1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Kho dự trữ thịt lợn bí mật của Trung Quốc sắp cạn kiệt?

Minh Phương

(Dân trí) - Kho dự trữ thịt lợn đông lạnh chiến lược của Trung Quốc có thể sắp cạn kiệt sau khi nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch tả lợn châu Phi, Financial Times dẫn nhận định của các chuyên gia.

Kho dự trữ thịt lợn bí mật của Trung Quốc sắp cạn kiệt? - 1

Nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Thông tin về thực trạng của kho dự trữ thịt lợn chiến lược luôn là một bí mật quốc gia của Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu thế giới về nguồn cung cũng như tiêu thụ và nhập khẩu thịt lợn. Tuy nhiên, tổ chức tư vấn tại London (Anh) Enodo Economics ước tính mức dự trữ thịt lợn đông lạnh của Trung Quốc đã giảm khoảng 452.000 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020.

Kinh tế trưởng của Enodo Economics, bà Diana Choyleva, nhận định Trung Quốc còn chưa đầy 100.000 tấn thịt lợn trong kho dự trữ. "Với mức này, kho dự trữ sẽ cạn kiệt trong khoảng 2-3 tháng tới", bà Diana nói.

Nhận định trên cũng củng cố bình luận trước đó của tùy viên nông nghiệp Mỹ tại Bắc Kinh trong báo cáo gần đây rằng dự trữ thịt lợn của Trung Quốc "dường như đã gần cạn kiệt vào quý 3/2020".

Trung Quốc phát hiện trường hợp dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào năm 2018. Từ đó đến nay, đàn lợn của Trung Quốc đã mất hơn 100 triệu con khiến giá thịt lợn liên tiếp lập kỷ lục.

Để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, chính phủ Trung Quốc đã quyết định mở kho dự trữ thịt lợn đông lạnh nhằm bình ổn giá. Tuy giá thịt lợn đã hạ song giá bán buôn tại thị trường Trung Quốc vẫn gấp hơn 2 lần mức giá trước khi dịch bùng phát, xấp xỉ 47 Nhân dân tệ/kg (khoảng 7 USD/kg). Theo số liệu thống kê chính thức, chi tiêu cho thịt lợn của người tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng hơn 50% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cảnh báo, sự sụt giảm của kho dự trữ này cho thấy "khả năng can thiệp trực tiếp vào thị trường thịt lợn" của Bắc Kinh sẽ bị "hạn chế hơn trong nửa cuối năm 2020 và sang năm 2021".

Việc thiếu hụt buộc Trung Quốc nhập khẩu thịt lợn kỷ lục trong năm nay từ nhiều nguồn cung khác nhau, trong đó có Mỹ. Riêng trong tháng 7, Trung Quốc nhập khẩu 430.000 tấn thịt lợn, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới. Trong 5 năm qua, mức tiêu thụ thịt lợn trung bình hàng năm của nước này khoảng 50 triệu tấn, báo cáo của USDA chỉ ra.

Darin Friedrichs, một chuyên gia phân tích tại công ty môi giới hàng hóa StoneX tại Thượng Hải, nhận định việc tăng cường nhập khẩu dường như sẽ tác động lớn hơn đến giá thịt lợn hơn là việc mở kho dự trữ chiến lược."Mở cửa kho dự trữ chiến lược dường như để chứng minh họ (chính phủ Trung Quốc) đang hành động", chuyên gia Darin nói.

Trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao, nông dân nuôi lợn ở Trung Quốc bắt đầu cho tái đàn bất chấp dịch tiếp tục bùng phát. Nhu cầu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi do vậy cũng tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu mở rộng chăn nuôi. Điều này khiến giá một số mặt hàng dùng làm thức ăn chăn nuôi như đậu tương tăng cao. Giá đậu tương giao sau trên sàn giao dịch ở Chicago (Mỹ) đã tăng hơn 10 USD/dạ trong tháng 9 lên mức cao nhất hơn 2 năm.

Sự phụ thuộc vào nguồn thịt lợn nhập khẩu lại đưa Bắc Kinh vào tình thế bối rối về chính trị. Khi Trung Quốc khôi phục nhập khẩu thịt lợn của Canada vào năm ngoái sau 4 tháng gián đoạn, Bắc Kinh nói rằng đây không phải là dấu hiệu cho thấy quan hệ song phương đã được xoa dịu. Tuần trước, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ Đức do phát hiện dịch tả lợn châu Phi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm