1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khai mạc Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc: Kỳ vọng và thách thức

(Dân trí) - Sáng nay, Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức khai mạc tại ở thủ đô Bắc Kinh. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự chuyển giao lãnh đạo tại Trung Quốc sau 10 năm và đề ra định hướng phát triển cho 10 năm tới.

Quảng cảnh khai mạc Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 18 của Trung Quốc sáng nay tại Bắc Kinh. Ảnh:
Quảng cảnh khai mạc Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 18 của Trung Quốc sáng nay tại Bắc Kinh. Ảnh: THX
 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh từ ngày 7 – 14/11 với sự tham dự của 2.270 đại biểu được bầu chọn từ hơn 80 triệu đảng viên trong cả nước. Việc lựa chọn đại biểu được tiến hành từ hơn một năm nay theo những quy tắc rất phức tạp.

Những kỳ vọng

Đại hội 18 theo đuổi hai mục tiêu lớn. Thứ nhất, vừa tổng kết và đúc rút bài học từ 10 năm cầm quyền của thế hệ lãnh đạo thứ tư của ĐCS Trung Quốc, qua đó xác định chiến lược phát triển cho 10 năm tới. Thứ hai, thông qua việc bổ nhiệm thành viên các cấp lãnh đạo mới của Đảng với mục đích bảo đảm ĐCS Trung Quốc “trước sau luôn là hạt nhân lãnh đạo kiên cường của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.

Với các mục tiêu đó, Đại hội nhiều khả năng sẽ đưa ra các biện pháp mới nhằm tăng cường xây dựng Đảng như: mở rộng dân chủ trong Đảng, tăng cường sự giám sát của xã hội, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng…

Ngoài ra, Đại hội cũng sẽ đẩy mạnh cải cách mở cửa, coi đây là con đường tất yếu để Đảng và Nhà nước giải quyết những khó khăn trước mắt. Đại hội cũng sẽ khẳng định quan điểm kiên trì đi theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả.

Và thách thức phía trước

Đại hội 18 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước những vận hội và thách thức mới cả ở trong và ngoài nước.

Cụ thể, sau thời kỳ dài đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, những mâu thuẫn trong cấu trúc kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lộ rõ.
 
TQ chuẩn bị diễn ra quá trình chuyển giao quyền lực quan trọng nhất một thập niên. Ảnh: THX

Trung Quốc chuẩn bị diễn ra quá trình chuyển giao quyền lực quan trọng nhất một thập niên. Ảnh: THX

Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, tiềm năng được giải phóng song cấu trúc thượng tầng vẫn đang được tổ chức, quản lý theo lối cũ đã dẫn đến sự giằng kéo trong xã hội, buộc chính phủ Trung Quốc phải "hạ nhiệt" tốc độ tăng trưởng kinh tế và tìm cách khắc phục những mâu thuẫn phức tạp nảy sinh trong mọi mặt đời sống xã hội.

Trong khi đó, công cuộc cải cách mở cửa kéo dài hơn 30 năm qua ở nước này cũng đang đòi hỏi phải hướng đến giai đoạn phát triển mới, nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, duy trì ổn định xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa tiên tiến dựa trên hệ thống giá trị chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.   

Chính vì vậy, ngoài nhiệm vụ quan trọng nhất là bầu chọn ra bộ khung nhân sự hàng đầu lãnh đạo đất nước trong một thập kỷ tới, một nhiệm vụ khác cũng quan trọng không kém là phải đề ra những chủ trương, quyết sách định hướng phát triển tổng thể cho tương lai. Thế hệ lãnh đạo thứ năm ở Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới khi mà tốc độ tăng trưởng thần kỳ trên 8%/năm kéo dài suốt 10 năm qua có thể sẽ không còn.

Theo số liệu thống kê, hai quý trước khi diễn ra Đại hội 18, lần đầu tiên sau 3 năm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc quay trở về dưới ngưỡng 8%/năm, làm dấy lên lo ngại kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng”.

Trước thực trạng này, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay ở mức 7,5% và duy trì mức tăng trung bình năm 7% trong suốt thời gian thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 12.

Sự điều chỉnh này cho thấy chính phủ Trung Quốc đã sớm có sự chuẩn bị cho khả năng kinh tế giảm tốc và chủ động điều chỉnh thuận theo xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc suy thoái sâu năm 2008 - 2009 và khủng hoảng nợ công vẫn tiếp tục đeo bám châu Âu.

Theo kế hoạch, tại Đại hội, ĐCS Trung Quốc sẽ đề ra các mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo nền kinh tế sẽ tạo ra 25 triệu việc làm/năm, đồng thời thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách phát triển giữa các vùng miền nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn xã hội, tiến tới xây dựng thành công xã hội hài hòa khá giả vào năm 2020.

Với tinh thần đó, người dân Trung Quốc đang rất kỳ vọng vào thành công của Đại hội, một sự kiện chính trị trọng đại giúp ĐCS Trung Quốc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách chính trị sâu rộng trong mọi cấp và ừng bước cải thiện cuộc sống dân sinh vì một xã hội ổn định, công bằng và thịnh vượng hơn.

Việt Giang