Mỹ - Trung Quốc cạnh tranh về đội tàu hải quân
(Dân trí) - Hải quân Mỹ, mặc dù lớn thứ hai trên toàn cầu, đang phải cạnh tranh với một hạm đội Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, với hơn 700 tàu.
Mặc dù số lượng đóng vai trò đáng kể nhưng chất lượng công nghệ, đào tạo và kinh nghiệm tác chiến giúp Hải quân Mỹ vẫn có lợi thế trước đối thủ tiềm tàng.
Mỹ sở hữu 238 tàu chiến đang hoạt động và nhiều chiếc nữa đang được đóng hoặc đặt hàng. Kho vũ khí của Hải quân Mỹ bao gồm 75 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, 13 tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và hạm đội tàu ngầm đáng gờm bao gồm 68 tàu, chứa đựng đầy đủ tính ưu việt về công nghệ của hải quân.
Những "viên ngọc quý" của hạm đội - 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân - chứng tỏ khả năng triển khai sức mạnh chưa từng có, bất chấp các biện pháp đối phó của Trung Quốc nhằm vô hiệu hóa lợi thế này.
Hải quân Mỹ hiện là lực lượng lớn thứ hai trên thế giới, sau đối thủ Trung Quốc. Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào lực lượng trên biển để đề phòng một cuộc xung đột trong tương lai với Mỹ và phương Tây ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Quả thực, Hải quân Trung Quốc hiện trang bị hơn 700 tàu chiến và tàu hỗ trợ. Mỹ đang cố gắng duy trì đủ số lượng tàu chiến để cạnh tranh với đối thủ này.
Tất nhiên, số lượng không đánh bại được chất lượng công nghệ và đào tạo hoặc kinh nghiệm vận hành. Về mặt đó, Mỹ sở hữu nhiều lợi thế hơn đối thủ tiềm tàng.
Hải quân Mỹ tuy nhỏ hơn nhưng vẫn duy trì năng lực vượt trội
Mỹ sở hữu 238 chiến hạm đang hoạt động, ngoài ra còn thêm 50 tàu dự bị, đồng thời đang đóng 50 chiếc và 36 chiếc nữa đang được đặt hàng.
Về các lực lượng tác chiến mặt nước chủ yếu, xương sống của Hải quân Mỹ chủ yếu dựa vào các tàu tuần dương và tàu khu trục được dẫn đường bằng tên lửa. Những chiến hạm kể trên được trang bị hỏa lực đáng kể và đủ sức thực hiện các nhiệm vụ phòng không, tấn công mặt đất và tấn công hải quân.
Hải quân Mỹ đang biên chế 75 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, trong đó có 73 tàu lớp Arleigh-Burke và 2 tàu lớp Zumwalt cùng 13 tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường, tất cả đều thuộc lớp Ticonderoga.
Khi nói đến tàu ngầm, Mỹ sở hữu hạm đội mạnh nhất và công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Với 68 tàu ngầm (50 tàu tấn công, 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và 4 tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường), có thể đánh chìm tàu chiến của đối phương cũng như góp phần răn đe chiến lược của đất nước thông qua các tàu ngầm có khả năng tấn công hạt nhân.
Trung tâm của Hải quân là 11 siêu tàu sân bay, gồm 1 chiếc lớp Ford và 10 chiếc lớp Nimitz. Những hàng không mẫu hạm này có thể phô diễn sức mạnh mà không hệ thống vũ khí thông thường nào khác có được. Mỗi chiếc mang theo gần 100 máy bay chiến đấu, các tàu sân bay có thể quyết định diễn biến của một cuộc xung đột hải quân.
Tất cả các tàu sân bay Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng năng lượng hạt nhân để hạn chế các vấn đề về bảo trì và cung cấp.
Trung Quốc đã nhận ra mối đe dọa mà các tàu sân bay này hiện diện. Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào các hệ thống Chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) nhằm mục đích ngăn cản các tàu sân bay Mỹ tham chiến, do đó làm mất đi lợi thế của chúng.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ lại có 21 tàu tấn công đổ bộ. Những con tàu này chở Thủy quân lục chiến tham gia chiến đấu, nhưng chúng có thể đóng vai trò là tàu sân bay hạng nhẹ nếu cần thiết.
Tàu chiến mới nhất trong kho vũ khí của Hải quân Mỹ là tàu chiến ven biển - được thiết kế cho các hoạt động gần bờ - gồm 16 chiếc lớp Independence và 11 chiếc thuộc lớp Freedom.
Mặc dù không được trang bị vũ khí hạng nặng như các tàu tuần dương hoặc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, các tàu tác chiến ven biển có những công dụng riêng và chúng có thể giải phóng các tàu chiến được trang bị vũ khí hạng nặng hơn cho các nhiệm vụ khác.
Hải quân Mỹ đang mở rộng hạm đội, hướng tới lực lượng gần 400 tàu chiến nhưng họ sẽ mất nhiều năm và nhiều tiền để đạt được điều đó.