1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kéo truyền thông vào cuộc, con bài chiến thuật mới của Mỹ ở Biển Đông

Lần đầu tiên Lầu Năm Góc tạo điều kiện cho báo chí vào cuộc nhằm nâng cao nhận thức về những thách thức đang nóng dần lên ở khu vực Biển Đông.

Một nhóm phóng viên của CNN đã nhận được sự cho phép đặc biệt để tham gia vào các chuyến bay giám sát của hải quân Mỹ xung quanh khu vực các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo trên Biển Đông.
 
Đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc tạo điều kiện cho báo chí vào cuộc nhằm nâng cao nhận thức về những thách thức đang nóng dần lên ở khu vực Biển Đông.

Phóng viên CNN trên máy bay trinh sát Mỹ. (
Phóng viên CNN trên máy bay trinh sát Mỹ. (Ảnh chụp từ clip của CNN)

Phóng viên CNN đã có mặt trên chiếc máy bay trinh sát tiên tiến của Mỹ P8-A Poseidon, và nhanh chóng cung cấp đến những độc giả trên khắp thế giới những tin tức nóng hổi, độc quyền về những câu chuyện đang diễn ra trên khu vực “nhạy cảm” vì tranh chấp.

Theo thông tin độc quyền của hãng tin tức Mỹ CNN, Hải quân Trung Quốc đã phát đi cảnh báo 8 lần liên tiếp khi một máy bay P8-A Poseidon của Mỹ lượn sát bên trên 1 hòn đảo mà Bắc Kinh đã cải tạo từ bãi ngầm trên khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) với mục tiêu mở rộng vùng ảnh hưởng.

Đáp lại các thông báo xua đuổi từ phía Trung Quốc, các phi công Mỹ trả lời rất điềm tĩnh và thống nhất rằng, P8 đang bay qua không phận quốc tế. Câu trả lời đôi khi khiến người phụ trách điện đài của phía Trung Quốc chán nản, CNN cho biết.

Đưa truyền thông tham gia vào cuộc đối đầu đang ngày càng căng thẳng ở Biển Đông rất có thể là “con bài chiến thuật mới của Mỹ”.
 
Tờ "Hoàn Cầu" của Trung Quốc ngày 21/5 đã ngay lập tức có một bài phân tích “ý đồ” của Mỹ khi cho phép phóng viên CNN đưa tin về Biển Đông. Tờ báo này đã dẫn lời của chuyên gia Hải quân Trung Quốc Lý Kiệt chỉ trích rằng, quân đội Mỹ phát sóng tư liệu video là “cố ý tiết lộ sự việc” với mục đích “biến việc nội bộ của Trung Quốc thành việc quốc tế” và “lôi kéo các nước liên quan gây áp lực lên Trung Quốc”.

Giọng điệu chỉ trích của tờ báo này cho thấy sự “lo lắng” từ phía Trung Quốc bởi họ hiểu rõ sức mạnh truyền thông của Mỹ lớn đến như thế nào.

Sức mạnh của truyền thông Mỹ

Tại sao Lầu Năm Góc chọn lựa và tin cậy ở CNN để đưa thông tin ở Biển Đông? CNN (Cable News Network) là một mạng truyền hình cáp Hoa Kỳ được thành lập năm 1980 bởi Ted Turner và là một nhánh của Turner Broadcasting System, do tập đoàn Time Warner sở hữu.

CNN giới thiệu tin tức 24 giờ/ 1 ngày và 7 ngày/1 tuần. Tin tức được cập nhật liên tục về các lĩnh vực nóng hổi trên toàn thế giới vì CNN có rất nhiều đài truyền hình dịch vụ. Tính đến nay, CNN đã có 35 năm trong nghề.

Tháng 12/2004, CNN đã có 88,2 triệu gia đình người Mỹ và 890.000 văn phòng, khách sạn thuê bao; CNN đã có mặt trên 212 nước và có 1,5 tỷ người. Mạng lưới tin tức của CNN rộng khắp trên thế giới và hoạt động 24/7 với tất cả thiết bị và kỹ thuật hiện đại nhất.

Thực tế cho thấy, tin tức do CNN đăng tải về vụ chạm trán giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc trên không phận Biển Đông ngay lập tức được quan tâm. Nhiều hãng tin khác đã đăng tải lại thông tin từ CNN, trong đó có cả những hãng tin lớn như AP, Reuters… Như vậy, số lượng người biết đến tin tức ở Biển Đông sẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần nữa.

Truyền thông vào cuộc, Mỹ sẽ giành ưu thế?

Chiến thuật sử dụng truyền thông trong chính trị của Mỹ vốn không phải là điều mới. Mỹ đã sử dụng truyền thông nhiều lần trong các hoạt động chính trị.

Tuy nhiên, không phải hoạt động chính trị nào cũng được chính phủ Mỹ nhờ cậy đến truyền thông mà chỉ những sự kiện có tầm quan trọng nhất định Mỹ mới tạo điều kiện để phát huy tối đa “lá bài chiến thuật” này.

Vào cuối năm 2006, nhận thấy sức mạnh to lớn của truyền thông, quân Mỹ tuyên bố thành lập “lực lượng tác chiến truyền thông”. Lực lượng này chủ yếu chiến đấu quyết liệt trên mạng internet, nhưng khác với “lực lượng tác chiến mạng”, họ hoàn toàn không thực hiện nhiệm vụ tin tặc (hacker), mà dốc sức cho công bố thông tin trên mạng để xây dựng hình tượng tốt đẹp cho các hành động quân sự của Mỹ, đồng thời giám sát các thông tin truyền thông của các nước chủ yếu trên thế giới, tiến hành đáp trả có hiệu quả đối với những dư luận gây bất lợi cho quân Mỹ, kiểm soát hiệu ứng tiêu cực lan tràn.

Hình ảnh Trung Quốc xây đảo trái phép trên Biển Đông do hãng tin CNN chụp lại
Hình ảnh Trung Quốc xây đảo trái phép trên Biển Đông do hãng tin CNN chụp lại

Đặc biệt, năm 2011, quân Mỹ xây dựng mới Cục Truyền thông Quốc phòng, phụ trách tiến hành quản lý và điều hành đối với tất cả các nguồn lực truyền thông trong nội bộ quân Mỹ, tiến hành phối hợp và quy hoạch tốt hơn đối với các phương tiện truyền thông trong quân đội.

Quay trở lại với vấn đề Biển Đông, những động thái gần đây của Mỹ cho thấy mối quan tâm của nước này đối khu vực không hề nhỏ. Mỹ cũng đã nhiều lần khẳng định rằng vùng biển này gắn với “lợi ích cốt lõi” của nước Mỹ. Việc Trung Quốc ngang nhiên cải tạo bãi đá, từng bước hiện thực hóa tham vọng “nuốt trọn Biển Đông” hẳn đã đánh động đến chính quyền Washington.

Trong tương lai, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chưa thể giải quyết được trong thời gian ngắn nhưng chắc chắn truyền thông sẽ là một lực lượng quan trọng hỗ trợ cho những kế hoạch sắp tới của Mỹ./.
Theo Phương Chi/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm