1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủ tướng: Tây Ninh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu

An Huy

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Tây Ninh có tiềm năng lớn phát triển kinh tế cửa khẩu, đặc biệt khi thương mại với Campuchia đang tăng rất nhanh, là điểm kết nối với một số nước Đông Nam Á.

Chiều 5/5, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ

Lấy công nghiệp, du lịch làm động lực

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết, quy hoạch tỉnh Tây Ninh được lập trên cơ sở kế thừa và phát huy các định hướng phát triển của tỉnh qua các thời kỳ.

Với mục tiêu đến năm 2030, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Thủ tướng: Tây Ninh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị (Ảnh: Xuân Trường).

Đến năm 2050, Tây Ninh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng. Tây Ninh lấy công nghiệp và dịch vụ du lịch làm động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới. Nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, văn minh; khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức phát huy mạnh mẽ; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội toàn diện; quốc phòng được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tỉnh đề ra 7 đột phá chiến lược, gồm: Đột phá về phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; cải cách thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh;  phát triển du lịch và phát triển kinh tế dịch vụ.

Quy hoạch tỉnh với phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội  theo 3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội.

Các vùng phát triển gồm, vùng 1: Thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu, là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ.

Vùng 2: TP Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Vùng 3: Huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng đến an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ Đông.

Thủ tướng: Tây Ninh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu - 2

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030 (Ảnh: Xuân Trường).

4 trục động lực gồm: Trục số 1 với tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc - Nam chính của tỉnh. Trục số 2 gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 22, hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Capuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với quốc lộ 13, quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.

Trục số 3 gắn với tuyến đường Đất Sét - Bến Củi - Bến Cầu là tuyến đường vành đai trung chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campucchia, kết nối với TPHCM thông qua các nút giao với đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.

Trục số 4 gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.

Vành đai an sinh xã hội gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng bằng sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ quốc phòng - an ninh và an sinh cho vùng phía Bắc.

"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa"

Về phương án phát triển hệ thống đô thị đến năm 2030, ông Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, tỉnh phấn đấu có 16 đô thị: 1 đô thị loại II (TP Tây Ninh); 3 đô thị loại III (Trảng Bàng, Hòa Thành, Gò Dầu); 5 đô thị loại IV (Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, 2 đô thị mới Bến Cầu, Dương Minh Châu) và 7 đô thị mới loại V thuộc huyện Tân Biên, Tân Đông, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu và Thái Bình, Thanh Điền thuộc huyện Châu Thành.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với nội dung hội nghị; bày tỏ sự ấn tượng với khát vọng, ý chí, quyết tâm của Đảng bộ chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh trong các thời kỳ và trong xây dựng, triển khai quy hoạch; phân tích và nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm.

Thủ tướng: Tây Ninh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa và trao quyết định quy hoạch (Ảnh: Xuân Trường).

Thủ tướng khẳng định, quy hoạch dựa vào tư duy mới, cách làm mới để tạo ra giá trị mới. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác quy hoạch được tiến hành đồng bộ, tổng thể, bao trùm, toàn diện, đã hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch vùng; việc quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ.

Theo Thủ tướng, Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế. Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế năng động - đầu tàu kinh tế của cả nước; là tỉnh biên giới có vị trí địa chính trị quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, là "phên dậu" hướng Tây Nam của Tổ quốc; vai trò kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam Bộ và hành lang kinh tế xuyên Á.

Tây Ninh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, đặc biệt khi thương mại với Campuchia đang tăng rất nhanh, là điểm kết nối trực tiếp và gián tiếp với một số nước Đông Nam Á. Tây Ninh hội đủ 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững.