1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Khó ngăn Trung Quốc bành trướng Biển Đông

Ngày 13-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) đã bày tỏ quan ngại trước việc Mỹ lên kế hoạch triển khai tàu chiến và máy bay quân sự tới gần khu vực Bắc Kinh đang xây đảo nhân tạo bất hợp pháp; đồng thời yêu cầu Washington không can thiệp vào Biển Đông.

Trước đó (11-5), Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải khi trả lời phỏng vấn giới truyền thông ở Houston đã đề cập tới vấn đề Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc sẽ không bài xích Mỹ và sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu thuyền Mỹ ở các đảo đá trên Biển Đông. Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi cũng từng đề nghị Đô đốc Jonathan Greenert, Tư lệnh Hải quân Mỹ sử dụng hệ thống căn cứ mới xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Cảnh báo của Mỹ và Australia

Ngày 11-5, Đài TNHK đã dẫn lời của Ngoại trưởng Australia khi bà Julie Bishop yêu cầu Trung Quốc không thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Bởi theo Ngoại trưởng Australia, các nước châu Á đã thảo luận về vấn đề này và đều bày tỏ quan ngại sâu sắc nếu Bắc Kinh áp đặt ADIZ ở Biển Đông. Bà Julie Bishop còn nhấn mạnh, các tuyến đường thương mại quan trọng của Australia đi qua Ấn Độ Dương tới các vùng biển phía bắc, nên kiên định lập trường - các nước phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Nữ Ngoại trưởng cũng cho biết, đã nói chuyện với các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và thúc giục họ tránh leo thang căng thẳng trong khu vực. Mặc dù là đối tác thương mại hàng đầu của Australia, nhưng kể từ khi Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông (tháng 11-2013), bà Julie Bishop đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia triệu Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ những quan ngại về ADIZ ở vùng biển này.

Ông Thôi Thiên Khải - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ
Ông Thôi Thiên Khải - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ

Nguy cơ từ hải quân trá hình của Trung Quốc, là lời cảnh báo của giới tình báo và quân sự Mỹ sau khi Bắc Kinh biến lực lượng hải cảnh thành “lực lượng hải quân thứ hai”. Theo Tạp chí Proceedings của Viện Hải quân Mỹ, sau khi được thành lập năm 2013 (hợp nhất từ 4 lực lượng hải giám, ngư chính, cảnh sát tuần tra và cảnh sát chống buôn lậu trên biển) lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ riêng năm 2014, CCG đã tiếp nhận ít nhất 4 tàu 4.000 tấn, 10 tàu 3.000 tấn và số tàu trên 1.000 tấn đã tăng lên hơn 80 chiếc. Và Trung Quốc đang có tham vọng xây dựng lực lượng tuần duyên lớn nhất thế giới nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm biển đảo tại các khu vực tranh chấp. Theo các chuyên gia của Proceedings, tàu cá Trung Quốc hiện được trang bị hệ thống liên lạc tiên tiến có thể dễ dàng thông báo cho CCG can thiệp nếu cần.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, Trung Quốc sắp hoàn tất giai đoạn 2 (2011-2015) của chương trình xây dựng và hiện đại hóa CCG - ngoài tàu lớn, trực thăng và máy bay không người lái, lực lượng hải cảnh có thể nhận hơn 100 tàu tuần tra nhanh và trong thập niên tới, tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ có đủ khả năng tuần tra tại những khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền như Biển Đông và biển Hoa Đông. Hải quân Trung Quốc đạt được nhiều bước tiến khi trở thành đơn vị sở hữu số tàu lớn nhất ở châu Á. Và dư luận đang đặt câu hỏi: Trung Quốc sẽ “trỗi dậy” như thế nào trong thế kỷ XXI?

Ngoài Tạp chí Proceedings, tờ Want China Times và trang quân sự Strategy Page của Mỹ cũng khuyến cáo, bằng cách đưa vào biên chế nhiều tàu vũ trang hạng nặng với kích thước lớn, Trung Quốc đã chuyển đổi thành công lực lượng hải cảnh thành “lực lượng hải quân thứ hai”. Theo kế hoạch của Trung Quốc, hải quân nước này sẽ sở hữu một vài tàu sân bay, 26 khu trục hạm, 52 khu trục cỡ nhỏ, 20 tàu hộ vệ, 85 tàu tuần tra trang bị tên lửa, 56 tàu đổ bộ, 42 tàu dò mìn và gần 500 phương tiện hỗ trợ, trong đó có 10% là tàu đi biển cỡ lớn.

Cách lý giải kiểu Trung Quốc

Trang mạng Sputnik của Nga cũng từng dẫn nhận định của chuyên gia Cashin thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và Công nghệ Nga về mối quan tâm của cư dân mạng Trung Quốc đối với khả năng tàu tuần dương Kiev và Minsk của Liên Xô cũ sẽ được Bắc Kinh cải tạo thành tàu sân bay hiện đại, đồng thời bày tỏ mối nghi ngờ trước năng lực chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia Cashin cũng chỉ rõ tính hiệu quả của việc cải tạo là hạn chế bởi nếu thực hiện điều này, số tiền bỏ ra sẽ tương đương với chi phí tàu sân bay mới, cùng rủi ro về công nghệ - sản phẩm chắp vá, không tương thích (chưa tính tới thời gian hơn 10 năm). Và “hạm đội biển xa” của Trung Quốc có thể biên chế thành Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Ấn Độ Dương. Hạm đội Thái Bình Dương phụ trách tác chiến vùng biển Tây Thái Bình Dương lấy chuỗi đảo thứ nhất tới chuỗi đảo thứ hai làm trọng điểm. Hạm đội Ấn Độ Dương phụ trách tác chiến từ Biển Đông đến eo biển Malacca tới Bắc Ấn Độ Dương.

Tàu tuần tra BRP Ramon Alcaraz của Hải quân Philippines mua của Mỹ
Tàu tuần tra BRP Ramon Alcaraz của Hải quân Philippines mua của Mỹ

Tại cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu mới đây, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đã nhấn mạnh việc phải bỏ các tiêu chuẩn kép và củng cố những quan hệ bình đẳng, cùng có lợi trên thế giới. Và dư luận cho rằng, Trung Quốc đang muốn sắp xếp lại trật tự thế giới. Được biết, trong tháng 5 và tháng 8-2015, Nga - Trung tiến hành 2 cuộc tập trận hải quân ở Địa Trung Hải và biển Nhật Bản. Tân Hoa xã vừa tiết lộ (lần đầu tiên) cuộc sống hằng ngày của lính đồn trú bất hợp pháp tại Chữ Thập, Gạc Ma và Subi, các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đây, lính Trung Quốc phải ở nhà giàn nhưng nay họ đều sống trong nhà bê tông kiên cố, có thể trồng rau, lên mạng, xem phim, đọc sách, chơi nhạc… Trước đó (4-3), tờ Bussiness Insider cũng từng đăng chùm ảnh tập luyện trong môi trường tuyết của binh sĩ Trung Quốc tại một căn cứ quân sự ở Hắc Long Giang, gần biên giới Nga.

Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc đang thử phản ứng của các nước và dư luận về khả năng áp đặt ADIZ trên Biển Đông. Tiến sĩ Zachary Abuza, chuyên gia về an ninh khu vực Đông Nam Á (Mỹ) khuyến cáo, Trung Quốc có mưu đồ dùng những đảo hóa để biện minh cho vùng đặc quyền kinh tế của mình và quan trọng hơn là thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Ngày 7-5, khi phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines Gregorio Catapang đã yêu cầu chính phủ cần tăng chi tiêu quốc phòng và thúc đẩy hiện đại hóa quân đội nước này - cần dành ít nhất 1% ngân sách chính phủ cho các dự án hiện đại hóa quân đội. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hạ viện Antonio cho biết, Thượng viện cần đánh giá vấn đề này trước khi đưa ra quyết định.

Những động thái đáng quan tâm

Ngày 11-5, tờ Vượng Báo (Đài Loan) đưa tin, các học giả Đài Loan vừa thảo luận về chiến lược bành trướng và thôn tính của Trung Quốc ở Biển Đông. Một số học giả tại Hội Nghiên cứu chiến lược Đài Bắc cho rằng, đàm phán song phương vẫn là lựa chọn duy nhất của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông bởi Trung Quốc sợ đàm phán đa phương sẽ khiến Mỹ, Nhật Bản và 1 số nước khác có cơ hội can thiệp. Bắc Kinh đang vận động Brunei và Malaysia chấp nhận đàm phán song phương, nhưng Trung Quốc cũng tìm cách thuyết phục các bên tranh chấp chấp nhận cách tiếp cận kép, bằng cách đẩy nó sang ASEAN.

Ngày 9-5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh đã phản ứng trước “Báo cáo về phát triển quân sự và an ninh Trung Quốc” năm 2015, mà Mỹ đưa ra trước đó. Theo ông Cảnh Nhạn Sinh, “Báo cáo về phát triển quân sự và an ninh Trung Quốc” năm 2015 của Bộ Quốc phòng Mỹ đã bất chấp sự thật, tiếp tục nhai lại những giọng điệu cũ rích về “mối đe dọa từ Trung Quốc”, cố ý bóp méo chiến lược phát triển hòa bình, chính sách đối ngoại, cũng như hành động bảo vệ chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông của Trung Quốc. Đồng thời yêu cầu Mỹ lập tức chấm dứt những lời nói và hành động không có lợi cho quan hệ song phương!

Ngày 5-5, tờ Tin tức Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) bày tỏ sự cay cú xung quanh tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines. Bởi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tuyên bố, hoạt động xây dựng đảo bất hợp pháp của Trung Quốc được triển khai sau năm 2002, nên đã vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC). Ngày 4-5, bà Hoa Xuân Doanh không những cho rằng, Philippines đã vi phạm DOC, mà còn cảnh báo, DOC không phải là “công cụ rửa tiền” của Philippines và cũng không thể “rửa sạch hành vi phi pháp của Manila”! Bà Hoa Xuân Doanh còn liệt kê, kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước đến nay, Philippines đã lần lượt xâm chiếm phi pháp một số đảo và bãi cạn trên quần đảo Trường Sa bằng vũ lực, đồng thời lạm dụng và bóp méo DOC; do đó Bắc Kinh hối thúc Manila phải “tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”, đồng thời chấm dứt những chỉ trích vô cớ trước việc Trung Quốc xây đảo!?

Ngày 10-5, tờ Inquirer hôm 10-5 dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Anquino (khi đang ở thăm Canada hôm 8-5): Manila đã khám phá ra cách ngăn chặn các hoạt động xây dựng cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Tổng thống Philippines cho biết, ông sẽ triệu tập một cuộc họp để thảo luận về bước đi tiếp theo của phương pháp tiếp cận vấn đề Biển Đông, song chưa thể tiết lộ. Nhưng ngay sau khi trở về Manila, ông Benigno Anquino sẽ bàn giải pháp này. Vì tuyên bố kể trên được ông Benigno Anquino đưa ra tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Canada (8-5), nên ông Stephen Harper đã lập tức kêu gọi các bên hữu quan bình tĩnh, đồng thời nhấn mạnh, nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông.
 
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes