cuộc khủng hoảng an ninh toàn cầu đang hoành hành tại Trung Đông và lan ra nhanh chóng khi hàng ngày có hàng triệu người chạy trốn khỏi Syria và Iraq. Cuộc khủng hoảng hiện không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các nước láng giềng của Syria, gây căng thẳng thêm cho các vấn đề về nguồn lực, xã hội và sắc tộc của các nước này, mà còn liên quan trực tiếp đến tất cả thành viên thường trực của HĐBA LHQ, ngoại trừ Trung Quốc. Và, đã đến lúc tất cả thành viên thường trực của HĐBA– cụ thể là Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil, Ai Cập – nên có hành động thích hợp.

Chắc chắn ai cũng mong có một giải pháp chính trị để kết thúc cuộc nội chiến ở Syria; nhưng giải pháp đó là gì vẫn là một vấn đề phải thảo luận – hoặc tranh cãi thêm.

Trên thực tế, Nga và Mỹ đang “vờn nhau” như các võ sĩ trên đài đấm bốc trước thời điểm bắt đầu cuộc chiến.Cả hai vẫn đang hỗ trợ cho các phe phái khác nhau và nỗ lực bảo đảm rằng các đồng minh của họ trong các cuộc xung đột có tiến triển, hoặc ít nhất là giữ được vị trí cố thủ.

Những nỗ lực mang tính toàn thể

Sự hợp tác, ủng hộ của toàn thể HĐBA LHQ rõ ràng là điều cần thiết. Đó là lý do tại sao Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có các cuộc đàm phán với Nga, Saudi Arabia, và Thổ Nhĩ Kỳ để vận động cho một vòng đàm phán quốc tế mới. Đặc phái viên của LHQ và Liên minh Ả rập về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura, đã lập ra một nhóm làm việc do người châu Âu làm Chủ tịch để “tạo ra một khuôn khổ cho cuộc đàm cụ thể giữa chính phủ Syria và phe đối lập”.

Để có được một thỏa thuận hòa bình, một liên minh giữa các nước chưa liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng là rất hữu ích.Một liên minh như vậy – bao gồm Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil và Ai Cập – có thể gia tăng sức ép lên Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải đàm phán. Trong số đó có việc thuyết phục của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng thế giới đang dõi theo những nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận của ông, cũng như việc đó sẽ có lợi cho uy tín của ông.

Ngoài ra, các thành viên liên minh có thể thuyết phục những đối tượng khác ở khu vực để thúc đẩy một nền hòa bình lâu dài. Đơn cử như Đức đã thừa nhận rằng, giải pháp dài hạn duy nhất giải quyết dòng tị nạn tràn vào châu Âu nằm trong việc loại bỏ nhu cầu khiến người ta phải chạy trốn. Và, nước này cũng đã bắt đầu có một số hành động cụ thể. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Chín để làm trung gian cho một thỏa thuận giữ người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại là việc tái khởi động đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Và các đóng góp cụ thể

Các quốc gia khác vẫn chưa có hành động gì, nhưng rõ ràng họ có nhiều tiềm năng cũng như khả năng đóng góp đáng kể.

Ấn Độ, cũng như Pakistan, có lợi ích lớntừ việc tăng cường mối quan hệ thương mại, năng lượng và đầu tư với Tây Nam Á. Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, Ấn Độ đã dự tính khôi phục lại những kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí gas nối Iran – Pakistan và Ấn Độ, với sự tham gia của Trung Quốc và Nga. Nhưng điều đó không thể thực hiện nếu không đạt được một giải pháp tại Syria và một quyết định của Iran ngừng hỗ trợ cho nhóm Hezbollah.

Ấn Độ có mối quan hệ gần gũivới Iran với những liên kết về văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế mang tính lâu dài.Hiện Ấn Độ đang cấp kinh phí cho việc cải tạo cảng Chabahar của Iran, giúp Dehli kết nối trực tiếp với Afghanistan. Điều này khiến Ấn Độ có “thế” hơn khi thúc đẩy Iran gây sức ép với Chính quyền của ông Assad.Tương tự, Ấn Độ có thể tận dụng mối quan hệ với Nga – hiện Ấn Độ vẫn là nước nhập khẩu vũ khí chủ yếu của Nga – để thúc đẩy tiến triển cho tình hình Syria.

Những đóng góp tiềm tàng của Nhật Bản cũng liên quan đến Iran, vì gần đây Tokyo đã theo đuổi mối quan hệ thân thiết hơn với Tehran, không chỉ vì quốc gia Đông Bắc Á này đang cần dầu và gas của Iran. Hồi đầu tháng này tại Tehran, Ngoại trưởng hai nước Nhật Bản và Iran đã nhất trí bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận đầu tư song phương. Phía Nhật Bản cũng mong muốn đẩy nhanh việc thực thi các thỏa thuận hạt nhân của Iran, để qua đó nước này có thể tận dụng các cơ hội kinh doanh khi các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước Cộng hòa Hồi giáo được xóa bỏ.

Nhưng, nếu Iran thật sự tái hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, nước này phải đóng một vai trò mang tính xây dựng trong khu vực. Nhật Bản, nước cũng muốn tăng cường vai trò của mình trên trường quốc tế, cũng không nên né tránh mà phải có những hành động rõ ràng. Một hệ quả tích cực của các nỗ lực này là lợi ích của Nhật Bản và Ấn Độ trong tiến trình hòa bình tại Syria có thể khích lệ Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong việc đạt được, thay vì ngăn chặn, một giải pháp cho khu vực.

Trong khi đó, Brazil, mặc dù đang phải đối diện với nhiều vấn đề trong nước, cũng đang ở vị trí có thể đóng góp. Không chỉ có mối quan hệ quan trọng với Nga, Brazil còn có sự liên kết chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, với dẫn chứng là những nỗ lực của hai nước vào năm 2010 để làm trung gian cho thỏa thuận hạt nhân của Iran.Ngoài ra, năm 2011, Brazil đã đưa ra một văn bản tại LHQ nói về việc các quốc gia tìm cách thực thi học thuyết “trách nhiệm bảo vệ” nên cư xử như thế nào.

Cuối cùng, Ai Cập, quốc gia có mối quan hệ quan trọng trên khắp khu vực, đặc biệt là với Saudi Arabia và nhiều quốc gia vùng Vịnh khác đang trực tiếp hỗ trợ cho một các phe phái đối lập tại Syria. Chính quyền của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi – từng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tìm một giải pháp chính trị toàn diện – đang ngầm hỗ trợ cho chính quyền của ông Assad, nhưng cũng lo ngại sâu sắc về tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.Nhiều nhà ngoại giao Ai Cập là những ứng cử viên xuất sắc cho việc gây áp lực để đi đến thỏa hiệp.

Chính quyền của nhiều nước có thể cho rằng, cuộc xung đột tại Syria là quá xa để có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nước họ.Nhưng, sự lãnh đạo toàn cầu không đơn giản là việc tận hưởng uy tín đi cùng với việc nắm quyền lực. Hiến chương LHQ yêu cầu các quốc gia sử dụng sức mạnh của mình để xác định được “những nguy cơ đe dọa hòa bình, vi phạm hòa bình hoặc có những hành vi xâm lược” và quyết định biện pháp nào phải thực hiện để “duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”. Cuộc khủng hoảng ở Syria là “mối đe dọa lớn với hòa bình” và thế giới cần phải chung tay giải quyết.

Theo K.C/Thế giới và Việt Nam

Khủng hoảng Syria: Cả thế giới phải “vào cuộc” - 2