1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khi hai “ông lớn” châu Á gặp nhau

(Dân trí) - Khi Thủ tướng Nhật lên đường tới Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh vào ngày hôm nay 27/12, ông mang theo một sứ mệnh mà những người tiền nhiệm dường như không “khoái” cho lắm.

Đó là hâm nóng mối quan hệ, thúc đẩy kinh tế và không được bóng gió đến những tranh cãi về lịch sử giữa hai nước.

 

Chuyến công du Trung Quốc hai ngày của Thủ tướng Yasuo Fukuda theo sau hàng loạt những cử chỉ hòa giải từ cả hai phía. Dấu hiệu cải thiện quan hệ ngày càng rõ rệt, giúp họ gạt được những bất đầu bấy lâu về lãnh thổ, về lịch sử thời chiến tranh, cũng như cạnh tranh trong khu vực sang một bên.

 

“Cả hai phía đều muốn có quan hệ tốt đẹp hơn, nhưng họ không thể thay đổi được một thực tế là mối quan hệ của họ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề”, Hisashi Takahashi, giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Sophia, Tokyo, đánh giá. “Vấn đề là, liệu họ có tiếp tục đàm phán, bởi để giải quyết được những bất đồng hiện tại sẽ phải mất thêm một thời gian dài dài nữa”.

 

Trong những tháng gần đây, chiến hạm của Trung Quốc đã thả neo ngoài khơi Tokyo, chuyến viếng thăm đầu tiên của tàu chiến Trung Quốc kể từ Thế chiến II. Các cuộc đàm phán kinh tế cấp cao ở Bắc Kinh đã lôi kéo được một lượng lớn các quan chức trong nội các cả hai nước có cơ hội ngồi cùng nhau  kể từ khi hai “ông lớn” châu Á mở kênh ngoại giao 35 năm trước. Ngoài ra, thủ tướng hai bên cũng đã có những cuộc họp cởi mở tại một hội nghị thượng đỉnh trong khu vực ở Singapore.

 

Về phía Trung Quốc, theo người phát ngôn của Bộ ngoại giao Qin Gang: “Trung Quốc rất coi trọng chuyến viếng thăm của Thủ tướng Fukuda, và sẵn sàng hợp tác chung với Nhật để củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước, mở rộng lợi ích chung, và tăng cường hợp tác”.

 

Tuy nhiên, đằng sau cái không khí tốt đẹp đó, là thực tế với hàng loạt những khó khăn mà hai “ông lớn” cần phải giải quyết. Trung Quốc là bạn hàng thương mại số một của Nhật, trong khi Nhật là nhà đầu tư hàng đầu ở Trung Quốc. Song mối quan hệ đó vẫn rất mong manh giữa những hàng loạt bất đồng hiện tại.  

 

Đầu tiên, do cả hai đều muốn cạnh tranh để đảm bảo nguồn năng lượng cho nền kinh tế của mình, nên đều tuyên bố chủ quyền đối với nguồn khí gas ở vùng biển Hoa Đông. Ưu tiên hàng đầu của Nhật là xây dựng các dàn khoan ở đây. Chính vì vậy mà các cuộc đàm phán giữa hai nước xung quanh vấn đề này liên tục bị đổ bể và tương lai cũng được dự đoán là không có nhiều đột biến.

 

Sự ngờ vực giữa Bắc Kinh và Tokyo càng rõ nét trong vấn đề quân sự. Các quan chức Nhật liên tục bày tỏ quan ngại đối với việc Trung Quốc không ngừng tăng chi tiêu cho quốc phòng trong những năm gần đây. Ngoài ra, đàm phán kinh tế có nguy cơ đổ bể sau khi Nhật tố cáo Trung Quốc đã xóa một đoạn trong tuyên bố chung kêu gọi Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát hơn nữa đối với đồng tiền của mình.

 

Không khí u ám ấy chỉ được phá vỡ khi cựu Thủ tướng Abe đến thămTrung Quốc tháng 10/2006. Đây là một dấu hiệu quan trọng bởi nó là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi lên nắm quyền. Trước kia, theo thông lệ Thủ tướng Nhật thường có chuyến công du đầu tiên tới Mỹ.

 

Cách đây cũng không lâu, mối quan hệ Trung - Nhật đã bị đẩy tới mức xấu nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới II kết thúc, do những bất đồng về khí gas, và do lãnh đạo Nhật vẫn đến thắm ngôi đền chiến tranh ở Tokyo, một động thái mà nhiều người Trung Quốc cho là sự khiêu khích.

 

Tuy nhiên, không thể thủ nhận được là giọng điệu của quan chức hai nước thời gian gần đây đã khá thân thiện.

 

Lịch trình của ông Fukuda có cả một bữa tiệc do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chiêu đãi, và ông sẽ có bài phát biểu tại trường Đại học Bắc Kinh danh giá, được truyền hình trực tiếp. Ông Fukuda cũng ghé thăm nơi sinh của nhà triết gia nổi tiếng Trung Quốc thời cổ đại, Khổng Tử để đáp lại chuyến viếng thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đầu năm nay tới cố đô Kyoto của Nhật.

 

Ngoài ra, chính sách đối nội cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hâm nóng mối quan hệ giữa hai nước. Phía ông Fukuda hi vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ của người dân quê nhà trong thời điểm khủng hoảng về tiền lương hưu và sa sút về kinh tế. Trong khi đó Trung Quốc ý thức rõ được hình ảnh ngoại giao của mình trước thế vận hội Bắc Kinh vào năm sau.

 

Phan Anh
Theo AP/CNN