1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Khám phá bí ẩn đằng sau hệ thống giai tầng ở Triều Tiên

Ở Triều Tiên, "songbun" được dùng để chỉ sự phân chia đẳng cấp người dân theo danh tiếng xã hội và dòng tộc, hoặc liệu họ đã được chụp hình cùng lãnh đạo nước này hay chưa.

Binh sĩ và dân thường Triều Tiên tại quảng trường Kim Nhật Thành
Binh sĩ và dân thường Triều Tiên tại quảng trường Kim Nhật Thành
Theo tờ Guardian, có thể không rõ ràng, song nhiều chuyên gia đồng tình rằng, Triều Tiên đang trải qua những biến động đáng kể. Chính phủ của ông Kim Jong-un được cho là khá nghiêm túc về cải cách, với cái gọi là "những biện pháp ngày 30.5", hứa hẹn gia tăng thu nhập cá nhân và tạo điều kiện để xã hội chuyển động nhiều hơn.

Nhưng chính điều này làm nhiều người tự hỏi, liệu hệ thống songbun ở Triều Tiên sẽ cùng tồn tại với những cải cách chưa từng có tiền lệ như thế nào.

Songbun là nhân tố quan trọng nhất trong cấu trúc xã hội Triều Tiên dưới thời lãnh tụ lập quốc Kim Nhật Thành. Chính ông là người khai sinh ra hệ thống này từ cuối những năm 1950, phân chia dân số thành các nhóm, dựa theo hoạt động và vị thế của cha ông họ trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản và chiến tranh Triều Tiên.

Theo đó, cùng với những điều khác, songbun quy định người Triều Tiên nào được phép sống ở thủ đô hoặc những thành phố đặc biệt, nơi họ được làm việc và trường lớp họ được theo học.

Theo songbun, xã hội Triều Tiên được phân chia làm 5 nhóm, từ cao nhất xuống thấp nhất, đó là các cấp: Đặc biệt, hạt nhân, cơ bản, phức tạp và thù địch.

Nhóm hạt nhân, hay còn gọi là cốt lõi, là nhóm tiêu chuẩn. Ngược lại, nhóm cơ bản, hay còn gọi là dao động, có thể dẫn đến phân biệt đối xử nhẹ. Hai nhóm cuối cùng: Phức tạp và thù địch đối mặt với những thành kiến đáng kể.

Có thể có một nhóm ngoại lệ bên cạnh 5 nhóm trên, đó là những người có quan hệ huyết thống với gia đình ông Kim, song không có tên trong tất cả các tài liệu chính thức, mặc dù điều này chưa được xác nhận.

Songbun được tính toán dựa trên hai yếu tố. Đầu tiên là vị trí xã hội và hành vi của ông bà tổ tiên trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản và chiến tranh Triều Tiên. Họ có chiến đấu cùng lãnh tụ Kim Nhật Thành và sau này gần gũi với ông hay không? Hay là họ làm việc cho chính quyền thuộc địa, hoặc tệ hơn là tham gia phong trào giành độc lập? Nếu như vậy, bạn khó có thể tiến tới bất cứ một vị trí nào có ý nghĩa trong xã hội.

Thứ hai, songbun được "cân đong đo đếm" bằng danh phận xã hội của một người trong xã hội Triều Tiên: Công nhân, nông dân, quân nhân, giáo viên hay công an.

Ngoài ra, còn có một yếu tố khác, đó là "thành tích" nói chuyện từ 20 phút trở lên với lãnh đạo Triều Tiên, hoặc được chụp ảnh cùng. Đó là lý do vì sao những bức ảnh kỷ niệm in trên tờ Rodong Sinmun luôn có hàng nghìn người - "songbun" của tất cả họ vừa được thăng cấp!

Ảnh hưởng của songbun

Songbun ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh đời sống ở Triều Tiên. Nếu songbun của bạn không đủ tốt, bạn không thể sống ở Bình Nhưỡng. Bạn cũng không thể vào một trường đại học tốt, bất kể bạn thông minh cỡ nào. Bạn cũng không thể trở thành giáo viên hay công an nếu có songbun xấu hoặc thậm chí trung bình. Và nếu bạn muốn gia nhập hàng ngũ cảnh sát mật, không chỉ bạn, mà cả họ hàng 6 đời của bạn cũng phải có songbun tốt, nếu không bạn không đủ điều kiện.

Bạn có thể thay đổi songbun của mình? Nếu là vì gia tộc, câu trả lời luôn luôn là không. Hồ sơ được lưu giữ ở 4 nơi: văn phòng chính quyền địa phương, cảnh sát thường, cảnh sát mật và những tổ chức đặc biệt như đảng công nhân, hội liên hiệp phụ nữ hoặc công đoàn.

Tình hình dưới thời đại ông Kim Nhật Thành cũng tương tự: Một người có tổ tiên "không tốt" không thể có việc tốt, do đó songbun của anh ta cũng xấu. Tuy nhiên, nhiều điều đã thay đổi sau khi ông Kim Nhật Thành qua đời năm 1994, và vai trò của hệ thống phân chia này là một trong số đó.

Giờ đây, một người làm việc 3 năm sẽ nhận được "danh phận" xã hội mới, được quyết định bởi đảng uỷ địa phương. Thậm chí, những người có lý lịch "nghi vấn" cũng có thể vào đảng. Một số quan chức Triều Tiên cũng bắt đầu lờ đi songbun, với lý do là trừng phạt một người chỉ vì tội lỗi của tổ tiên họ là không công bằng.

Vai trò của songbun ở Triều Tiên đang giảm bớt, khi đất nước đứng trước những cách thức và mô hình kinh tế mới. Nếu ông Kim Jong-un thực sự muốn thúc đẩy cải cách như đã hứa, một trong những bước cần thiết là tiến tới xoá bỏ songbun, ít nhất là trong thực tế.
 
Theo Ngọc Vân/ theo Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm