1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Kẻ thù" nguy hiểm đe dọa cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Đông Nam Á

Đức Hoàng

(Dân trí) - Vấn nạn tin giả, tin sai sự thật tràn lan dẫn tới tâm lý bài xích vắc xin đang gây đe dọa cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Đông Nam Á giữa lúc đại dịch đang lây lan nhanh.

Kẻ thù nguy hiểm đe dọa cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Đông Nam Á - 1

Tâm lý bài xích vắc xin vì tin giả đang đặt ra thách thức lớn tại các nước Đông Nam Á (Ảnh minh họa: Reuters).

Dù Gerry Casida nằm trong danh sách ưu tiên được tiêm chủng miễn phí vắc xin Covid-19 ở Philippines vì mắc bệnh hen suyễn, ông vẫn không có kế hoạch thực hiện việc này. Một trong những yếu tố tác động tới sự chần chừ của Casida là một đoạn video ông xem được trên mạng xã hội cho thấy một phụ nữ nói rằng vắc xin được sử dụng vì mục đích "diệt chủng".

"Tôi đọc nhiều bài đăng trên Facebook về việc bao nhiêu người đã chết ở các quốc gia vì vắc xin và việc những thông tin đó đã bị ém nhẹm như thế nào. Mẹ tôi cũng đi hỏi một người làm nghề chữa bệnh bằng phương pháp dân gian và người đó nói rằng vắc xin có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi", Casida, 43 tuổi, một công nhân xây dựng ở Manila, cho biết.

Theo Bloomberg, nhiều người giống Casida, đang sống tại những điểm nóng Covid-19 ở Đông Nam Á, tỏ ra thờ ơ với việc tiêm chủng hoặc đơn giản là nói "không" với vắc xin. Vấn nạn tin giả, tin thất thiệt trên mạng xã hội và trong dư luận đang tác động nghiêm trọng khiến nhiều người nảy sinh tâm lý bài vắc xin.

Những thông tin sai lệch đang gây ảnh hưởng tới nỗ lực của các quốc gia trong việc tiêm chủng cho những cộng đồng dễ tổn thương nhất ở Đông Nam Á giữa lúc dịch bệnh đang lây lan chóng mặt.

Một số khảo sát được thực hiện gần đây cho thấy thực trạng đáng báo động. Ví dụ, tại Philippines, 68% người được công ty Social Weather Stations khảo sát cho biết rằng họ không chắc chắn hoặc không sẵn sàng với việc tiêm chủng. Tại Thái Lan, khảo sát do Suan Dusit thực hiện cho thấy 1/3 người được hỏi nghi ngờ hoặc từ chối tiêm chủng. Một nghiên cứu thực hiện ở Indonesia cho thấy, gần 20% người tham gia ngần ngại việc tiêm chủng.

"Các tư liệu tuyên truyền bài xích vắc xin đang gây ô nhiễm truyền thông. Đại dịch tin giả đang tập trung vào việc phát tán những ý kiến sai lệch về vắc xin, gây ra nỗi sợ hãi ở mọi người", Melissa Fleming, quan chức truyền thông cấp cao ở Liên Hợp Quốc, nói hồi tháng 5.

Trên mạng xã hội, tin giả về vắc xin tràn ngập, ví dụ một đoạn video nói vắc xin sẽ làm người tiêm có từ tính. Tại Malaysia, những thông tin thất thiệt về vắc xin lan truyền trên các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp. Hàng loạt thuyết âm mưu ra đời, trong đó có thông tin sai lệch nói rằng vắc xin chứa các vi mạch dùng để thu thập dữ liệu sinh trắc học của người tiêm. 

Thách thức của chính phủ

Tâm lý bài xích vắc xin đang đặt ra thách thức cho các chính phủ trong việc vận động người dân đi tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Theo Bloomberg, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang kẹt trong thế bế tắc khi bùng nổ các ổ dịch do các biến chủng dễ lây lan hơn, tốc độ tiêm chủng chậm chạp vì các nước giàu đã thu gom hầu hết vắc xin trong khi biên giới bị đóng cửa do dịch bệnh. Các chuyên gia nhận định, miễn dịch cộng đồng thông qua vắc xin là cứu cánh cho các quốc gia này sớm mở cửa kinh tế trở lại.

Hồi tháng 2, Malaysia đã phải lên tiếng trấn an công chúng rằng vắc xin Covid-19 không chứa vi mạch. Ngay cả ở Singapore, những người trẻ có học thức cũng trở thành nạn nhân của tin giả, theo Leong Hoe Nam, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena.

Hồi tháng 5, một lá thư mở từ cộng đồng bác sĩ Singapore đã bày tỏ băn khoăn về công nghệ vắc xin mRNA, trong đó có thuyết âm mưu về vắc xin này. Vụ việc đã thổi bùng lên làn sóng chỉ trích từ Bộ Y tế đảo quốc, khiến nhóm bác sĩ sau đó phải rút lại thông tin trên.

Ngoài tin giả, sự ngần ngại trong việc tiêm chủng còn xuất phát từ việc nhiều người dân muốn chọn vắc xin để tiêm. Tại các nước có nguồn cung vắc xin hạn chế và chỉ có một lựa chọn duy nhất để cung cấp, nhiều người dân không muốn tiêm chủng vì họ muốn đợi các liều vắc xin có hiệu quả cao hơn, giống các loại mà các quốc gia giàu có phương Tây đã tiêm chủng.

Tại Thái Lan, nhiều người từ chối tiêm các vắc xin mà nước này đang triển khai tiêm chủng. Trong khi đó, tại Philippines, một khảo sát cho thấy gần 50% người dân nói rằng họ tin nhất vắc xin do Mỹ sản xuất nhưng nguồn cung của những chế phẩm này rất hạn chế.

Nhiều chính quyền đã phải tung ra các biện pháp tặng quà như bò, gà.. để kêu gọi dân đi tiêm chủng. Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte thậm chí dọa bỏ tù những người không tiêm chủng.

Các chuyên gia cho rằng, trong lúc dịch bệnh lây nhiễm phức tạp, các vắc xin dù hiệu quả thấp hơn loại khác cũng rất đáng để tiêm chủng vì chúng vẫn có khả năng giúp người được tiêm không bị mắc bệnh hoặc giúp bệnh không trở nặng hoặc dẫn tới tử vong nếu mắc Covid-19.