1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhìn lại cuộc đảo chính ở Iran năm 1953:

Kế hoạch tuyệt mật của CIA trong cuộc đảo chính ở Iran năm 1953

Trong bài "Kế hoạch nắm giữ nguồn dầu mỏ Trung Đông của hai cơ quan tình báo Anh - Mỹ, mặc dù chính phủ Iran của Thủ tướng Mossadeq đã bắt đầu chịu sự trừng phạt và cấm vận kinh tế nhưng nước Anh do bị mất quyền lợi trầm trọng tại đây trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ nên quyết tâm "lật đổ kẻ ngáng đường".

Iran sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa “niềm tin” tương tự S-300 Iran khoe tàu ngầm và chiến hạm "cây nhà lá vườn" Iran thử tên lửa mới Simorgh khiến Lầu Năm Góc “nóng mặt”

Có lẽ đã phát hiện âm mưu của người Anh nên Thủ tướng Iran Mossadeq quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Anh và trục xuất toàn bộ nhân viên Đại sứ quán Anh (trong đó có cả các nhân viên của Cơ quan tình báo đối ngoại MI-6). Do bất ngờ bị rơi vào tình thế không còn người tại chỗ để thi hành việc đảo chính, Anh buộc phải quay sang "nhờ cậy" Mỹ.

Cháu trai của người Mỹ đầu tiên nhận giải Nobel hòa bình làm… tổng đạo diễn vụ đảo chính

Mỹ từ trước đến nay vốn coi Anh là đồng minh truyền thống thân cận nhất của mình, bản thân nước Anh cũng hỗ trợ Mỹ hết mình trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên đang diễn ra. Tuy nhiên cũng vì đang vướng cuộc chiến này nên Tổng thống Truman một lần nữa khước từ giúp Anh thực hiện hành động "thay ngựa giữa dòng", dù rằng ngay từ đầu Mỹ cũng rất quan tâm đến dầu mỏ và ủng hộ việc khống chế Iran.

Dwight Eisenhower (xuất thân là một vị tướng trong quân đội) lên kế nhiệm, thay Harry Truman làm ông chủ Nhà Trắng. Chiến tranh Triều Tiên sắp đến hồi kết, giờ Mỹ cảm thấy "rảnh tay" nên nhất trí ủng hộ phương án can thiệp bằng đảo chính của Anh.

Trùm tình báo Kermit Roosevelt, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch hạ bệ Thủ tướng Iran (ảnh: GWU).
Trùm tình báo Kermit Roosevelt, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch hạ bệ Thủ tướng Iran (ảnh: GWU).

Tháng 5-1953, Cơ quan tình báo Mỹ bắt tay vào soạn thảo chi tiết kế hoạch đảo chính, đến giữa tháng 6-1953 thì hoàn thành "kịch bản" và người chắp bút viết "kịch bản đảo chính" là Tiến sĩ Donald Wilber.

Mục tiêu của cuộc đảo chính là loại bỏ Thủ tướng Mossadeq theo đường lối dân túy, thiết lập ở Iran một chế độ mới thân Mỹ-Anh, "giải quyết ổn thỏa" vấn đề dầu mỏ và tạo điều kiện đàn áp đảng Tudeh Iran (tức đảng Cộng sản Iran), xa hơn là ngăn ngừa cái mà Mỹ-Anh gọi là "nguy cơ Iran ngả theo Liên Xô".

Phía Cơ quan Tình báo đối ngoại Anh (MI-6) cũng có một bản kế hoạch ngắn hơn phối hợp với CIA. Tất nhiên, do đã bị trục xuất khỏi Iran nên đại diện MI-6 phải gặp đối tác CIA ở một nước thứ ba để thống nhất mưu kế loại bỏ Mossadeq. Bản kế hoạch đảo chính được Thủ tướng Anh Churchill thông qua vào ngày 1-7 và được Tổng thống Mỹ Eisenhower duyệt lần cuối vào ngày 11-7-1953. Trưởng Phân bộ Cận Đông và châu Phi của CIA Kermit Roosevelt trực tiếp chỉ huy Chiến dịch lật đổ mang mật danh "chiến dịch TP-Ajax".

Là cháu trai của cố Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt, người Mỹ đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình do công lao trong việc kết thúc chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), Kermit Roosevelt đã vạch ra các phương án hành động khi trong thực tế có khác so với "kịch bản gốc". Đến Iran vào cuối tháng 7-1953 (đúng dịp ký Hiệp định Đình chiến trên bán đảo Triều Tiên), Kermit chỉ mất 3 tuần để hạ bệ Mossadeq.

Theo bản kế hoạch do Tiến sĩ Wilber vạch ra, đầu tiên CIA sẽ chọn một ứng viên Thủ tướng mới thân phương Tây. CIA đã tiếp cận Tướng Fazlollah Zahedi - người có thái độ chống đối Thủ tướng Mossadeq ra mặt- nói thẳng cho ông này biết về ý định đưa ông ta lên làm Thủ tướng thông qua một cuộc đảo chính. Zahedi sau đó được giao nhiệm vụ thành lập một ban thư ký quân sự để làm việc trực tiếp với CIA.

Bước tiếp sau, CIA tìm cách thuyết phục và thậm chí gây áp lực, lôi kéo Quốc vương Iran (Shah) Mohammad Reza Pahlavi tham gia vào phi vụ này với mục đích giành thêm sự ủng hộ từ quân đội và tạo "danh chính ngôn thuận" cho tân thủ tướng. Quốc vương Pahlavi lúc đầu do dự nhưng sau đã gật đầu đồng ý sẽ ký các chỉ dụ phế truất Mossadeq và bổ nhiệm Zahedi vào chức vụ Thủ tướng. Binh sĩ đảo chính sẽ mang chiếu chỉ nhà vua đến nhà riêng của Mossadeq và sẽ bắt luôn ông này trong trường hợp Mossadeq "kháng chỉ". Trước và trong đảo chính, Đại sứ quán Mỹ tại Tehran là trung tâm chỉ huy của chiến dịch TP-Ajax.

Để "bôi trơn" tiến trình đảo chính, CIA đã rót rất nhiều tiền cho các "đối tác" Iran trước và ngay sau đảo chính. Như lúc mới đầu, Ban thư ký được nhận nóng 1 triệu USD để "muốn làm gì thì làm" miễn sao Mossadeq phải ra đi.

2 ngày sau khi tướng Zahedi lên nắm quyền, CIA tạm ứng khẩn 5 triệu USD cho viên tướng này củng cố quyền lực trước khi nhận thêm các khoản viện trợ lớn hơn từ chính phủ Mỹ. Trong biến cố năm 1953, CIA đã thực hiện mua chuộc trên diện rộng, từ các chính trị gia, giáo sĩ, cảnh sát cho đến các tay chủ bút và phóng viên địa phương để dọn đường cho đảo chính.

Những tờ báo nhận hối lộ đã đăng bài công kích, chế giễu, hoặc bịa đặt nói xấu Thủ tướng Mossadeq và chính phủ của ông. Quá trình bôi bác hình ảnh Thủ tướng như thế này được tiến hành trên phạm vi cả trước và trong quá trình đảo chính. Các sĩ quan cao cấp trong quân đội Iran cũng được "lót tay" thật nặng để sẵn sàng dẫn quân theo CIA khi có lệnh. Thậm chí CIA còn thuê cả các đám côn đồ gây trò bạo loạn theo ý đồ của mình.

Ở giai đoạn 2, CIA đã cho phát tán hàng loạt bức ảnh chụp các chỉ dụ của Quốc vương tới giới quân nhân, báo chí và cả quần chúng Iran. Vào ngày 19-8, một số tờ báo đã đăng tải nội dung các chiếu chỉ này, gây bất bình trong dư luận đối với chính phủ đương nhiệm, đẩy quần chúng và quân đội nghiêng rõ về phe đảo chính. Hàng ngàn người biểu tình thân Quốc vương cùng binh sĩ do tướng Zahedi điều khiển đã chiếm Đài Phát thanh Tehran, cho đọc trên sóng phát thanh bản chiếu chỉ của Quốc vương về việc phế truất Thủ tướng và bổ nhiệm Zahedi vào vị trí này.

Thủ tướng  Iran Mossadeq bị CIA lật đổ (Ảnh: Corbis)
Thủ tướng Iran Mossadeq bị CIA lật đổ (Ảnh: Corbis)

Trước ngày bắt đầu xảy ra đảo chính (15-8), CIA tự nghĩ ra chuyện, thuê vẽ tranh minh họa cho các bài xã luận chống Tehran và công bố những bài phỏng vấn bịa đặt. CIA lưu truyền các tin đồn chống chính phủ. CIA chuẩn bị những tài liệu giả về các thỏa thuận bí mật giữa Mossadeq và đảng Cộng sản Iran. Các đặc vụ kết hợp với đám đâm thuê chém mướn giả danh đảng viên cộng sản Iran tìm đến đe dọa các chức sắc Hồi giáo rằng, họ sẽ "lãnh hậu quả tàn bạo nếu dám chống lại Thủ tướng Mossadeq".

Không dừng lại ở đó, các điệp viên CIA còn đánh bom nhà riêng của một nhân vật Hồi giáo rồi đổ vấy đây là hành động bạo lực của đảng cộng sản Iran nhằm đánh lừa giới tăng lữ và dư luận về "mối nguy cộng sản". Chiêu này có lẽ CIA đã học từ tay chân thuộc hạ của trùm phát xít Hitler - những kẻ đã bày trò phóng hỏa tòa nhà Quốc hội Đức rồi vu vạ cho những người cộng sản để lấy cớ đặt đảng Cộng sản Đức ra ngoài vòng pháp luật rồi thanh trừng tàn bạo đảng này.

Trong ngày đảo chính, "chuyên gia" Kermit Roosevelt tiếp tục thuê các băng đảng côn đồ giả làm người thuộc 2 phe (cả ủng hộ và chống Mossadeq) gây ra các vụ bạo động và biểu tình nhằm tạo ra tình trạng mất kiểm soát ở Tehran và sự khốc liệt trên chính trường Iran. Kermit không ngại thuê nhóm này đánh nhóm kia đến đổ máu và cả chết người. Ở giai đoạn cuối của tiến trình đảo chính, các nhóm đóng giả phe thân Mossadeq được lệnh xuống đường hô các khẩu hiệu ủng hộ Thủ tướng Mossadeq và chủ nghĩa cộng sản, đồng thời kêu gọi thành lập nhà nước "Cộng hòa Nhân dân".

Sau đó các nhóm này tấn công và đập phá, hôi của trong các cửa hàng, doanh nghiệp tư nhân. Dân thường và các tầng lớp xã hội dễ dàng nhìn thấy Thủ tướng và đảng Tudeh chỉ là một đội quân ô hợp, một đám cướp ngày không hơn không kém. Không những thế, các nhóm này còn lôi kéo các đảng viên thật của Tudeh tham gia vào "cách mạng lật đổ phong kiến và tư bản". Nhiều đảng viên Tudeh tưởng thật đã trúng bẫy, tiếp tay cho lâu la bộ sậu của trùm tình báo Kermit.

Khi Thủ tướng Mossadeq áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn đảo chính, CIA đã khéo léo đánh vào tâm lý của các giai tầng xã hội Iran lúc đó e ngại về các biện pháp trấn áp của Mossadeq, như vậy cán cân lực lượng dần bất lợi cho Thủ tướng Mossadeq. Kermit tiếp tục chỉ đạo các nhóm côn đồ thứ 2, lần này xuất hiện với tư cách là người ủng hộ Quốc vương, tập hợp thêm cả các chủ cửa hàng bị đập phá để phản công lại những người biểu tình. Đến lượt đội ngũ điệp viên CIA kích động và tập hợp giới giáo sĩ chống lại Thủ tướng Mossadeq và phát động cuộc "thánh chiến chống cộng sản".

Bản lĩnh kẻ đặt bẫy

Ngày 13-8-1953, Quốc vương Pahlavi ký quyết định cách chức Mossadeq và thay bằng tướng Zahedi. Đêm 15-8, một nhóm cấm vệ quân đưa các chỉ dụ đến nhà riêng Mossadeq. Phe đảo chính cho cắt đường dây điện thoại giữa văn phòng chính phủ và quân đội, chiếm tổng đài điện thoại.

Nhưng nguồn tin mật do Tudeh cung cấp giúp Mossadeq biết trước âm mưu và các binh sĩ trung thành với Mossadeq đã bắt ngay những sĩ quan và binh lính định bắt ông. Mossadeq còn cho bắt thêm các nhân vật âm mưu đảo chính, bố trí thêm binh sĩ tại tư dinh và các vị trí trọng yếu. Hay tin, ngày 16-8, Quốc vương Pahlavi vội bỏ chạy sang Baghdad, Iraq (sau đó bay tiếp sang Rome, Italy). Còn Mossadeq do thấy tình hình đã yên nên không phòng bị gì thêm.

Bất ngờ bị thất bại trong đợt đầu, CIA và các thuộc hạ người Iran bình tĩnh phản đòn. Tối 17-8, tướng Zahedi, điệp viên Iran cùng các sĩ quan quân đội Iran khác nấp dưới gầm một chiếc xe ôtô bí mật chạy vào bên trong đại sứ quán Mỹ.

Ngày 19-8, các sĩ quan Iran tạo phản đã dùng giấy thông hành giả do CIA chuẩn bị chuyển đến một số đơn vị quân đội thuyết phục các tư lệnh ở đó cùng tham gia đảo chính. Quân đội do tướng Zahedi chỉ huy rời doanh trại để tung đòn quyết định, đẩy lui những người biểu tình, tấn công vào các tòa nhà chính phủ, dinh thự Thủ tướng, bắt giữ Mossadeq và các thành viên nội các. Mossadeq chạy trốn nhưng bị bắt sau đó không lâu và chấp nhận đầu hàng. Vào cuối ngày 19-8, tướng Zahedi đã làm chủ tình hình.

Sau ngày đảo chính, nhiều cộng sự và người ủng hộ Thủ tướng Mossadeq, bao gồm cả sĩ quan quân đội bị bắt, tra tấn và tù đày. Thủ tướng Mossadeq bị tuyên án tử hình, sau được "ân giảm" xuống thành 3 năm tù giam và bị quản thúc tại gia suốt đời.

Riêng trợ lý thân cận của ông là Ngoại trưởng Hossen Fatemi - một học giả, nhà báo, một chính khách trẻ tuổi có tài hùng biện bị kết án tử hình và bản án được thi hành vào tháng 11-1954. Cũng từ sau năm 1953 Quốc vương Iran Pahlavi đã biến Iran thành một nhà nước quân chủ chuyên chế hiện đại. Đảng Cộng sản Iran bị đàn áp dữ dội phải rút vào hoạt động bí mật.

Cuộc đảo chính đã giải quyết được vấn đề dầu mỏ cho nước Anh (nhưng nước này phải chia sẻ đáng kể miếng bánh dầu mỏ với đồng minh Mỹ). Mỹ tích cực lập kế hoạch và tung tiền của, nhân lực vừa để giúp đồng minh vừa đem lại lợi ích kinh tế cho mình, không chỉ ở Iran mà cả trên bình diện quốc tế (ngăn làn sóng quốc hữu hóa ở các nước và khu vực khác).

Tuy nhiên Mỹ và CIA đã gián tiếp tạo lập một chế độ quân chủ chuyên chế ở Iran, trái ngược với các giá trị dân chủ mà Mỹ vẫn hằng tuyên bố theo đuổi. Chính Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, trong bài phát biểu đề cập ở bài trước, đã nói rằng: "Cuộc đảo chính 1953 là một bước lùi cho sự phát triển chính trị của Iran". Bà Albright cũng dẫn lời Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng "Mỹ phải chịu trách nhiệm một cách tương xứng đối với những vấn đề đã nổi lên trong quan hệ Mỹ-Iran".

Mossadeq ra đi, BP trở lại các giếng dầu Iran cùng một số thành viên mới, trong đó có 5 công ty của Mỹ, tiền thân của ExxonMobil ngày nay và ChevronTexaco. Trong khi đó, Washington mở quỹ viện trợ mới. Trong 25 năm tiếp theo, hơn 20 tỷ USD trong ngân sách Mỹ chảy vào Iran, trong đó phần lớn là viện trợ quân sự, bán vũ khí có trợ cấp cho lực lượng vũ trang và SAVAK, cảnh sát mật của hoàng gia còn các công ty Mỹ toàn quyền khai thác 2 tỷ thùng dầu từ các giếng dầu Iran.

Theo Mạnh Quân (tổng hợp)

An ninh thế giới