1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khi khủng bố khiến châu Âu "ngồi trên lửa"

(Dân trí) - 28 nước thành viên Liên minh châu Âu hiện có 500 triệu dân, trong đó có ít nhất 20 triệu người Hồi giáo. Chỉ 1% trong số này (khoảng 200.000 người) bị kích động trở thành những phần tử cực đoan, cũng đủ khiến châu Âu như "ngồi trên lửa".

Những kẻ tấn công tòa báo châm biếm Charlie Hebdo tại Paris. (Ảnh:
 Những kẻ tấn công tòa báo châm biếm Charlie Hebdo tại Paris. (Ảnh: Dailymail)

Khủng bố đã trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ và nguy hiểm hàng đầu ở Mỹ và châu Âu, thậm chí làm lu mờ cả cuộc đối đầu gay gắt giữa phương Tây và Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Những cảm giác này vốn vẫn thường trực trong các xã hội phương Tây kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, nhưng gần đây đã bị thổi bùng mạnh mẽ do tác động từ loạt vụ tấn công khủng bố và bắt cóc con tin táo tợn ở thủ đô Paris (Pháp), một thành phố tráng lệ, thanh bình và được mệnh danh là trái tim của châu Âu.

Loạt vụ khủng bố này được châm ngòi từ vụ thảm sát kinh hoàng tại tòa soạn báo trào phúng nổi tiếng Charlie Hebdo, nơi đã cho đăng bức biếm họa Nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo vào thời điểm tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) cực đoan đang nổi lên mạnh mẽ.  

Tuy nhiên, theo cảnh báo của cơ quan tình báo các nước Mỹ, Anh, Đức, Ý và Pháp, đây chỉ là điểm khởi đầu của làn sóng khủng bố mà các lực lượng Hồi giáo cực đoan đang có kế hoạch tiến hành trên toàn châu Âu. Trong cuộc điện đàm của các thủ lĩnh IS bị Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe được cách đây vài tháng, những kẻ cầm đầu tổ chức này muốn thủ đô Rome của Ý là thành phố tiếp theo bị tấn công khủng bố và địa điểm nhiều khả năng bị tấn công nhất là Tòa thánh Vatican.

Theo Cơ quan phản gián Anh (MI5), châu Âu đang đối mặt với thách thức hết sức nguy hiểm khi những kẻ khủng bố chủ ý nhắm tới các công trình mang tính biểu tượng, cơ sở hạ tầng giao thông và những điểm tham quan tập trung đông người để gieo rắc nỗi sợ hãi trên toàn châu lục.

Trước nguy cơ này, chính phủ Ý đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên cấp cao nhất. Thủ tướng Ý Matteo Renzi cũng đã đề xuất thành lập Cơ quan tình báo chung của EU để tạo lập mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa khủng bố đang ngày càng cực đoan và hoạt động tinh vi hơn.

Sâu chuỗi sự nổi lên nhanh chóng và tàn bạo của IS ở Trung Đông, với các vụ tấn công khủng bố gần đây ở Canada, Úc và Pháp, có thể thấy những kẻ Hồi giáo cực đoan đang đẩy mạnh sử dụng “vũ khí tư tưởng” và “chủ nghĩa bạo lực” để làm lung lay tâm trí và lôi kéo những người “non gan”.

Trong khi đó, những kết quả hạn chế của chiến dịch chống IS do Mỹ cầm đầu cho thấy can thiệp quân sự không những không thể dập tắt được “ngọn lửa cuồng tín” trong một bộ phận tín đồ Hồi giáo, mà còn kích động những thành phần cực đoan tiến hành các vụ tấn công tàn bạo hơn.

Do vậy, sự nguy hiểm của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những thập kỷ tiếp theo, khi những mầm mống của sự cuồng tín đã phát triển chín muồi ở Trung Đông, châu Âu, Mỹ và cả châu Á.

Trước mối đe dọa khủng bố đã lan rộng trên quy mô toàn cầu, thế giới cũng cần phải có phản ứng toàn diện ở quy mô tương tự. Trong đó, ngoài phương diện quân sự, phương Tây cũng phải chú trọng đến cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng, nâng cao năng lực quản trị cho các nước nghèo và giải quyết những vấn đề cốt lõi về phát triển kinh tế - xã hội ở những nước này. Bởi, chỉ khi kinh tế phát triển, trình độ hiểu biết của người dân mới được nâng cao, mầm mống của sự bất bình đẳng và lòng hận thù mới được giảm bớt để khủng bố không còn đất sống.

Riêng với Mỹ và châu Âu, các nước này còn phải tránh lặp lại những “sai lầm chết người” của cuộc chiến chống khủng bố có phần “méo mó” trước đây.

Thứ nhất, cần phải nhìn nhận vấn đề tính mạng con người dưới góc độ bình đẳng. Lâu nay, do các nước phương Tây giàu có hơn và có tiếng nói trọng lượng hơn trong nền chính trị thế giới nên họ cũng mặc nhiên coi tính mạng của người phương Tây “cao” hơn tính mạng của người dân các nước, các châu lục khác.

Việc Mỹ và các nước châu Âu chỉ thực sự vào cuộc sau khi có công dân của mình bị IS sát hại hoặc xảy ra các vụ tấn công nhằm vào các lợi ích của phương Tây là những ví dụ điển hình. Chính hành động này đã góp phần nuôi dưỡng ý thức về sự bất công ở cả phương Tây lẫn các nước khác.

