1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hối tiếc muộn màng của những người Mỹ "bài xích" vắc xin Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều người Mỹ đã hối tiếc khi chứng kiến người thân hoặc chính họ trở thành nạn nhân của Covid-19 vì tâm lý bài vắc xin.

Hối tiếc muộn màng của những người Mỹ bài xích vắc xin Covid-19 - 1

Mỹ hiện đã vượt mốc 600.000 người chết vì Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Tháng trước, Mike Lewis Jr. đang trò chuyện với bác sĩ thì nghe thấy tiếng bíp đột ngột và dồn dập của hệ thống máy móc y tế.

Cha của Lewis Jr., ông Mike Lewis, khi đó đang điều trị Covid-19 tại một bệnh viện ở St. Petersburg, Florida. Bác sĩ gọi cho Lewis Jr. thông báo tim của cha anh đã ngừng đập vào đầu giờ sáng nhưng họ đã cố gắng cứu ông và buộc phải gắn máy thở cho ông Lewis.

Trong cuộc gọi đó, tim của ông Lewis lại tiếp tục ngừng đập. Lewis Jr. mô tả rằng anh đã nghe thấy những âm thanh hỗn loạn trong khu cấp cứu và rơi nước mắt trước khoảnh khắc mà anh mô tả là "sợ hãi và kinh hoàng".

Nửa tiếng sau, bác sĩ nhấc điện thoại gọi cho Lewis Jr. để báo tin buồn rằng cha của anh đã qua đời ở tuổi 58, chỉ 4 ngày sau khi ông được chẩn đoán mắc Covid-19.

Lewis Jr., 37 tuổi, giờ đây trở thành một trong hàng chục nghìn người Mỹ đối diện với sự mất mát đau đớn người thân, những người không chịu tiêm chủng dù vắc xin Covid-19 đã có sẵn. Ông Lewis không coi việc tiêm vắc xin là ưu tiên hàng đầu.

Giống cha mình, Lewis Jr. cũng băn khoăn về việc tiêm vắc xin do lo ngại những tác dụng phụ của các chế phẩm này. Tuy nhiên, cái chết chóng vánh của cha giống như một hồi chuông cảnh tỉnh với Lewis Jr., khiến cả anh và vợ đã ngay lập tức đặt lịch tiêm chủng.

"Bạn cần phải làm những điều cần thiết để đảm bảo bạn có thể sống sót qua thời điểm (dịch bệnh) này. Vì cha tôi đã qua đời rồi", Lewis Jr. nói trong cảm giác ân hận và tiếc nuối.

Tâm lý e ngại 

Hối tiếc muộn màng của những người Mỹ bài xích vắc xin Covid-19 - 2

Tâm lý ngại tiêm vắc xin vẫn tồn tại ở một bộ phận người Mỹ (Ảnh: Reuters).

Bất chấp việc Mỹ đã tăng tốc sản xuất và phân phối vắc xin rộng khắp cho người dân, nhiều người Mỹ vẫn thờ ơ với việc tiêm chủng, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới còn đang không có hàng để mua.

Từ giữa tháng 4, Mỹ tiêm trung bình 3,4 triệu liều vắc xin mỗi ngày. Đến 15/6, con số này tụt mạnh xuống 600.000. Nhu cầu tiêm vắc xin giảm mạnh mẽ dù Mỹ mới tiêm được ít nhất 1 liều cho 64,6% dân số trưởng thành.

Các chính quyền địa phương tìm mọi cách để vận động dân đi tiêm chủng, như tổ chức xổ số vắc xin, bốc thăm tặng quà, đưa ra hàng loạt ưu đãi. Các tổ chức tôn giáo địa phương, lãnh đạo cộng đồng tích cực vận động người dân đi tiêm chủng để bảo vệ chính bản thân họ trước những mối lo ngại về vắc xin.

Lý do của việc không muốn tiêm vắc xin Covid-19 rất đa dạng. Ở Pasadena, Maryland, chồng của bà Michele Preissler, ông Darryl, đã tính tới việc đi tiêm vắc xin. Nhưng Darryl lo lắng về tác động của nó đối với cơ thể, khi ông đang uống thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh viêm khớp.

