Khai mạc hội nghị thượng đỉnh G-20
(Dân trí) - Lãnh đạo nhóm G-20 vừa bước vào cuộc họp một ngày tại London (Anh), mang theo hy vọng của cả thế giới rằng hội nghị lần này sẽ đưa ra được tuyên bố chung về một giải pháp toàn cầu cho cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay.
Thủ tướng Anh tỏ ý tin tưởng rằng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ đạt được sự đồng thuận quan trọng về vấn đề kinh tế.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang trên đà sụt giảm với tỷ lệ cao nhất trong hàng chục năm qua, các nền kinh tế trên khắp thế giới đều là nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính, dư luận thế giới đều hy vọng hội nghị sẽ thu được kết quả cụ thể, tìm ra hướng đi để thúc đẩy thương mại tự do và công bằng, tiến tới vực dậy nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi nhiều ý kiến lưu tâm đến những bất đồng trong giải quyết kinh tế giữa nội bộ G-20, cũng có nhiều nhà phân tích lạc quan rằng G-20 năm nay sẽ không cho ra kết quả bi quan. Lý do là vì có những dấu hiệu hòa giải giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề kích thích kinh tế và việc siết chặt các quy định quản lý và kiểm soát tài chính.
Trước khi khai mạc, các chia rẽ lớn nhất là giữa Pháp và Đức (vốn đang tìm cách siết chặt hệ thống tài chính) với Anh và Mỹ (vốn thiên về xu hướng tăng chi tiêu của chính phủ để giúp giảm khủng hoảng). Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đe dọa sẽ rút khỏi hội nghị nếu G20 không đưa ra được kết quả cụ thể.
Nhưng cũng có chỉ dấu rằng một thỏa thuận đã có thể cận kề. Các bất đồng còn lại chủ yếu là về tài chính chứ không phải về nguyên tắc. Một trong các điểm còn tranh cãi là tăng vốn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giúp các nước bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất.