1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Khám phá những hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

Khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2-5, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được đặt tại Hàn Quốc sẽ giúp đánh chặn tên lửa của CHDCND Triều Tiên cũng như bảo vệ Seoul một cách hiệu quả.

Đây chỉ là một trong 4 hệ thống phòng thủ tên lửa ưu việt nhất được Washington triển khai trên khắp thế giới nhằm mục đích bảo vệ an ninh cho nước Mỹ và các đồng minh.

Phòng thủ tên lửa quốc gia (National Missile Defense-NMD) của Mỹ là các hệ thống liên hợp chiến lược của quân đội nhằm bảo vệ đất nước, chống lại sự xâm nhập của các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Các tên lửa có thể bị chặn bằng các tên lửa khác hoặc cũng có thể bằng kỹ thuật laser, bị chặn ở gần bệ phóng hoặc trong giai đoạn bay ngoài tầng khí quyển hoặc ở giai đoạn cuối đi vào Trái Đất.

Theo Wikipedia, sau khi không lực Mỹ tách ra khỏi quân đội năm 1947, quân đội đã giữ lại vai trò phòng thủ không giá trên mặt đất để sau này phát triển thành hệ thống NMD.

Hệ thống NMD được thiết kế và triển khai để bảo vệ lãnh thổ của Mỹ với các đồng minh trước mối đe dọa tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Ban đầu, Lầu Năm Góc nghiên cứu phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) và vào những năm 1950, các tên lửa này được phát triển như một phần của dự án Nike-Zeus nhằm làm máy bay đánh chặn đối với tên lửa đạn đạo (ICBM) của Liên Xô (cũ).

Đến năm 1961, khi dự án Nike-Zeus bị hủy bỏ và thay thế bằng dự án Defender và đến năm 1968 thì chương trình này được biết đến dưới tên gọi Sentinel...

Đặc biệt, trong những năm 1990 và đầu thế kỷ 21, sứ mệnh của NMD bắt đầu thay đổi với mục tiêu khiêm tốn hơn là ngăn cản Mỹ bị đe dọa hạt nhân hoặc chủ nghĩa khủng bố hạt nhân bởi một quốc gia khác.

Hệ thống này sau đó được giao cho Cơ quan phòng vệ tên lửa quản lý. Cơ quan này có nhiệm vụ hợp tác với Bộ Tư lệnh không quân Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ... để thực hiện các dự án mới về hệ thống phòng thủ tên lửa.

Hệ thống PAC của Mỹ được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Militaryedge.
Hệ thống PAC của Mỹ được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Militaryedge.

Tính đến nay, Mỹ đã có 4 hệ thống phòng thủ tên lửa ưu việt được triển khai ở khắp thế giới. Đầu tiên phải kể đến hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (Ground-based midcourse defense - GMD).

Hệ thống này bao gồm các tên lửa đánh chặn trên mặt đất (Ground-based interseptor - GBI); thiết bị bay, đầu đạn đánh chặn (Interceptor) và radar lắp đặt tại Alaska. Tên lửa đẩy mang thiết bị bay đánh chặn và đầu đạn đánh chặn bằng va chạm, được phóng lên từ những hầm phóng dưới mặt đất.

Trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến, kiểm soát phóng đạn và liên kết phối hợp (BMC3), bao gồm hệ thống BMC2 và hệ thống liên kết truyền thống đầu đạn đánh chặn (IFCS).

Wikipedia cho biết, những GBI này có thể được tăng cường bởi các máy bay đánh chặn trung gian SM-3 được phóng từ tàu hải quân. Khoảng 10 tên lửa đánh chặn đã hoạt động vào năm 2006. Trong năm 2014, Cơ quan phòng vệ tên lửa đã kích hoạt thêm 30 GBI với 14 máy bay đánh chặn mặt đất khác được yêu cầu triển khai vào năm 2017.

Hiện nay, Mỹ đã triển khai hai căn cứ đánh chặn trên mặt đất gồm Fort Greely, Alaska và California. Căn cứ thứ 3 định triển khai ở Ba Lan nhưng đã bị hủy do phản ứng dữ dội từ phía Nga.

Tiếp đó là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis (Aegis Ballistic missile defense system). Hệ thống này được thực hiện sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố kế hoạch hủy việc xây dựng một hệ thống GMD tại Ba Lan hồi tháng 9/2009.

Ngược lại, Thủ tướng Nga khi đó là ông Vladimir Putin đã hoan nghênh hệ thống Aegis trong đó bao gồm cả việc đóng tàu chiến Aegis trên biển Đen.

Ngay trong năm 2009, một số tàu của hải quân Mỹ, Nhật Bản và Australia đã được trang bị tên lửa SM-3 để phục vụ cho chức năng này.

Hãng CNN cho biết, hệ thống Aegis được coi là thành phần hiệu quả nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Đây là hệ thống vũ khí hải quân, được triển khai di động trên biển, do cơ quan radar mặt đất và tên lửa của Mỹ phát triển và Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất.

Aegis được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn bằng tên lửa đánh chặn SM-2 và đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm cận trung bằng tên lửa đánh chặn SM-3.

Trong biên chế của hải quân Mỹ, hệ thống Aegis được trang bị trên tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục lớp Arleigh Burke.

Cho đến nay, hơn 100 tàu chiến của Mỹ và các quốc gia đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Na Uy, Tây Ban Nha, Australia được trang bị hệ thống này. Các thành phần để điều khiển hệ thống Aegis bao gồm: radar AN/SPY-1, hệ thống kiểm soát hỏa lực MK99, hệ thống tên lửa chuẩn SM-2, SM-3.

Trong khi đó, Patriot Advanced Capability, gọi tắt là Patriot (PAC) là hệ thống tên lửa đạn đạo đất đối không tầm xa được nhiều "ông lớn" về quân sự trên thế giới ưa chuộng.

Hệ thống này được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc (Nike Hercules) và hệ thống MIM-23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ.

Được chế tạo tại Redstone Arsenal ở Huntsville, Alabama và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và độ cao để chống lại các tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến khác.

Patriot sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực tích hợp AN/MPQ-53/65. Đây là một radar quét mạng pha điện tử bị động. Mảng ăngten của radar có thể phát đi 5.000 chùm tia/giây, ngoài ra còn có hệ thống nhận dạng “bạn -thù” IFF cùng một hệ thống phụ để giảm sự ảnh hưởng của các biện pháp gây nhiễu đến hoạt động của radar.

Tầm bắn của Patriot nằm trong khoảng từ 70-160km, trần bắn cao nhất lên tới 24km và có thể hạ gục các mục tiêu di chuyển với tốc độ gần 6.200km/h.

Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa dẫn đường khác nhau như Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3. Các tên lửa này được phóng đi và thu thập thông tin của mục tiêu gửi về trạm radar mặt đất.

Từ đó các sĩ quan điều khiển sẽ tính toán và vạch hướng tấn công gửi trở lại cho các tên lửa thực hiện. Không chỉ có Mỹ mà Nhật Bản, Ai Cập, Đức, Hy Lạp, Israel, Nhật Bản, Hà Lan, Arab Saudi ... cũng sử dụng hệ thống này.

Còn THAAD là một hệ thống tên lửa đạn đạo độc đáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung bình và trung gian trong giai đoạn cuối của chuyến bay. Tên lửa này không mang đầu đạn hạt nhân, nhưng dựa vào động năng của động lực để tiêu diệt tên lửa.

Theo Ngọc Khuê

Công an nhân dân