Darryl, 63 tuổi, đã đi dự một đám cưới vào tháng 4 và đổ bệnh một tuần sau đó. Ông đã nằm viện 1 tháng, trước khi thất bại trong cuộc chiến với Covid-19 vào ngày 22/5.

Michele mô tả cuộc chiến với bệnh tật của chồng giống như "chơi tàu lượn siêu tốc từ địa ngục", khi có lúc Darryl trở nên khá hơn trước khi tình hình tồi tệ đi nhanh chóng. Cuối cùng ông bị đột quỵ và qua đời trong đau đớn.

Michele, người làm việc trong ngành y, đã đi tiêm chủng vào tháng 3. Bà nói rằng chồng bà bận bịu với công việc và bà cảm thấy đau lòng vì không lên lịch đi tiêm chủng cho chồng. "Tôi tức giận vì tôi đã không làm như vậy. Và tôi không thể thay đổi quá khứ", Michele đau đớn chia sẻ.

Năm nay, cặp đôi dự kiến sẽ kỷ niệm 30 năm ngày cưới và họ cũng tính tới việc nghỉ hưu để đi du lịch cùng nhau và sống hạnh phúc sau nhiều năm làm việc vất vả. Nhưng mọi kế hoạch đã đổ vỡ.

Hối tiếc muộn màng

Hối tiếc muộn màng của những người Mỹ bài xích vắc xin Covid-19 - 3

Các nhân viên y tế Mỹ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tiêm vắc xin ngoài việc bảo vệ người bệnh không mắc Covid-19, mà trong trường hợp nếu họ có bị nhiễm virus SARS-CoV-2, vắc xin có thể giúp tình trạng của họ không trở nên nặng và nguy kịch.

Josh Garza, 43 tuổi, mắc tiểu đường, huyết áp cao và lẽ ra ông nên tiêm vắc xin ngay từ những ngày đầu tiên. Tuy nhiên, ông không muốn làm điều đó vì "không muốn trở thành con chuột lang thí nghiệm. Tôi chỉ đơn giản là phản đối việc tiêm vắc xin vào cơ thể".

Tuy nhiên, Garza đã nhanh chóng hối hận khi Covid-19 đã tàn phá cơ thể ông trong suốt 4 tháng qua ở một bệnh viện ở Houston, Texas.

Các bác sĩ nói rằng Garza bị bệnh viêm phổi do Covid-19 và virus gây ra tình trạng viêm nặng gây tổn thương mô phổi không thể phục hồi. Trường hợp của Garza quá nghiêm trọng tới mức không có máy thở hay máy oxy lưu lượng cao có thể khắc phục được tình trạng.

Trên phim chụp, phổi của Garza gần như hư hại và ông đã cận kề với cái chết cho tới khi được ghép phổi vào tháng 4.

Garza nói ông hối hận và tức giận với chính bản thân mình vì không đi tiêm chủng, nhưng vẫn cảm thấy may mắn vì đã kể lại được trải nghiệm sinh tử với nhiều người để cảnh báo họ. Garza nói rằng việc chứng kiến những thi thể người chết vì Covid-19 được đẩy qua lại trước mặt trong nhiều tháng trở nên ám ảnh với ông.

"Nếu tôi có thể làm lại, tôi sẽ đi tiêm chủng. Không có gì phải băn khoăn. Tôi đã phải trải qua nghịch cảnh tồi tệ nhất", Garza nói.

"Hãy nghĩ về gia đình bạn. Vì những gì mà tôi phải trải qua, gia đình tôi cũng phải trải qua tương tự. Tôi mong mọi người ít nhất hãy suy ngẫm (về việc tiêm vắc xin), hoặc lắng nghe câu chuyện của tôi và mong mọi người sẽ không phải trải qua trải nghiệm này", Garza cho hay.

Đại dịch Covid-19 cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 600.000 người tại Mỹ