1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khi “tiếng xấu” đồn xa

Giới chức Afghanistan cho biết các tổ chức cứu trợ quốc tế đã sơ tán nhân viên ra khỏi thành phố Jalalabad, miền Đông Afghanistan trong khi các cuộc biểu tình phản đối lính Mỹ nhục mạ kinh Koran lan đến thủ đô Kabul vào ngày hôm qua.

Các nhân chứng cho biết tình hình vẫn căng thẳng ở Jalalabad, nơi 4 người thiệt mạng vào ngày 11/5 sau khi cảnh sát xả súng vào hàng ngàn người biểu tình đốt cháy văn phòng của các tổ chức nhân đạo và lãnh sự quán của Pakistan.

 

Hai người bị thương khi các lực lượng an ninh bắn vào một đám đông khoảng 100 dân làng vào sáng sớm hôm qua ở Khagyani, một quận phía Tây Bắc thành phố. Quân đội và cảnh sát Afghanistan đã giải tỏa các chướng ngại vật do những nhóm khoảng từ 100 đến 200 người dựng lên bên ngoài Jalalabad dọc theo xa lộ hướng đến biên giới Pakistan.

 

Xe của quân đội Afghanistan bị những nhóm người biểu tình ném đá và, theo hãng tin AFP, có cả súng bắn ra nhưng không gây thương vong.

 

 

Khi “tiếng xấu” đồn xa - 1
 

Cảnh sát Afghanistan ngăn người biểu tình.

 

Sinh viên Afghanistan đã xuống đường ở Kabul vào hôm qua, trong ngày phản đối thứ 3 bắt đầu từ các cáo buộc trên tạp chí Mỹ Newsweek theo đó các nhân viên thẩm vấn Mỹ tại nhà tù Guantanamo nhục mạ kinh Koran bằng cách ném một quyển kinh này xuống một bồn cầu để dọa các tù nhân Hồi giáo.

 

Các sinh viên đã hô vang các khẩu hiệu kêu gọi Tổng thống Mỹ Bush phải xin lỗi các nước Hồi giáo và cho rằng các đề nghị đặt căn cứ Mỹ vĩnh viễn trên đất Afghanistan có thể đe dọa nền độc lập của nước này.

 

Một cuộc biểu tình tương tự diễn ra tại Viện Bách khoa, Đông Bắc Kabul, nơi những người phản đối đốt một lá cờ Mỹ. Cảnh sát Afghanistan có mặt nhưng không có sự hiện diện của binh lính Afghanistan hay liên quân do Mỹ cầm đầu.

 

Theo AFP, hôm qua đã có thêm 3 người chết trong các cuộc biểu tình ở miền Đông Afghanistan, nâng số người thiệt mạng trong các vụ phản đối lính Mỹ phỉ báng kinh Koran cho đến nay lên 7 người.

 

 

Khi “tiếng xấu” đồn xa - 2
 

Chiến tranh vẫn hiện diện.

 

Ngày 11/5, sinh viên ở tỉnh Laghman gần Kabul, thành phố Khost ở phía Đông và tỉnh Wardak ở miền Trung đã cùng xuống đường hưởng ứng với những người phản đối ở Jalalabad.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Boucher hôm 11/5 đã nỗ lực xoa dịu sự giận dữ của người Afghanistan với lời tuyên bố rằng “một sự báng bổ các tài liệu và vật dụng tôn giáo là trái với những giá trị chung và đáng nguyền rủa đối với người Mỹ”.

 

Theo đài BBC, chính quyền Afghanistan lo ngại các vụ phản đối là có tổ chức bởi cho đến nay các cuộc biểu tình đa số diễn ra ở miền Đông và miền Nam, là nơi cư ngụ của các bộ tộc Pashtun chiếm đa số ở Afghanistan, vốn ủng hộ phong trào Taliban và không thích sự hiện diện của người Mỹ ở Afghanistan.

 

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai – cũng là đối tượng bị chỉ trích trong các cuộc phản đối những ngày qua – khi ông này đến thăm trụ sở NATO ở Brussels hôm 11/5 đã tuyên bố những hành động bạo lực vừa qua cho thấy Afghanistan cần quốc tế hỗ trợ trong “nhiều, nhiều năm nữa”.

 

Theo Trùng Quang

Người lao động/AFP, Reuters, BBC

Dòng sự kiện: Vụ phỉ báng Kinh Koran