1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất Mỹ Latinh chấm dứt

(Dân trí) - Tổng thống ba nước Ecuador, Venezuela và Colombia hôm qua đã bắt tay nhau tại cuộc họp thượng đỉnh, chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong khu vực Andea nhiều năm qua.

Cuộc khủng hoảng bùng nổ khi quân đội Colombia đột kích qua biên giới Ecuador, tấn công quân nổi dậy FARC hôm thứ bảy vừa qua, khiến 20 phiến quân thiệt mạng, trong đó cả thủ lĩnh cấp cao của FARC, Raul Reyes.

 

Venezuela và Ecuador đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bogota và triển khai quân đến biên giới giáp với Colombia.

 

Khi hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Ria được khai mạc ở Cộng hoà Dominica, Bộ trưởng quốc phòng Colombia cho biết, một thủ lĩnh phiến quân khác, Ivan Rios, đã bị tiêu diệt, lần này trên đất Colombia, và trong tay của chính các phiến quân.

 

Ngay đầu Hội nghị, lãnh đạo các nước Mỹ Latinh đã có lời qua tiếng lại gay gắt với nhau. Họ đã nhắc đến cả khả năng chiến tranh.

 

Tuy nhiên Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, người trước đó cũng đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia, cho biết họ sẽ nối lại quan hệ một khi các tổng thống bắt tay nhau.

 

Theo yêu cầu đặc biệt của Tổng thống nước chủ nhà Cộng hoà Dominica, những cái bắt tay của các nhà lãnh đạo đã được truyền hình trực tiếp khắp Mỹ Latinh.

 

Khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất Mỹ Latinh chấm dứt - 1

Cái bắt tay mang tính biểu tượng giữa Tổng thống Venezuela Chavez (phải) và Tổng thống Colombia Uribe trước sự chứng kiến của Tổng thống CH Dominica (giữa).

Trước đó, Tổng thống Ecuador Rafael Correa và người đồng cấp Colombia Alvaro Uribe đã có lời lẽ gay gắt ngay trong phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh. Ông Correa lên án sự “hiếu chiến” của Colombia, trong khi ông Uribe tố cáo người đồng cấp Ecuador có liên hệ với nhóm phiến quân FARC. Ông Uribe cho biết Colombia không cảnh báo cho Ecuador về cuộc đột kích hôm thứ bảy tuần trước là bởi ông Correa không hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, và trong cuộc đột kích, người của ông đã thu giữ được tài liệu chứng tỏ chính phủ của Tổng thống Correa có liên hệ với nhóm phiến quân.

 

Dĩ nhiên, ông Correa phủ nhận cáo buộc này, và khẳng định hai bàn tay ông không “dính máu”. Tổng thống Correa chỉ thừa nhận có liên lạc với FARC để đảm bảo cho tính mạng của các con tin bị nhóm này bắt cóc, trong đó có cả cựu ứng viên tổng thống Colombia Ingrid Betancourt.

 

Tuy nhiên, trước khi bắt tay trong tiếng vỗ tay hưởng ứng của các thành viên tham gia hội nghị thượng đỉnh, ông Correa phát biểu: “Với cam kết không bao giờ tấn công đất nước anh em một lần nữa, và lời yêu cầu được tha thứ, chúng ta có thể xem vụ việc rất nghiêm trọng lần này đã được giải quyết”.

 

Theo một số nhà phân tích, Tổng thống Colombia Uribe dường như đã phải trả giá trong canh bạch lớn khi ra lệnh không kích tiêu diệt thủ lĩnh Reyes. Ông Uribe có thể biết vụ việc sẽ dẫn đến đổ vỡ trong quan hệ ngoại giao với Ecuador, nhưng có lẽ ông không thể nhận ra được rằng Venezuela và Nicaragua cũng sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với mình.

 

Nguyên Hạ

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm