1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Khúc dạo đầu Hillary Clinton

Sự khởi động của Thượng nghị sĩ Hillary Rodham Clinton thuộc Đảng Dân chủ bang New York chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008 đang thu hút dư luận. Mọi việc diễn tiến không ồn ào như chính phong cách của cựu đệ nhất phu nhân nước Mỹ- ứng viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ, theo một cuộc thăm dò của tạp chí Time.

“Hillary có nên chạy đua?”, “Hillary chiến thắng?”, “Sự xuất hiện của Hillary có ích cho nền cộng hòa?”... là những tựa lớn trên trang đầu nhiều tờ báo ở Mỹ. Và trước những câu cật vấn của báo chí xoay quanh đề tài này, thậm chí tạp chí Time giật tít “Tham vọng tổng thống của Hillary Clinton”, bà Hillary vẫn trầm tĩnh và kín đáo: “Tôi sẽ làm công việc của mình với tư cách là thượng nghị sĩ (TNS) từ New York”.

Nhiều tháng thăm dò trước đó cho thấy nếu được Đảng Dân chủ đề cử, bà Hillary sẽ thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng giờ đây, theo khảo sát của Time, bà đã bám sát đối thủ đầy tiềm lực John McCain, TNS Đảng Cộng hòa bang Arizona với 47% so với 49% cử tri ủng hộ. Trên đường đua marathon, bà Hillary có thể sẽ cho thấy rõ hơn ưu thế của mình cả về tổ chức, nhân tài, vật lực và nhất là có “con bài chiến lược” Bill Clinton trong tay.

Tất nhiên, xét về mặt nhân hòa, không thể không tính đến thái độ của bà TNS 59 tuổi này về cuộc chiến Iraq, một vấn đề nhạy cảm của người dân Mỹ. Hồi đầu tháng này, bà Hillary đã kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Ronald Rumsfeld từ chức, cho rằng đây là “cơ may của Mỹ để thay đổi tình thế ở Iraq”. Cũng vào đầu tuần này, bà Hillary lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Bush đã không hành động đúng mức để bảo vệ nước Mỹ trước nạn khủng bố. Lời chỉ trích của bà đến ngay sau khi nhà chức trách nước Anh bẻ gãy một âm mưu khủng bố lớn trên đường bay Anh - Mỹ, nhưng bà cho rằng điều đó không làm thay đổi quan điểm của bà về vấn đề Iraq - đó là đòi hỏi quân đội Mỹ sớm rút khỏi Iraq đúng với ý nguyện hiện nay của đa số người dân Mỹ (năm 2002, bà và TNS Lieberman đã tán thành việc đưa quân vào Iraq, bị các thành viên trong Đảng Dân chủ chỉ trích dữ dội).

Trong một cuộc khảo sát khác của Time, hầu hết người Mỹ thừa nhận Hillary Clinton thông minh (81%), là một chính khách ôn hòa (67%), là con người thiện chí, mạnh mẽ (53%)... Nhưng bà Hillary cũng được coi là nhân vật tạo ra sự phân cực nhất trong cách nhìn nhận của người Mỹ. Nói cách khác, bà vừa được ngưỡng mộ, lại vừa bị mắng nhiếc. Gần như một nửa nước Mỹ không thích bà vì lý do này hoặc lý do khác. Đối với những người ủng hộ, bà có những phẩm chất phù hợp của một ứng cử viên tổng thống: nhà làm luật chín chắn, chính khách khôn khéo, luật sư sắc sảo. Nhưng chính những điều ấy lại tạo ra nỗi sợ và sự chán ghét từ những kẻ gièm pha. Họ nhìn thấy nơi bà mối đe dọa đối với các giá trị gia đình. Theo tờ New York Times, họ ghét bà còn vì bà là phu nhân của cựu tổng thống Bill Clinton- người mà họ xem thường sau vụ xì-căng-đan Monica Lewinsky. Bình thường thì tham vọng được xem như một phẩm chất tích cực, đặc biệt đối với ứng viên tổng thống tiềm năng. Nhưng khi trộn lẫn với giới tính thì “nó trở thành điều gì đó xấu xa, tội lỗi”, đặc biệt trong trường hợp của Clinton, Thomas Schaller - nhà khoa học chính trị Đại học Maryland, phân tích.

Nhóm cố vấn của bà Hillary thừa nhận rằng bà không thể lôi kéo những người bảo thủ và các đảng viên Đảng Cộng hòa. Nhưng họ tin bà có thể đảo ngược một số ý kiến không tốt như bà đã từng làm ở New York suốt 6 năm qua bằng cách bộc lộ cho mọi người hiểu rõ hơn về mình. Dẫu sao, mọi thứ chỉ mới là khúc dạo đầu.

Cao Tuấn
Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm