Không còn đường lùi, Trump gây sức ép lên Tòa án Tối cao để lật ngược kết quả bầu cử
Ông Trump kêu gọi Tòa án Tối cao "cứu đất nước khỏi sự lạm dụng bầu cử lớn nhất trong lịch sử", đồng thời nhắc lại cáo buộc của ông về việc có tình trạng gian lận trên diện rộng.
Trong bối cảnh các lựa chọn pháp lý ngày càng thu hẹp và thời gian không còn nhiều trước cuộc bầu cử quan trọng của đại cử tri đoàn (dự kiến diễn ra ngày 14/2), Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (10/12) đã gia tăng sức ép lên Tòa án Tối cao để lật ngược kết quả bầu cử Mỹ. Nỗ lực của ông nhận được sự ủng hộ của hơn 100 nghị sỹ đảng Cộng hòa.
Ông Trump gây sức ép đối với Tòa án Tối cao
Trong dòng Tweet đăng sáng hôm qua, ông Trump kêu gọi Tòa án Tối cao "cứu đất nước khỏi sự lạm dụng bầu cử lớn nhất trong lịch sử", đồng thời nhắc lại cáo buộc của ông về việc có tình trạng gian lận trên diện rộng. Ông Trump đã có một bữa ăn trưa tại Nhà Trắng cùng với tổng chưởng lý của 18 bang do đảng Cộng hòa điều hành từng đệ đơn yêu cầu tòa án bác bỏ kết quả bầu cử tại 4 bang chiến địa mà ông Biden chiến thắng.
Chiều cùng ngày, 106 thành viên của đảng Cộng hòa tại Hạ viện ký vào biên bản ủng hộ đơn kiện của bang Texas đối với 4 bang chiến địa nói trên, trong số này có nghị sỹ Cộng hòa Whip Steve Scalise -Phó lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện và ông Tom Emmer, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa.
Kể từ cuộc bầu cử đến nay, nhóm pháp lý của đội ngũ ông Trump đã phải chịu hơn 30 thất bại tại các tòa án liên bang và tòa án cấp tiểu bang. Mới nhất ngày 8/12, tòa án tối cao đã ra phán quyết bác bỏ đề nghị ngăn cảng bang Pennsylvania xác nhận chiến thắng của ông Biden tại bang này. Ông Biden đã thắng ở Pennsylvania với cách biệt 80.000 phiếu bầu và nhận được tỉ lệ phiếu bầu qua thư cao hơn nhiều so với ông Donald Trump.
Vụ kiện của Texas trình lên Tòa án Tối cao diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử của đại cử tri đoàn và kết quả bỏ phiếu của đại cử tri sẽ được trình lên Quốc hội để phê chuẩn vào đầu tháng 1/2021. Các thẩm phán có thể đưa ra quyết định liệu có thụ lý vụ kiện hay không sớm nhất là vào hôm nay (11/12) (theo giờ Mỹ).
Các quan chức tại những bang bị kiện cho biết, các cáo buộc đưa ra trong đơn kiện đã bị tòa án cấp thấp bác bỏ. 20 tiểu bang cùng với thủ đô Washington D.C., Guam và quần đảo Virgin thuộc Mỹ đã đệ đơn kiến nghị tòa án tối cao bác bỏ đơn kiện của Texas.
Tổng chưởng lý Pennsylvania Josh Shapiro nhấn mạnh: "Nỗ lực của Texas nhằm buộc tòa án tối cao phải lựa chọn tổng thống kế nhiệm là không có cơ sở về luật pháp hay thực tiễn". Ông nói thêm rằng tòa án "không nên tiếp tay cho việc lạm dụng quy trình xét xử để thực hiện cho mục đích riêng, đồng thời cần phải gửi thông điệp rõ ràng rằng ý đồ lạm dụng không nên được cho phép tái diễn".
Các tiểu bang bị kiện đã đệ đơn phản đối kiến nghị của Texas và cùng nhau đưa ra một loạt lý do để tòa án không can thiệp vào cuộc bầu cử. Họ cho rằng, Texas thiếu tư cách pháp lý để đệ trình một đơn kiện như vậy và tòa án không nên can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống; Texas không đưa ra được bằng chứng chứng minh có hành động vi phạm hiến pháp trong cuộc bầu cử;hay đơn kiện của họ chỉ là viện dẫn lại các cáo buộc đã bị tòa án cấp tiểu bang và các tòa án địa phương bác bỏ.
Tổng chưởng lý bang Connecticut, ông William Tong, người tham gia phản đối vụ kiện, cho rằng việc Texas đệ đơn kiện 4 bang chiến địa là vi hiến, đồng thời nhấn mạnh người Mỹ "đã bỏ lá phiếu của họ trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng, do đó, quyết định của họ phải được tôn trọng ".
Thẩm phán liên bang bác đơn kiện của ông Trump tại Pennsylvania
VOV.VN - Một thẩm phán liên bang Mỹ hôm qua (21/11) đã bác đơn kiện từ đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump về việc loại bỏ hàng triệu phiếu bầu qua thư tại tiểu bang Pennsylvania.
… có thể phản tác dụng
Tổng thống Trump không ngừng thực hiện các nỗ lực pháp lý nhằm lật ngược kết quả bầu cử, ngay cả khi các hãng truyền thông Mỹ công bố ông Biden đã giành chiến thắng khi cao hơn ông Trump hơn 7 triệu phiếu bầu phổ thông và đạt được 306 phiếu đại cử tri.
Hôm qua, ông Trump dẫn lại dòng Tweet đưa tin về việc các thành viên Cộng hòa tại Quốc hội do nghị sỹ Lance Gooden dẫn đầu kêu gọi Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt để điều tra những điều bất thường trong cuộc bầu cử.
Tuần trước ông William Barr đã khiến ông Trump tức giận khi thông báo với AP rằng Bộ Tư pháp không tìm thấy bằng chứng chứng minh có sự gian lận bầu cử trên diện rộng để có thể lật ngược kết quả.
Nhiều chuyên gia luật dự đoán Tòa án Tối cao sẽ nhanh chóng bác bỏ vụ kiện của bang Texas. Ông Edward B. Foley, chuyên gia luật tại Đại học bang Ohio đánh giá, tòa án nhiều khả năng sẽ xem xét vụ kiện của bang Texas theo cách hoàn toàn khác so với vụ kiện giữa cựu Tổng thống George W. Bush và đối thủ Al Gore trong cuộc bầu cử năm 2000. Trong vụ kiện năm 2000, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết có lợi cho ông Bush là bác bỏ yêu cầu kiểm phiếu lại tại bang California.
Edward B. Foley cho rằng, tòa án sẽ phải xem xét một cách cẩn thận để đảm bảo không chịu sức ép chính trị từ ông Trump. "Các nỗ lực của Texas dù khó làm thay đổi kết quả bầu cử nhưng có thể gây ra ảnh hưởng lớn khi tập hợp được nhiều thành viên đảng Cộng hòa phản đối chiến thắng của ông Biden", ông Edward B. Foley nói.
Tổng thống Trump từng để ngỏ khả năng gây sức ép để tòa án đứng về phía ông. Trước cuộc bầu cử, ông Trump đã đề cử bà Amy Coney Barrett giữ vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao thay bà Bader Ginsburg qua đời hồi tháng 9, giúp cán cân quyền lực của tòa án nghiêng về phe bảo thủ, với hy vọng điều này có thể mang lại lợi thế cho ông trong trường hợp xảy ra cuộc chiến pháp lý hậu bầu cử.
Chiến lược của ông đã đặt bà Amy Coney Barrett vào tình thế khó khăn. Khi tòa án ra phán quyết bác bỏ yêu cầu đảo ngược kết quả tại bang Pennsylvania, bà và hai thẩm phán khác từng được ông Trump đề cử là Neil M. Gorsuch và Brett M. Kavanaugh đều không lên tiếng phản đối. Còn nhớ trong phiên điều trần tại Thượng viện hồi tháng 10 vừa qua, bà Coney Barrett từng tuyên bố sẽ không để bản thân trở thành con tốt để quyết định cuộc bầu cử này thay cho người dân Mỹ.
Tổng thống Trump hôm qua đăng tải dòng Tweet với nội dung "Hãy khôn ngoan và dũng cảm!", ngụ ý rằng các thẩm phán hãy dũng cảm đứng lên để ủng hộ ông. Joshua A. Douglas - giáo sư luật tại Đại học Kentucky cho rằng sức ép của ông Trump sẽ khó gây ảnh hưởng đến các thẩm phán và tòa án sẽ dễ dàng bác bỏ vụ kiện của Texas. Tuy vậy, chuyên gia này cảnh báo, các nỗ lực của ông Trump và đồng minh của ông trong đảng Cộng hòa cho thấy nếu phe Cộng hòa giành được đa số ghế trong lưỡng viện Quốc hội thì họ sẽ gây rất nhiều khó khăn cho đội ngũ của ông Biden.