1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Khủng hoảng Bolivia hé lộ “bức tranh tối màu” ở Mỹ Latin

Cuộc khủng hoảng ở Bolivia đã cho thấy “bức tranh tối màu” ở Mỹ Latin với sự phân cực sâu sắc giữa các quốc gia trong khu vực.

Khủng hoảng Bolivia – Mỹ Latin phân cực sâu sắc

Thay vì cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng ở Bolivia sau khi Tổng thống Evo Morales từ chức vào tuần này, các nhà lãnh đạo Mỹ Latin thuộc 2 hệ tư tưởng khác nhau đều lợi dụng những diễn biến ở thủ đô La Paz để tập hợp những người ủng hộ mạnh mẽ nhất tại đất nước của mình.

Khủng hoảng Bolivia hé lộ “bức tranh tối màu” ở Mỹ Latin - 1

Tổng thống Peru Martín Vizcarra (phải) bắt tay với người đồng cấp Bolivia Evo Morales ngày 25/6/2019. Ảnh: AFP

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cùng với các lãnh đạo cánh tả khác đã chỉ trích điều mà ông gọi là một cuộc đảo chính quân sự đồng thời cáo buộc rằng Mỹ có thể đã liên quan đến sự việc lần này. Các chính phủ cánh tả khác ở Mexico, Nicaragua, Cuba và Argentina đều có cùng quan điểm khi nhận định việc ông Morales bị lật đổ là bất hợp pháp. Trái lại, các nhà lãnh đạo cánh hữu cho rằng việc ông Morales bị lật đổ là một chiến thắng của nền dân chủ. Ngoại trưởng Brazil Ernesto Araújo viết trên Twitter rằng không có cuộc đảo chính nào diễn ra ở Bolivia, cũng như khẳng định rằng Brazil sẵn sàng ủng hộ "sự chuyển giao dân chủ này".

Tóm lại, cuộc khủng hoảng chính trị ở La Paz vẫn chưa phải là một diễn biến mới cho tình hình ở khu vực Nam Mỹ khi mà sự phân hóa chính trị sâu sắc của các nước Mỹ Latin đã làm suy yếu khả năng giải quyết hiệu quả những thách thức ảnh hưởng đến khu vực nói chung, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng người tị nạn Venezuela, việc thiếu các cơ sở hạ tầng cần thiết trong khu vực hoặc tình trạng gia tăng các nhóm tội phạm xuyên quốc gia.

Việc không có khả năng hỗ trợ ổn định tình hình Bolivia đã làm tăng nguy cơ bất ổn chính trị và cuộc khủng hoảng kinh tế ở quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời có thể ảnh hưởng đến các quan hệ thương mại cũng như an ninh biên giới giữa bối cảnh Bolivia chia sẻ chung đường biên giới với một loạt quốc gia như Brazil, Paraguay, Argentina, Chile và Peru.

Các cuộc biểu tình buộc ông Morales phải từ chức đã kéo theo hàng loạt cuộc biểu tình trên quy mô lớn gần đây ở Chile và Ecuador. Bất chấp những diễn biến phức tạp ở Mỹ Latin, phe cánh tả và phe cánh hữu ở khu vực này vẫn cáo buộc đối phương là kẻ đứng sau gây ra tình trạng bất ổn trên. Căng thẳng giữa 2 nhóm này thậm chí dâng cao tới mức Tổng thống cánh hữu của Brazil đã từ chối chúc mừng ông Fernández đắc cử Tổng thống Argentina cũng như từ chối tham dự lễ nhậm chức của nhà lãnh đạo này.

Dưới thời Tổng thống Bolsonaro, Brazil - quốc gia thường đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết những cuộc xung đột khu vực, đã hoàn toàn mất khả năng dẫn dắt những cuộc thảo luận trong khu vực.

Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với các nhà lãnh đạo Nam Mỹ đã bị hủy bỏ sau khi Tổng thống Bolsonaro kiên quyết rằng sự kiện này phải có sự tham dự của thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Juan Guaido trong bối cảnh những nước còn lại trong BRICS đều không công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời Venezuela. Sự chia rẽ này đặc biệt gây lo ngại bởi gần như hầu hết các thách thức trong khu vực, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng ở Bolivia đều không thể giải quyết bởi một quốc gia đơn lẻ.

Đằng sau “bức tranh tối màu” ở Mỹ Latin

Câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà lãnh đạo Mỹ Latin lại nhanh chóng biến những cuộc khủng hoảng khu vực thành chiến địa để đấu đá như vậy? Nguyên nhân là bởi hầu hết lãnh đạo các nước này đều muốn biến sự vụ ở Bolivia thành một công cụ để tạm thời "đánh lạc hướng" dư luận khỏi những vấn đề kinh tế trong nước. Họ cũng lợi dụng việc này để đổ lỗi các vấn đề trong nước là âm mưu của các thế lực bên ngoài thậm chí cả khi hầu như không có bằng chứng cho những tuyên bố trên.

Tuy nhiên, Mỹ Latin không phải lúc nào cũng như vậy. Tháng 8/2000, Tổng thống Brazil Fernando Henrique Cardoso đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử với sự tham gia của các Tổng thống Nam Mỹ. Sự kiện này đã dẫn đến các cuộc thảo luận trong 2 ngày giữa lãnh đạo 12 nước trong khu vực cũng như các Chủ tịch của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB), Cộng đồng Andean (CAN), và các quan sát viên đến từ Mexico. Bất chấp những khác biệt về hệ tư tưởng, các bên tham gia đã có cuộc trao đổi với một sự nhất trí chung rằng hợp tác khu vực là cần thiết để giải quyết những thách thức khu vực, kết nối hiệu quả hơn cơ sở hạ tầng, giảm hàng rào thương mại và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.

Nhìn lại thì sự kiện này được coi là đỉnh cao của hợp tác khu vực. Trong suốt thời gian từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, chính phủ các nước Mỹ Latin đã xây dựng được bộ các quy tắc và ứng xử hiệu quả, chẳng hạn như Cam kết Dân chủ Santiago (1991), Tuyên bố Managua (1993), Điều khoản Dân chủ của Mercosur (1998) và Hiến chương Dân chủ Liên Mỹ (2001), nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các chính phủ và tạo một sức ép tích cực nhằm tránh những gián đoạn của nền dân chủ trong khu vực.

Năm 1995, lãnh đạo quốc gia trong khu vực đã đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán một hiệp định hòa bình sau cuộc chiến tranh giữa Peru và Ecuador. Một năm sau, khung làm việc mới đã giúp tránh được một cuộc đảo chính quân sự ở Paraguay. Năm 2002, sau một nỗ lực đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Hugo Chávez, Brazil và các nước khác đã gây sức ép để cả ông  Hugo Chávez và phe đối lập nối lại đối thoại.

Nhìn lại gốc rễ của những chính sách không can thiệp và tôn trọng chủ quyền trong lịch sử các nước Mỹ Latin, có thể thấy sự hợp tác này đã chứng minh tính hiệu quả, cũng như biểu tượng cho một sự thay đổi đáng kể trong khu vực này. Những quy tắc ấy cũng phục vụ cho lợi ích của từng quốc gia. Nhờ đó, khu vực này từng có sự phát triển đáng kể cũng như sự ổn định chính trị trong suốt thập kỷ đầu của thế kỷ 21.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự phân cực sâu sắc cùng với những cơ chế khu vực lỗi thời đã giải thích vì sao hầu như có rất ít nỗ lực chung nhằm giúp ổn định tình hình Bolivia. Giữa bối cảnh ông Morales đang tị nạn chính trị ở Mexico, Bolivia sẽ phải nỗ lực hết sức để vượt qua tình hình khó khăn hiện nay. Một cuộc bầu cử mới có thể diễn ra, phe đối lập có thể chiến thắng nhưng sẽ vấp phải không ít trở ngại giữa bối cảnh nhiều người ủng hộ ông Morales đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kết quả này.

Trong một viễn cảnh khả quan hơn, những người ủng hộ ông Morales và phe đối lập có thể sẽ ngồi lại với nhau để đàm phán với sự trung gian hòa giải từ cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp chung. Dù vậy, Bolivia có thể sẽ trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài, đe dọa đến nền kinh tế vừa được phục hồi trong vài năm qua.

Và thực tế thì, thay vì tìm cách giúp Bolivia ổn định, các nước trong khu vực vẫn đang lao vào một cuộc chiến để bảo vệ lợi ích của mình và khiến tình hình thêm tồi tệ hơn.

Theo Kiều Anh

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm