1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Không thể lảng tránh

Tháng 11 hàng năm luôn là tháng hoạt động ngoại giao sôi động nhất trong năm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Không thể lảng tránh - 1

 

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.

Đây là thời điểm các diễn đàn đa phương ở khu vực như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 23 (từ 17 - 19/11), Hội nghị cấp cao ASEAN (21 - 25/11) và các hội nghị liên quan như Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và các đối tác đối thoại (ASEAN+1 và ASEAN+3), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Cấp cao Đông Á (EAS)… được tổ chức gần như đồng thời (back-to-back) nhằm tổng kết hoạt động trong cả năm và chuẩn bị cho năm tiếp theo.

Cũng chính tại các diễn đàn này, những vấn đề nóng của khu vực như chống khủng bố, an ninh, an toàn hàng hải, tranh chấp ở Biển Đông, cho tới hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư… sẽ được đưa ra thảo luận bàn bạc, góp phần hình thành nên chính sách của mỗi quốc gia và thúc đẩy hợp tác nhằm bảo đảm cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và ngày càng phát triển.

Trong bối cảnh đó, đấu tranh ngoại giao xung quanh vấn đề Biển Đông - một trong những vấn đề nóng nhất của khu vực - và động thái của các nước liên quan diễn biến rất phức tạp, nhưng cũng rất thú vị.

Nóng ngay từ trước Hội nghị

Kể từ khi Trung Quốc triển khai các hoạt động xây dựng, cải tạo đảo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và đặc biệt là gần đây Mỹ đưa tàu hải quân và máy bay B52 tuần tra ở khu vực trong phạm vi 12 hải lý ở đá Xubi và Chữ Thập, vấn đề Biển Đông ngày càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Tranh chấp biển Đông đã không còn là vấn đề của riêng các bên có tuyên bố chủ quyền, mà đã trở thành vấn đề an ninh của cả khu vực. Biển Đông cũng trở thành địa bàn cạnh tranh giữa các nước lớn mà trực tiếp là Mỹ và Trung Quốc.

Cũng vì vậy đã bắt đầu hình thành hai luồng quan điểm rất khác nhau về cách tiếp cận và xử lý vấn đề Biển Đông ở các Hội nghị, diễn đàn quốc tế trong khu vực. Sự cạnh tranh, các cuộc vận động ngoại giao và các phái đoàn ngoại giao của cả Mỹ và Trung Quốc ra vào khu vực ngày càng tăng. Tần suất giao thiệp, các hội thảo, tọa đàm, công khai cũng như kín đáo, về vấn đề Biển Đông ngày càng trở nên phổ biến, đôi khi có những phát biểu đối lập nhau, tạo cảm giác căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Luồng quan điểm thứ nhất mà đại diện là Trung Quốc cho rằng Biển Đông là vấn đề riêng của Trung Quốc với một số nước có tranh chấp trực tiếp về chủ quyền lãnh thổ, không liên quan tới một số nước khác trong ASEAN và lại càng không có quan hệ gì với các cường quốc bên ngoài khu vực, nhất là Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông và an ninh an toàn hàng hải chưa bao giờ là vấn đề ở khu vực (!?)

Ngay trước Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân lại thể hiện quan điểm "nạn nhân hóa" bản thân và ngụy biện rằng Trung Quốc "đã kiềm chế rất lớn". Trung Quốc tích cực vận động các nước chủ nhà như Philippines và Malaysia không đưa nội dung Biển Đông vào trong chương trình nghị sự của các diễn đàn, không đề cập vấn đề Biển Đông trong các tuyên bố chung; vận động một số nước khu vực khác như Campuchia, Thái Lan… ủng hộ quan điểm này. Tất nhiên, đi kèm với đó là những khoản viện trợ không nhỏ (!).

Một Thứ trưởng Ngoại giao khác của Trung Quốc là ông Lý Bảo Đông lập luận, rằng các cơ chế như APEC chỉ là để bàn về hợp tác tài chính, thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương, không thích hợp để bàn về các vấn đề an ninh. Nói tóm lại là Trung Quốc có cái lý của người Trung Quốc và không phải ai cũng tin vào điều đó.

Luồng quan điểm thứ hai mà đại diện là Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước thành viên quan trọng của ASEAN lại cho rằng Biển Đông là vấn đề an ninh của cả khu vực. Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, không thể tách rời hai mặt an ninh và phát triển kinh tế. Nếu vấn đề Biển Đông không được bàn bạc và giải quyết thỏa đáng có nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển và thịnh vượng của toàn khu vực. Hơn nữa, Biển Đông là của Đông Nam Á, và ASEAN có trách nhiệm phải lên tiếng về vấn đề này khi các nước bên ngoài khu vực can thiệp thô bạo, vi phạm chủ quyền, luật pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc hợp tác, quy tắc ứng xử của ASEAN.

Ngay trước khi các Hội nghị diễn ra, bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã tuyên bố Biển Đông là một trong những trọng tâm trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Và rõ ràng những gì mà đoàn Mỹ thể hiện đến nay đã phản ánh rõ quan điểm này.

Đứng trước sự mâu thuẫn giữa hai nhóm quan điểm trên, các nước chủ nhà không ai muốn Hội nghị bế tắc, và cũng không ai muốn bị kéo vào bên này để chống lại lợi ích của bên kia hoặc bên thứ ba. Do vậy, cho dù Hội nghị cấp cao APEC tại Philippines không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự chính thức, nhưng vấn đề Biển Đông vẫn được nêu và thảo luận sâu rộng bên lề Hội nghị này cũng như các Hội nghị khác của ASEAN tại Malaysia.

"Cánh gà sôi động hơn sân khấu chính"

Mặc dù rất khác nhau về quan điểm nhưng tất cả đều nhận thấy là không thể lảng tránh một vấn đề có tầm quan trọng như Biển Đông. Chính vì vậy, một công thức ngoại giao mới đã ra đời: "cánh gà sôi động hơn sân khấu". Hậu trường ngoại giao ở khu vực hiện nay đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn, đôi khi đó mới là sân khấu chính cho những vở kịch sắp diễn ra.

Ngay khi tới Manila hôm 17/11, Tổng thống Barack Obama đã tới thăm tàu chiến BRP Gregorio del Pilar mà Mỹ trao tặng cho Philippines gần đây. Đây cũng là con tàu tích cực tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền của Philippines ở khu vực đảo Scarborough gần đây. Hoạt động bên lề này của nhà lãnh đạo Mỹ đã chuyển đi một thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Mỹ đối với các đồng minh ở khu vực. Mỹ còn cam kết sẽ chuyển giao thêm cho Philippines hai tàu để giúp nước này tuần tra, định vị, ứng phó với các thách thức an ninh hiện nay.

Tương tự, Philippines và Nhật Bản dự định sẽ ký kết một thỏa thuận bên lề Cấp cao APEC về các nguyên tắc trong hợp tác và chuyển giao công nghệ và trang thiết bị quốc phòng, theo đó Nhật cam kết sẽ cung cấp thêm cho Philippines một số máy bay trinh sát, tàu tuần tra, tăng cường công tác huấn luyện đào tạo… để giúp Philippines nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo.

Trung Quốc cũng không kém cạnh và thậm chí còn chủ động đi trước. Ngay trước các Hội nghị cấp cao ở khu vực, lãnh đạo cấp cao nước này đã tiến hành hàng loạt chuyến thăm ngoại giao trong khu vực nhằm xoa dịu tình hình, tạo bầu không khí thuận lợi để đoàn Trung Quốc tham gia các hoạt động đối ngoại quan trọng hàng đầu ở khu vực.

Đó là chưa kể tới những hoạt động ngoại giao con thoi khác, các hoạt động học thuật ở khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy nhận thức và vận động các bên về quan điểm của các nước trong vấn đề Biển Đông cũng như trong vấn đề an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Cần chuẩn bị kỹ càng

Hoạt động sôi động là vậy; công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên mặt trận đối ngoại từ nhiều năm qua có lẽ chưa bao giờ trở nên hấp dẫn đến thế. Nhưng thực tế tình hình hiện nay đặt ra cho các nhà ngoại giao Việt Nam nhiều thách thức, nhiều mối lo hơn là cơ hội.

Thứ nhất là sự can dự của nhiều chủ thể vào Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung sẽ càng làm cho tình hình trở nên phức tạp. Những vụ việc như Hội nghị AMM 45 tại Campuchia năm 2012 hay Hội nghị ADMM+ năm nay tại Malaysia không ra được tuyên bố chung đã cho thấy xu thế cạnh tranh Mỹ - Trung tác động sâu sắc như thế nào tới ASEAN và khu vực.

Thứ hai là các hoạt động ngoại giao bên “cánh gà” rất khó theo dõi và có nguy cơ mất kiểm soát, đòi hỏi công tác nghiên cứu, nắm tình hình đối ngoại phải hết sức nhanh nhạy và chủ động hơn bao giờ hết.

Vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp, ASEAN sẽ càng không thể lảng tránh. Càng không thể lẩn tránh thì tính sáng tạo sẽ ngày càng tăng và thách thức sẽ ngày càng lớn. Nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao để bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta sẽ trở nên mỗi ngày một phức tạp hơn. Cần chuẩn bị kỹ càng cho một cuộc đua ma-ra-tông về đối ngoại trong những năm tới.

Theo Dương Hạnh

Thế giới và Việt Nam

Không thể lảng tránh - 2