1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khi Trung-Nhật “hằm hè” bằng tập trận

(Dân trí) - Nguy cơ đối đầu trên Hoa Đông giữa hai ông lớn Trung-Nhật đang bị đẩy cao, khi Nhật tổ chức một trong những cuộc tập trận lớn nhất nước này ở vùng biển tây nam, quanh Okinawa, ngay sau khi Trung Quốc “giương oai” bằng cuộc tập trận hải quân lớn nhất, cũng trong cùng khu vực.

 

Nhật đang tiến hành đợt tập trận lớn với sự tham gia của 34.000 binh sỹ.
Nhật đang tiến hành đợt tập trận lớn với sự tham gia của 34.000 binh sỹ

Các cuộc tập trận của hai nước được tiến hành ở vị trí cách không xa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước. Các cuộc tập trận chính là quân át chủ bài trong cuộc khẩu chiến giữa Tokyo và Bắc Kinh, mà trong đó bên nọ đổ cho biên kia là “mối đe dọa” đối với hòa bình quốc tế.

 

Các cuộc tập trận được tiến hành trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Obama buộc phải vắng mặt tại các hội nghị thượng đỉnh quan trọng tại châu Á vào tháng trước, do chính phủ Mỹ đóng cửa vì thiếu ngân sách. Giới phân tích cho rằng, đây là cơ hội cho phép giới lãnh đạo Trung Quốc củng cố mục tiêu ngoại giao của mình ở khu vực. Ngay sau đó, Washington vội vã phục hồi niềm tin trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của mình, để kìm vai trò đang ngày càng một tăng cao của Trung Quốc. Chính quyền Obama đã phái một nhóm tàu sân bay tới Hoa Đông và Biển Đông, nhằm tái khẳng định với các đồng minh, trong đó có Nhật, rằng họ có thể tin tưởng và dựa vào quân đội Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.

 

Trung Quốc đã phản ứng lại bằng một cuộc tập trận hải quân lớn chưa từng có, với 100 tàu hải quân hiện diện ở Hoàng Hải, nơi tàu sân bay USS George Washington đã tiến hành tập trận chung với tàu chiến Nhật và Hàn Quốc. Sau cuộc tập trận, hải quân Trung Quốc cũng tổ chức một cuộc diễn tập đột phá khác, được gọi là “Manoeuvre 5” trong đó tàu chiến và tàu ngầm từ 3 hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải của Trung Quốc đi qua “Chuỗi đảo thứ nhất” (đường được các nhà chiến lược hải quân Mỹ đưa ra từ Nhật tới Đài Loan và Philippines để kiềm tỏa Trung Quốc về mặt quân sự) để tiến hành các cuộc tập trận trên Thái Bình Dương từ ngày 24/10-1/11.

 

“Manoeuvre 5” lần đầu tiên quy tụ các đơn vị từ cả 3 hạm đội chính của Trung Quốc, đồng loạt đi qua Kênh Bashi, Eo Osumi và Eo Miyao. Bộ Quốc phòng Trung Quốc không ngần ngại tuyên bố vị trí của cuộc tập trận là “một trong những khu vực biển nhạy cảm nhất, với khả năng xảy ra nhiều xung đột nhất”. Cơ quan này cũng cho biết thêm: “PLAN (hải quân Trung Quốc) phải được chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động chiến đấu bất ngờ trong vùng biển như thế này.”

 

Bất chấp nguy hiểm khi Trung Quốc tiến hành bắn đạn thật, một tàu khu trục Nhật đã tiến vào khu vực tập trận vào ngày 25/10 trong 3 ngày. Không những vậy, tàu này được “hộ tống” bằng máy bay do thám của cả Mỹ và Nhật, nhằm giám sát hoạt động của Trung Quốc. Nhật cũng phái chiến đấu cơ trong 3 ngày liên tiếp nhằm phản ứng với các máy bay ném bom và máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc khi tham gia tập trận đã đi qua không phận quốc tế giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyako.

Trong một động thái bất thường, Bộ Quốc phòng Trung Quốc, chứ không phải Bộ Ngoại giao, hôm thứ năm vừa qua đã lên tiếng phản đối Nhật vì “khiêu khích nguy hiểm”, quấy rối cuộc tập trận của Trung Quốc.

 

Giới phân tích cho rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Tập Cận Bình, đang nỗ lực thể hiện là một chính quyền “mạnh mẽ”, trước một Nhật Bản “đầy hăm dọa”, nhằm chuyển sự chú ý của công chúng ra khỏi những vấn đề chính sách kinh tế trong nước, dự kiến được công bố tại hội nghị Trung ương 3 bắt đầu vào ngày 8/11. Tờ Thời báo Hoàn cầu, hôm thứ tư đăng bài xã luận với tiêu đề: “Không đàm phán thêm giữa Trung Quốc và Nhật, chuẩn bị cho điều xấu nhất, cho xung đột quân sự”.

 

Báo chí nhà nước Trung Quốc cũng dành 2 ngày vào tuần trước để nói về cuộc “hưu trí” của thế hệ tàu ngầm tên lửa hạt nhân bí mật đầu tiên của nước này. Đây cũng là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ qua tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc được hé lộ chi tiết. Các tàu ngầm tên lửa đạn đạo Type-094 mới hơn hiện đã được triển khai hoạt động. Loại tàu ngầm này được trang bị tên lửa hạt nhân JL-2, có thể vươn từ ngoài khơi bờ biển Trung Quốc tới tận Bờ Tây của Mỹ. Không giống như loại tàu ngầm Type-092 cũ hơn, loại tàu chưa bao giờ tiến hành tuần tra chiến đấu thông thường, tàu mới cho phép Bắc Kinh lần đầu tiên sở hữu kho vũ khí hạt nhân đích thực trên tàu ngầm.

 

Về hạm đội tàu ngầm mới, Trung Quốc không tổ chức một buổi lễ quân sự hay chính trị nào mà dùng báo chí nhà nước để “phô trương”. Theo giới chuyên gia, động thái này nhằm gửi cảnh báo tới chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về hậu quả nếu gây chiến với Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, chính phủ của ông Abe không ngần ngại đẩy căng thẳng với Bắc Kinh tăng cao. Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Katsunobu Kato không chỉ phủ nhận phản đối của Trung Quốc về cáo buộc “quấy rối” cuộc tập trận của Trung Quốc mà còn lên tiếng phản đối ngược. “Chúng tôi đang theo dõi rất sát hoạt động của các lực lượng vũ trang Trung Quốc, bao gồm cả các tàu quân sự Trung Quốc trong vùng biển quanh Nhật”, ông Kato cho hay.

 

Ngay sau các cuộc tập trận của Trung Quốc, Nhật đã tiến hành cuộc tập trận trên không, trên biển và trên bộ, một trong những cuộc tập trận lớn nhất nước này, với sự tham gia của 34.000 binh sỹ, 6 tàu hải quân và 350 máy bay chiến đấu. Đợt tập trận kéo dài từ 1-18/11, trên một vùng biển rộng lớn ở ngay phía bắc vị trí Trung Quốc đã tiến hành tập trận.

 

Cuộc tập trận của Nhật có sự tham gia của 14% lực lượng bộ binh, 1/5 lực lượng không quân, dựa trên viễn cảnh Mỹ có thể không hỗ trợ cho Nhật khi xảy ra chiến sự. Điều này phù hợp với một tuyên bố chung Nhật-Mỹ gần đây, kêu gọi Nhật gánh vác trách nhiệm “lớn hơn nữa” trong liên minh Mỹ-Nhật. Washington cũng đang khuyến khích Nhật củng cố khả năng tấn công quân sự, mặc dù nước này bị giới hạn bởi hiến pháp hòa bình.

Trong một cuộc tập trận có liên hệ rõ ràng với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp, binh sỹ Nhật, gồm cả những đơn vị nòng cốt của lực lượng hải quân ông Abe dự kiến thành lập, diễn tập đổ bộ lưỡng cư lên đảo san hô vòng không người ở Okidaitojima, cách đông nam Okinawa 400km. Nhật cũng sẽ triển khai tên lửa đất đối hạm Type-88 trong cuộc tập trận và theo thông tin mới nhất, 4 tên lửa sẽ được đặt lên đảo Miyako, “trấn” cửa vào Thái Bình Dương. Với tầm xa 180km, các tên lửa được phóng từ xe tải này có khả năng chặn đứng được hải quân Trung Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

 

Hiểu rõ được tính nhạy cảm của cuộc tập trận lần này, chính phủ của Thủ tướng Nhật Abe đã cấm các nhà báo đến khu vực và chỉ dẫn báo chí Nhật đưa tin về sự kiện tối thiểu nhất có thể. Thứ ba tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Onodera Itsunori cáo buộc Trung Quốc một lần nữa “xâm nhập” vùng lãnh hải của Senkaku/Điêu Ngư. Ông cho biết các vụ xâm nhập của tàu tuần duyên Trung Quốc đã “rơi vào “vùng xám” giữa thời bình và tình huống khẩn cấp”.

 

Tuần trước, phát biểu với tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Abe đã cho biết ông “lãnh đạo không chỉ trên mặt trận kinh tế mà còn trên mặt trận an ninh ở châu Á Thái Bình Dương”. Ông cảnh báo Trung Quốc nếu tìm cách thay đổi hiện trạng biển bằng vũ lực, thì “sẽ không thể có hòa bình” bởi Nhật sẽ “đối đầu” với Trung Quốc.

 

Những khẩu chiến giữa hai chính phủ, cùng với các cuộc tập trận rầm rộ, đang là dấu hiệu cảnh báo “trục xoay sang châu Á” của Mỹ đã “huých” cường quốc kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới tiến tới xung đột.

 

Vũ Quý

Theo WSWS