1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khả năng chiến tranh với Iran nếu ông Trump tái cử

Kết thúc năm 2019 với những diễn biến đáng lo ngại trong quan hệ giữa Mỹ và Iran, hai nước nhiều khả năng sẽ chạm đến bờ vực chiến tranh vào năm sau nếu không có biện pháp xuống thang căng thẳng.

Truyền thông Iran ngày 25-12 dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Xúc tiến thương mại Iran (TPO) Hamid Zadboum cho biết lĩnh vực xuất khẩu phi dầu mỏ của nước này đã ghi nhận những kết quả rất tích cực trong bối cảnh Tehran phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ, theo tạp chí The National Interest.

Năm 2018, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1, thực hiện chiến lược “áp lực tối đa” với các biện pháp trừng phạt kinh tế, răn đe quân sự trong hơn một năm qua. Hai bên đã nhiều lần va chạm, khiêu khích lẫn nhau và những động thái này đã khiến khu vực vùng Vịnh trong năm 2019 nóng lên với những lo ngại về cuộc đối đầu quân sự cận kề.

Tới thời điểm này, một cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Iran là khó xảy ra trong năm nay nhưng theo giới phân tích, nếu ông Donald Trump thắng cử nhiệm kỳ hai sau tháng 11-2020, có thể Mỹ sẽ tấn công quân sự chống lại Iran.

Nhìn lại Mỹ-Iran năm 2019

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã trở nên trầm trọng hơn khi chính quyền Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018 và áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, tăng cường triển khai quân sự ở Trung Đông như một phần của chiến lược “áp lực tối đa”. Mỹ bắt đầu đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran từ năm 1979 nhưng việc đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran - lực lượng vũ trang của một đất nước vào danh sách đen của các tổ chức khủng bố là một sự kiện chưa từng có.

Khu vực hàng hải vùng Vịnh và eo biển Hormuz cũng nóng lên với các vụ tấn công tàu chở dầu, bắt giữ tàu chở dầu. Cùng với việc điều tàu chiến tới vùng Vịnh, Mỹ và các nước phương Tây kêu gọi thành lập liên minh hải quân ở vùng Vịnh để tiến hành một cuộc chiến tâm lý với Iran.

Sáng kiến hình thành liên minh quân sự Arab (NATO Arab) cũng được thúc đẩy như là một phần của chiến lược gây sức ép đối với Iran.

Phản ứng trước những khiêu khích của Iran ở vùng Vịnh và Trung Đông là một thách thức đối với Washington. Các nhà hoạch định chính sách nước này thường sợ thực hiện bất kỳ hành động nào vì điều này có thể kéo Mỹ vào cuộc chiến với Iran, điều mà mọi tổng thống Mỹ đều tìm cách tránh từ năm 1979.

Iran cũng cứng rắn và phản ứng mạnh mẽ trước các hành động này của Mỹ và đồng minh. Iran tuyên bố không muốn chiến tranh nhưng sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào. Nước này cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ là “khủng bố kinh tế gây hại cho người dân” và tuyên bố tình trạng khẩn cấp để vô hiệu hóa bất kỳ mối đe dọa quân sự nào ở vùng Vịnh.

Khả năng chiến tranh với Iran nếu ông Trump tái cử - 1

Hai tiêm kíchF/A - 18E/F Super Hornet xuất kích từ tàu sân bay USS Abraham Lincoln khi tàu này đang di chuyển tới vùng Vịnh hồi tháng 4-2019. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Iran tuyên bố sẵn sàng đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz, nơi có tới 1/3 lượng dầu xuất khẩu ra thế giới, bốn lần cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015 khiến dư luận lo ngại việc tiến tới sản xuất vũ khí hạt nhân là rất gần. Cùng với đó, các đồng minh của Iran ở Iraq, Syria, Yemen và Lebanon cũng sẵn sàng tấn công các mục tiêu và các đồng minh của Mỹ ở khu vực.

Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích dự báo rằng dù Mỹ và Iran căng thẳng, huy động quân sự nhưng khả năng một cuộc chiến xảy ra là rất thấp. Những tuyên bố cứng rắn hoặc cảnh báo mà các bên đưa ra được cho là một đòn tâm lý chiến. Thực tế cả hai bên đều không muốn phát động chiến tranh, ít nhất là thời điểm này, thay vì gây sức ép lẫn nhau.

Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, trừng phạt Iran, triển khai quân sự tới vùng Vịnh… được cho là chiến lược của ông Donald Trump với việc thực hiện khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” nhằm lấy uy tín với cử tri trước cuộc bầu cử năm 2020, lấy uy tín với đồng minh trong khu vực Arab và Israel, đó là chưa kể các hợp đồng bán vũ khí cho các nước trong khu vực chảo lửa này.

Iran cũng dự báo được việc Mỹ phát động chiến tranh là rất thấp nên vừa đáp trả cứng rắn vừa tìm kiếm sự cân bằng đối trọng khi gây áp lực lên phương Tây với việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, tăng cường ngoại giao với Nam Á, châu Á và cả Mỹ Latin. Iran sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ đa phương với các quốc gia đã ký thỏa thuận hạt nhân: Liên minh châu Âu, Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc và Nga, đồng thời tin rằng ngoại giao sẽ giúp giảm bớt sự thất bại của chính sách gây áp lực tối đa.

Nếu Mỹ sẵn sàng gạt sang một bên các lệnh trừng phạt thì chúng tôi sẵn sàng đàm phán và thương lượng, kể cả ở cấp lãnh đạo nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức).

Tổng thống Iran HASSAN ROUHANI 

Để dự đoán năm 2020

Theo các chuyên gia, những động thái vừa qua cho thấy Iran đủ sức chịu đựng sức ép của Mỹ và dường như đang chờ đợi cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của ông Donald Trump với hy vọng một tổng thống dân chủ lên nắm quyền vào năm 2020 sẽ phục hồi thỏa thuận hạt nhân 2015. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump và các đồng minh phải đối mặt với một quyết định khó khăn. Bất kỳ chính sách nào không thể không tính đến các hậu quả, theo nhận định của tờ The Washington Post.

Hiện tại, lựa chọn khả thi duy nhất cho cộng đồng quốc tế, chính quyền Donald Trump, các đảng chính trị Mỹ và xã hội Mỹ là răn đe. Nhưng răn đe có thể đạt được thông qua nỗ lực xây dựng một liên minh an ninh hàng hải quốc tế ở vùng Vịnh và biển Oman, gửi lực lượng đến Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, có rất ít cơ hội tấn công quân sự nhưng ông Donald Trump đã nói không vội.

Một số nhà phân tích cho rằng hiện tại vấn đề hạt nhân sẽ được cả Mỹ và Iran sử dụng như một “trò chơi” lúc mềm lúc rắn. Nhưng sau cuộc bầu cử tháng 11-2020, nếu thắng cử nhiệm kỳ có thể ông Donald Trump sẽ sẵn sàng tấn công các cơ sở của Iran như nước này đã làm trong năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Ronald Wilson Reagan năm 1988.

Iran bất ngờ tập trận với Nga, Trung

Hãng tin AP ngày 25-12 dẫn lời phát ngôn viên quân đội Iran Abolfazl Shekarchi cho biết Nga, Trung, Iran sẽ lần đầu tiên tổ chức tập trận chung trong bốn ngày, bắt đầu từ ngày 28-12.

Đây sẽ là lần đầu tiên tập trận giữa hải quân Iran, Trung Quốc và Nga được tổ chức giữa lúc Tehran tăng cường hợp tác quân sự với Bắc Kinh và Moscow, trong khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran. Những năm gần đây, các đại diện lực lượng hải quân Nga và Trung Quốc tăng cường các chuyến thăm tới Iran. Năm 2017, Iran đã tiến hành tập trận chung với Trung Quốc gần eo biển chiến lược Hormuz. 

Theo Vĩ Cường

Pháp luật TP. HCM