Thứ hai, Mỹ và châu Âu chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với các quốc gia Hồi giáo để ngăn chặn các nguy cơ khủng bố cực đoan.

Vì những toan tính địa chính trị, phương Tây luôn tìm mọi cách gạt bỏ sự tham gia của Iran, Syria, Lebanon và thậm chí cả Iraq vào cuộc chiến đẩy lùi IS. Đây có thể coi là một bước đi sai lầm chiến lược của phương Tây, cho thấy Mỹ và châu Âu không thực sự hiểu những diễn biến phức tạp và đầy nguy hiểm trong thế giới Hồi giáo.

Thứ  ba, không đánh đồng những phần tử Hồi giáo cực đoan với các tín đồ Hồi giáo còn lại. Đành rằng phần lớn các cuộc tấn công và sự bất ổn trên thế giới là do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện, song những kẻ này không đại diện cho thế giới hàng trăm triệu người Hồi giáo trên thế giới.

Hơn nữa, việc một số tòa báo phương Tây mà điển hình là tờ “Charlie Hebdo” của Pháp lấy lý do tự do ngôn luận và tự do báo chí để xúc phạm đức tin của một tôn giáo khác là điều khó có thể chấp nhận trong một thế giới toàn cầu hóa và tự do tín ngưỡng hiện nay.

Bên cạnh đó, việc các chính phủ phương Tây nhìn nhận và cư xử với những tín đồ Hồi giáo theo cách “không giống ai” cũng khiến họ từ sợ sệt chuyển sang bất bình, căm phẫn và cuối cùng là cực đoan.

Bằng những cách làm này, vô hình chung phương Tây đang đẩy chính những người Hồi giáo ôn hòa sinh sống trong xã hội của họ trở thành “chân rết” của các tổ chức khủng bố và là “mầm họa tiềm ẩn” mỗi khi các tổ chức này muốn phát động tấn công từ trong lòng phương Tây. Đây là nguy cơ không thể xem nhẹ nếu xét đến con số hàng chục triệu tín đồ Hồi giáo đang sinh sống ở cả Mỹ và châu Âu.

Thứ tư, cần có sự đồng thuận rộng rãi trong việc “nhận dạng” những kẻ khủng bố.

Hiện nay, đối tượng khủng bố được các bên nhìn nhận không hoàn toàn giống nhau, gây cản trở cho việc ngăn chặn hoạt động của các đối tượng này. Đơn cử, chính phủ Syria coi lực lượng đối lập là khủng bố, nhưng Mỹ lại không coi như vậy. Tương tự, tổ chức “Anh em Hồi giáo” bị chính phủ Ai Cập cho vào sách đen, nhưng Anh và một số nước khác lại bác bỏ.

Chính sự đánh giá khác biệt này đang tạo kẽ hở để các lực lượng khủng bố lợi dụng tìm kiếm sự giúp đỡ và lôi kéo thêm các thành viên, tạo thành những mầm họa về sau.

Thứ năm, không xem nhẹ nhưng cũng không quá thổi phồng các nguy cơ khủng bố.

Xem nhẹ sẽ dẫn đến lơ là đề phòng và hậu quả là để xảy ra những vụ tấn công khủng bố đáng tiếc như ở Canada, Australia và Pháp trong thời gian qua. Ngược lại, nếu quá thổi phồng cũng sẽ gây căng thẳng và lo sợ trong xã hội.

Chưa kể việc một số đảng phái theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu như đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) ở Pháp, phong trào “Người châu Âu ái quốc chống Hồi giáo hóa phương Tây” (Pegida) ở Đức, đảng Tự do Hà Lan (DPF) hay đảng Độc lập Anh (UKIP) sẽ lợi dụng nguy cơ và sự kiện khủng bố để gia tăng áp lực chính trị đòi chống người nhập cư và chính sách đa văn hóa…

Cuối cùng, việc quá chú trọng chống khủng bố sẽ kích động các phần tử cực đoan lên kế hoạch và chính sách đối phó kỹ lưỡng.

Để gây tiếng vang lớn, các tổ chức khủng bố sẽ tiến hành các vụ tấn công bất ngờ nhằm vào những thủ đô giàu có và các công trình biểu tượng của phương Tây. Không chỉ thế, các tổ chức này còn tìm cách liên kết với nhau để tiến hành các vụ tấn công theo chuỗi (như ở Paris vừa qua) để đẩy các chính phủ, người dân vào sự lúng túng và sợ hại tột độ.

Có thể thấy sau các vụ tấn công ở Pháp, Australia và Canada, mâu thuẫn âm ỉ giữa phương Tây và đạo Hồi ngày càng nghiêm trọng khiến căng thẳng tôn giáo có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Không chỉ nước Pháp với 5-6 triệu người Hồi giáo đang ở “tâm bão”, mà toàn thể châu Âu với khoảng 20 triệu người theo đạo Hồi cũng “đứng ngồi không yên”. Rất nhiều mối đe dọa an ninh đang rình rập châu Âu và Mỹ, nhưng kết quả này có một phần nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách sai lầm của phương Tây đối với người Hồi giáo nói chung và các phần tử Hồi giáo cực đoan nói riêng. Bởi chừng nào sự kỳ thị, coi thường người Hồi giáo còn diễn ra, chừng đó những căng thẳng tôn giáo và xu hướng cực đoan sẽ còn tiếp diễn.

Đức Vũ