Không-hải chiến: Mô hình Mỹ chống Trung Quốc trong tương lai?
(Dân trí) - Khi Tổng thống Obama kêu gọi chuyển trọng tâm quân sự vào châu Á, Andrew Marshall, nhà tương lai học 91 tuổi đã đưa ra một viễn cảnh phải làm gì để thực hiện chiến lược này, đó là mô hình chiến tranh “Không-hải chiến”, khiến Trung Quốc “nổi đoá”.
Văn phòng nhỏ của Marshall nằm trong Lầu Năm Góc và suốt hai thập kỷ qua chỉ nhằm vạch kế hoạch cho một cuộc chiến tranh chống lại một Trung Quốc hung hăng và được trang bị đầy đủ vũ khí.
Không-Hải chiến là gì?
Không ai mảy may có ý tưởng cuộc chiến tranh đó sẽ bắt đầu ra sao. Nhưng phản ứng của Mỹ là rất rõ ràng và được đưa ra trong một khái niệm mà một trong những người phụ tá lâu năm của Marshall đặt cho một cái tên là “Không-Hải chiến”.
Theo chiến lược này thì các máy bay ném bom và tầu ngầm tàng hình của Mỹ sẽ đánh sập hệ thống rađa trinh sát tầm xa và hệ thống tên lửa chính xác của Trung Quốc ở sâu trong nội địa của nước này. Tiếp sau “chiến dịch trọc mù” sẽ là một cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng không quân và hải quân.
Khái niệm này, với các chi tiết vẫn còn được giữ bí mật, đã làm Trung Quốc tức giận và bị một số sỹ quan trong Lục quân và Lữ đoàn đánh bộ coi là quá tốn kém. Một số nhà phân tích châu Á lo ngại rằng các cuộc tấn công quy ước nhằm vào Trung Quốc có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Không quân và Hải quân đã đưa ra hơn 200 sáng kiến cần thiết cho Không-Hải chiến. Một phần của các sáng kiến đó đã xuất hiện trong các trò chơi chiến tranh do văn phòng của Marshall tiến hành, bao gồm các loại vũ khí mới và kiến nghị tăng cường hợp tác giữa Hải quân và Không quân.
Những người ủng hộ Marshall khen văn phòng của ông là nơi để các quan chức đưa ra tầm nhìn lâu dài, bỏ qua những mốt nhất thời của Lầu Năm Góc. Các nhà phê bình nhận thấy một xu hướng nguy hiểm đáng báo động, đang phóng đại mối đe dọa Trung Quốc để làm tăng chi phí quốc phòng.
Căng thẳng với Trung Quốc
Dù chấp nhận khái niệm Không-Hải chiến, Lầu Năm Góc vẫn khó khăn trong việc giải thích khái niệm này mà không làm tăng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Trung Quốc.
Quan chức cao cấp quân sự của Trung Quốc cảnh báo rằng nỗ lực mới của Lầu Năm Góc có thể châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang. “Nếu quân đội Mỹ phát triển Không-Hải chiến để đối phó với Quân đội Giải phóng nhân dân (PLA), PLA sẽ buộc phải phát triển chiến tranh chống Không-Hải chiến.”
Các quan chức Lầu Năm Góc giải thích khái niệm này chỉ tập trung duy nhất và vấn đề tiêu diệt các hệ thống tê lửa chính xác, chứ “không có chủ thể cụ thể, không nhằm vào một nước cụ thể nào.”
Trong khi đó các tổng tư lệnh Không quân và Hải quân Mỹ cho rằng Không-Hải chiến có những tác động vượt quá chiến đấu. Khái niệm này có thể giúp giới quân sự mở rộng tầm hoạt động đến khu vực băng tan của Nam cực hoặc các lò phản ứng hạt nhân nóng chảy ở Nhật Bản.
Phát biểu riêng, các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc thừa nhận rằng mục đích của Không-Hải chiến là giúp quân đội Mỹ hóa giải một cuộc tấn công trước của Trung Quốc và phản công tiêu diệt hệ thống rada tiên tiến và hệ thống tên lửa được xây dựng để ngăn tàu Mỹ tránh bờ biển của Trung Quốc.
Mối lo ngại của Mỹ gia tăng bởi chi phí quốc phòng của Trung Quốc luôn tăng trưởng, tới 180 tỷ một năm, bằng 1/3 ngân sách quốc phòng Mỹ, và bởi cách hành xử ngày càng ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Một cuộc “cách mạng” về công nghệ quốc phòng
Khái niệm Không-Hải chiến ra đời từ niềm tin cháy bỏng của Marshall, từ những năm 1980, rằng những tiến bộ của công nghệ đang gõ cửa một kỷ nguyên mới của chiến tranh.
Công nghệ tin học mới cho phép giới quân sự nổ súng trong vài giây sau khi phát hiện kẻ thù. Các quả bom thông minh hơn bảo đảm cho người Mỹ có thể đánh trúng mục tiêu trong hầu hết các lần tấn công. Tựu chung lại, những tiến bộ này có thể tạo cho các quả bom thông thường có một lực công phá tương đương với các loại vũ khí hạt nhân nhỏ, ông Marshall tổng kết.
Trong những năm gần đây, khi sự phát triển của quân đội Trung Quốc đã vượt qua hầu hết các dự đoán tình báo Mỹ thì sự quan tâm coi Trung Quốc như là một đối thủ tiềm tàng đối với Mỹ đã tăng vọt.
Trong vòng 15 năm qua, Trung tâm đánh giá chiến lược và Ngân sách (CSBA) đã tiến hành hơn hai chục cuộc chiến giả thuyết với Trung Quốc để giải trình các tài liệu nghiên cứu của văn phòng của Marshall.
Các cuộc tập trận giả của CSBA dự kiến xảy ra 20 năm sau và coi Trung Quốc là một kẻ thù bá quyền và xâm lược. Các tên lửa chống hạm có điều khiển của họ đánh đắm các tầu sân bay và tầu nổi khác của Mỹ. Các cuộc tiến công nhất loạt của Trung Quốc tiêu hủy các căn cứ không quân của Mỹ, làm cho quân đội Mỹ không thể nào xuất kích các máy bay chiến đấu. Lực lượng vượt trội về số lượng của Mỹ đã đánh trả với các cuộc tấn công thông thường vào lục địa Trung Quốc, phá hủy các tên lửa chính xác và hệ thống rađa tầm xa.
Một số nhà phê bình tỏ ra nghi ngờ Trung Quốc, hiện có 1,6 nghìn tỷ USD tiền nợ của Mỹ và phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Mỹ, lại bỗng dưng tấn công quân đội Mỹ.
Các nhà phân tích quốc phòng khác thì cảnh báo rằng một cuộc tiến công vào đất Trung Quốc mang theo tiềm ẩn nguy cơ hủy diệt và cuối cùng có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân.
Các trò chơi chiến tranh đã lướt qua những mối lo ngại này. Thay vào đó chúng tập trung vào việc làm thế nào để quân đội Mỹ hóa giải được loạt tên lửa và tấn công phủ đầu của Trung Quốc.
Để tồn tại, các tư lệnh kiên minh đã phân tán các máy bay đến các cảng hàng không hoang sơ trên các hòn đảo Tinian và Palau ở Thái Bình Dương. Họ xây dựng các hầm trú ẩn trống bom cho máy bay và đưa vào bộ dụng cụ sửa chữa đường băng nhanh để sửa chữa đường băng bị hỏng.
Các máy bay ném bom tàng hình và các tầu ngầm ít tiếng động đã tổ chức một cuộc phản công. Cách tiếp cận cuộc chiến liên hiệp đã trở thành cơ sở cho khái niệm Không-Hải chiến.
Mặc dù Lầu Năm Góc cố gắng hạn chế công khai về khái niệm Không-Hải chiến nhưng năm 2010, CSBA đã xuất bản một tài liệu 125 trang khái quát việc sử dụng khái niệm đó như thế nào trong một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.
Tài liệu đó có ít chi tiết hơn các phiên bản mật của Lầu Năm Góc. Ngay sau khi xuất bản, các nước đồng minh của Mỹ ở châu Á bắt đầu tìm kiếm ở CSBA cho câu trả lời. Quan chức các nước như Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc đã đến Mỹ tìm hiểu. Khi được giải thích về việc Không-Hải chiến không nhằm vào Trung Quốc, một tướng của Quân đội Trung Quốc nói rằng báo cáo của CSBA đã nói đến Trung Quốc 190 lần. (Thực tế là 400 lần).
Nội bộ Lầu Năm Góc, Lục quân và Thủy quân lục chiến đã tổ chức các cuộc tấn công chống lại khái niệm này, vì có thể dẫn đến cắt giảm chi tiêu cho lực lượng chiến đấu mặt đất.
Một đánh giá nội bộ, chuẩn bị cho Tư lệnh Thủy quân lục chiến, đã cảnh báo rằng Không-Hải chiến tập trung vào không quân và hải quân sẽ tốn kém một cách vô lý nếu theo đuổi trong thời bình” và sẽ dẫn đến “sự tổn thất không thể tính hết về người và kinh tế” nếu mang áp dụng vào một cuộc chiến lớn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khái niệm này phù hợp với nỗ lực rộng lớn hơn của Tổng thống Obama nhằm chuyển trọng tâm quân sự về châu Á và tạo ra một khuôn khổ để bảo vệ một số chương trình vũ khí tiên tiến nhất của Lầu Năm Góc, trong đó nhiều cái được quốc hội Mỹ ủng hộ mạnh mẽ.
Phạm Ngọc Uyển
Theo Washington Post