1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khi tiệm đồ ăn nhanh trở thành “thiên đường tị nạn” cho người nghèo Hong Kong

(Dân trí) - Giá nhà đất và sinh hoạt phí leo thang chóng mặt là hai trong nhiều nguyên nhân biến nhiều người “vô sản” ở Hong Kong trở thành những người “tị nạn” ở các tiệm đồ ăn nhanh.


Một người chọn McDonald là nơi ngủ qua đêm.(Ảnh: Reuters)

Một người chọn McDonald là nơi ngủ qua đêm.(Ảnh: Reuters)

CNN trích một khảo sát cho biết, chỉ trong vòng 5 năm, số lượng những người được mệnh danh là “người tị nạn” Mc Donald ở Hong Kong đã tăng gấp 6 lần. Đây là thuật ngữ ám chỉ những người đã chọn Mc Donald, chuỗi cửa tiệm đồ ăn nhanh vận hành 24/7, làm nơi để ngủ qua đêm.

Nghiên cứu trên do tổ chức phi lợi nhuận Junior Chamber International (JCI) Tai Ping Shan (Hong Kong) thực hiện. Từ tháng 6 tới tháng 7, JCI đã thống kê có 334 người ngủ tại các cửa tiệm McDonald, tăng mạnh so với con số 57 người hồi năm 2013.

“Mục tiêu của cuộc nghiên cứu này ban đầu chỉ là nhằm cung cấp những sự giúp đỡ cho những người ngủ qua đêm tại chuỗi ăn nhanh, nhưng chúng tôi đã phát hiện ra không có một bức tranh toàn cảnh nào về tình trạng người “tị nạn” ở McDonald. Do chính quyền Hong Kong chưa có một thống kê chính thức về việc này, nên chúng tôi đã quyết định thực hiện cuộc khảo sát”, người chỉ đạo cuộc nghiên cứu, Jennifer Hung, cho biết.

Mặc khác, sau khi tổng hợp số liệu từ 110 tiệm McDonald trên khắp Hong Kong, những người làm khảo sát phát hiện ra không phải toàn bộ những người “tị nạn” ở tiệm ăn nhanh là những người vô gia cư.

Hơn 70 % người được hỏi trả lời rằng họ có nơi khác để ngủ và phần lớn trong số họ có nghề nghiệp toàn thời gian hoặc bán thời gian. Kết quả này đã phản bác lại quan điểm trước đó cho rằng những người ngủ đêm tại tiệm ăn nhanh chỉ toàn là người vô gia cư hoặc thất nghiệp.

“Họ có nơi để ngủ nhưng họ không về nhà”, bà Hung nói.

Một trong những nguyên nhân cốt lõi mà những người “tị nạn” Mc Donald chia sẻ là những thách thức về mặt kinh tế và xã hội mà họ đang gặp phải như tiền thuê nhà hoặc hóa đơn tiền điện đắt đỏ. Bà Hung kẻ về một người đàn ông không có đủ tiền để dùng điều hòa nhiệt độ và không có cửa sổ để gió có thể lùa vào căn phòng mà anh đang ở. Thay vì trả tiền cho chủ nhà để được sử dụng điều hòa, người đàn ông này đã chọn ra các cửa hàng McDonald vào những ngày hè oi bức để “tránh nóng”.

Mạng wifi miễn phí, đồ ăn giá rẻ và nhà vệ sinh sạch sẽ là những điểm cộng của Mc Donald với những người “tị nạn” tới chuỗi nhà hàng này.

Bất động sản Hong Kong là một trong những thị trường đắt đỏ nhất thế giới, theo nghiên cứu của tổ chức Demographia (Mỹ) năm 2007. Giá đất trung bình năm 1997 là 8.300 USD/ m2 nay đã nhảy vọt lên 18.300 USD/ m2.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn cá nhân ảnh hưởng tới quyết định dọn ra McDonald ngủ qua đêm. Bà Hung lấy ví dụ một công nhân xây dựng cho biết anh không thích ngủ ở nhà vì hay cãi nhau với cha mẹ, hoặc một phụ nữ 55 tuổi tránh ở nhà vì không muốn “đụng độ” với người chồng bạo hành. Hay một người phụ nữ lớn tuổi không con cái cảm thấy ở nhà một mình mỗi đêm là “cực hình” sau khi chồng bà qua đời đã chọn McDonald làm nơi ngủ đêm để có thể trò chuyện với những người cũng ra đây nghỉ ngơi.

“Chúng tôi phát hiện ra con người ta không những chỉ nghèo về vật chất mà họ còn nghèo nàn về tinh thần, cuộc sống xã hội”, bà Hung lý giải.

JCI đã đưa ra một số khuyến nghị cho chính quyền Hong Kong, bao gồm tăng cường nguồn lực cho các tổ chức phúc lợi và nhân viên an sinh xã hội hoạt động trong lĩnh vực này, cũng như có cơ chế cập nhật và theo dõi số liệu thống kê nhóm đối tượng đặc biệt để có thể hoạch định chiến lược trong tương lai.

Điều quan trọng hơn cả, bà Hung cho rằng mỗi người dân Hong Kong cần thay đổi thái độ xã hội, thể hiện sự quan tâm nhiều hơn tới những người xung quanh, nhằm xua đi những nỗi cơ đơn trong một xã hội hiện đại, phát triển đầy áp lực.

Đức Hoàng

Theo BBC