1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kết thúc hội nghị cấp cao liên Triều: "Tiến" mà không "tiến"

(Dân trí) - Ngày 4/10, hai miền Triều Tiên đã kết thúc cuộc họp cấp cao hiếm hoi trong bối cảnh Hàn Quốc tuyên bố cuộc họp này đã đạt được tiến bộ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, cuộc họp dường như không đem lại gì ngoài tuyên bố mơ hồ về việc mang lại hòa bình và thịnh vượng cho một bán đảo bị chia cắt từ Chiến tranh Thế giới II.

Phát biểu với các phóng viên tại Seoul, Kim Jeong-suob, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, nói: "Đây là sự kiện sẽ mở ra một thời kỳ mới giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc".

 

Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã nhất trí tìm cách mang lại hòa bình cho đường biên giới cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lạnh này.

 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng những cam kết tại hội nghị cấp cao lần thứ hai giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc là rất hạn chế.

 

Trong một tuyên bố chung được đưa ra cuối cuộc họp kéo dài ba ngày ở Bình Nhưỡng, Tổng thống Roh Moo-hyun và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, Kim Jong-il nói: "CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc cùng chia sẻ quan điểm rằng hai nước phải chấm dứt tình trạng đình chiến hiện nay và thiết lập một chế độ hòa bình lâu dài".

 

Nhận xét về cuộc họp trên, Paik Hak-soon, nhà phân tích về CHDCND Triều Tiên thuộc Viện Sejong ở Seoul, nói: "Nếu xem xét hệ thống chính trị của họ (CHDCND Triều Tiên), người ta không thể nghĩ rằng các cuộc hội đàm, với sự tham dự của nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-il, sẽ thất bại mà không đạt được bất kỳ kết quả nào. Đó là tất cả các phần trong chiến lược của CHDCND Triều Tiên nhằm tồn tại và trở nên thịnh vượng trong thế kỷ 21 và nó bao gồm việc bình thường hóa quan hệ với cả Hàn Quốc và Mỹ".

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng một khi Bình Nhưỡng thiết lập quan hệ với Washington, CHDCND Triều Tiên sẽ không bị cô lập và có thể tham gia trực tiếp vào nền kinh tế toàn cầu.

 

Tạo thêm điểm nhấn cho các cuộc họp này, chiều 3/10, Trung Quốc tuyên bố CHDCND Triều Tiên đã nhất trí với các cường quốc khu vực sẽ giải giáp các cơ sở hạt nhân của nước này vào cuối năm nay, một bước tiến lớn trong việc bình thường hóa quan hệ với thế giới bên ngoài.

 

Theo một thỏa thuận được Trung Quốc tiết lộ, CHDCND Triều Tiên đã đồng ý giải giáp ba cơ sở hạt nhân chính của nước này ở Yongbyon và sẽ đưa ra một tuyên bố "hoàn chỉnh và đúng đắn" về tất cả các chương trình hạt nhân của họ vào cuối năm nay.

 

Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, bị chỉ trích ở trong nước vì đã nhất trí tham gia cuộc họp cấp cao mà hầu như chẳng đem lại kết quả gì, nói rằng điều đó sẽ giúp mang lại hòa bình cho bán đảo bị chia cắt này và cho nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên.

 

 

Tuy nhiên, những người chỉ trích Tổng thống Roh Moo-hyun cho rằng hội nghị này chẳng làm được gì để cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên ngoài việc tìm cách thúc đẩy các đồng minh tự do của ông, những người đang tụt hậu nghiêm trọng trong các cuộc thăm dò ý kiến trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12 tới, cuộc bầu cử mà ông không được phép tham gia.

 

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù so với Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên, tuyên bố của hội nghị lần hai có chi tiết và đề cập đến nhiều vấn đề lớn hơn, nhưng không có nghĩa là nó sẽ có tính thực thi cao hơn.

 

Bởi xét cho cùng cả hai nhà lãnh đạo đều đã đạt được mục đích của mình. Ông Roh Moo-hyun thì đã ghi danh vào lịch sử là nhà lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên đi bộ qua đường biên giới chia cắt giữa hai miền, tạo được ấn tượng tốt đối với những người Hàn Quốc đang khát khao muốn thống nhất hai miền Triều Tiên, qua đó giúp gia tăng sự ủng hộ đối với các đồng minh tự do của ông trong cuộc bầu cử tổng thống tới.

 

Ông Kim Jong-il thì đã nhận được các lợi ích kinh tế mà ông muốn. Còn việc ông có thực thi các cam kết hay không vẫn còn nằm ở thời tương lai.

 

Kiến Văn