“Kẻ thất bại” ở Washington
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ George W. Bush là người thích những ý tưởng lớn. Tuy nhiên, nhiệm kỳ hai của ông lại đang bộc lộ một nguy cơ trở thành "kẻ thất bại" tại Washington.
Những thất bại mà ông vấp phải khá nhiều, từ sự phản đối kế hoạch cải cách nhập cư đến tình trạng suy giảm sự đoàn kết trong nội bộ đảng Cộng hòa ngày càng gia tăng bắt nguồn từ chính sách Iraq của Nhà Trắng. Sự đoàn kết trong nội bộ đảng Cộng hòa, vốn là đặc trưng nổi bật trong nhiệm kỳ thứ nhất và những ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Bush, hiện đang đổ vỡ.
Tỷ lệ ủng hộ khá thấp trong khi cuộc chiến tranh Iraq không được lòng dân và cuộc bầu cử năm 2008 đang ngày càng thu hút quan tâm của dư luận có thể là một "liều thuốc độc" đối với Tổng thống Bush. Ông không thể vượt qua được sự phản đối quyết liệt từ chính đảng của ông khi Thượng viện, hôm 28/6, đã kiên quyết bác bỏ kế hoạch hợp pháp hóa hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp.
Kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện về việc giảm bớt tranh cãi và mở đường cho cuộc bỏ phiếu cuối cùng đối với dự luật nhập cư cho thấy còn thiếu 14 phiếu nữa mới đủ 60 phiếu thuận cần thiết. Thực tế này chắc chắn sẽ làm trì hoãn một quyết định mang tính bước ngoặt đối với vấn đề nhập cư cho tới thời điểm ông Bush rời Nhà Trắng vào tháng 1/2009.
Đây cũng là tuần chứng kiến sự phản đối mạnh mẽ hơn của đảng Cộng hòa đối với vấn đề Iraq. Trong một động thái được coi là "cắt đứt" quan hệ với ông Bush, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hoà Richard Lugar, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, cho rằng kế hoạch tăng quân của Tổng thống không mang lại hiệu quả và Mỹ nên giảm bớt sự hiện diện của quân đội tại Iraq. Một Thượng nghị sỹ khác của đảng Cộng hòa, George Voinovich, cũng nhất trí với ý kiến trên. Thượng nghị sỹ Cộng hoà John Warner, một nhân vật cấp cao có tiếng nói trong các vấn đề quân sự, dự đoán rằng chắc chắn sẽ có thêm nhiều người rời khỏi đảng Cộng hòa khi Quốc hội nhóm họp trở lại sau kỳ nghỉ Quốc khánh ngày 4/7.
Trong khi đó, bản thân ông Bush cũng nhận thấy rằng mình sẽ phải chuẩn bị cho những cuộc tranh cãi về hiến pháp với một Quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát. Chính sách liên quan đến việc truy bắt và xét xử những nghi can khủng bố đã vấp phải nhiều khó khăn do các quy định mới đây của tòa án. Và ngày 30/6 tới, Tổng thống Bush sẽ mất quyền "đàm phán nhanh" trong đàm phán các hiệp định thương mại. Quốc hội hầu như không có ý định khôi phục quyền này cho ông.
Ông Stephen J.Wayne, một nhà nghiên cứu về các tổng thống làm việc tại trường Đại học Georgetown nói: "Điều này thực sự bộc lộ yếu điểm của ông Bush trong gần hai năm cuối của nhiệm kỳ. Ông ấy lúc này chỉ là một tổng thống chờ mãn nhiệm".
Các ưu tiên hàng đầu khác trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Bush vẫn tiếp tục bị sa lầy, trong đó có kế hoạch cải tổ An sinh Xã hội và gia hạn việc cắt giảm thuế được đưa ra từ nhiệm kỳ đầu tiên.
Cố vấn lâu năm của đảng Cộng hòa Charles Black nói: "Rõ ràng, không một vị tổng thống nào lại có quyền lực lớn hơn trong nhiệm kỳ thứ hai so với nhiệm kỳ đầu tiên. Và quyền lực của ông Bush lúc này đang giảm sút".
Theo giới phân tích, là một người thích đưa ra những ý tưởng lớn, nhưng ông Bush rõ ràng đang phải đối mặt với nguy cơ trắng tay, khi hầu như tất cả các kế hoạch lớn mà ông đưa ra trong nhiệm kỳ hai lần lượt thất bại hoặc bị bác bỏ. Với nhiều người, ông Bush lúc này giống như "con thuyền đang đắm" và là một "kẻ thất bại", điều này giải thích nguyên nhân tại sao ngày càng có nhiều đảng viên Cộng hòa quay lưng lại với người mà họ đã có thời hết mình ủng hộ.
Kiến Văn