1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kế hoạch táo bạo 400 tỷ USD tái thiết lại toàn bộ Indonesia

(Dân trí) - Indonesia đang soạn thảo một kế hoạch đầy táo bạo quy mô 400 tỷ USD xây dựng hàng loạt các dự án tái thiết quốc gia vạn đảo kéo dài trong 4 năm.

Kế hoạch táo bạo 400 tỷ USD tái thiết lại toàn bộ Indonesia - 1

Thủ đô Jakarta (Ảnh: EPA-EPE)

Theo Bloomberg, Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Indonesia Bambang Brodjonegoro đã tiết lộ về kế hoạch quy mô lớn của Jakarta trong việc tái thiết lại đất nước bằng việc xây dựng 25 sân bay, các nhà máy điện mới cùng hàng loạt các công trình kiến trúc cơ sở hạ tầng.

Dự án này sẽ kêu gọi khoản vốn đầu tư kỷ lục trong lịch sử Indonesia, tương đương 400 tỷ USD. Quá trình huy động vốn kéo dài trong 4 năm từ 2020-2014 với 40% từ ngân sách nhà nước, 25% từ các công ty quốc doanh và phần còn lại từ khối tư nhân. Khoảng 60% số vốn sẽ được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông.

Dự án đầy tham vọng là chiến lược của Tổng thống Joko Widodo trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng làm đòn bẩy kích thích phát triển kinh tế. Xây dựng các cảng và cơ sở chiến lược trên khắp cả nước vốn được coi là nhiệm vụ khó khăn và đắt đỏ ở Indonesia vì 17.000 hòn đảo của quốc gia này trải dài với khoảng cách tương đương từ New York (Mỹ) tới London (Anh).

“Cách thức duy nhất để Indonesia phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn là kết nối”, ông Brodjonegoro nói, nhấn mạnh tham vọng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối toàn bộ lãnh thổ với nhau và ngay cả những khu vực hẻo lánh như vùng Papua.

Tăng trưởng kinh tế của Indonesia đạt 5%/năm. Trong khi chính phủ đặt ra mục tiêu 5.3-5,6% trong năm tới, thì con số trên vẫn còn khá thấp so với mốc 7% mà ông Widodo từng cam kết đạt được khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên.

Ông Widodo dự kiến sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2 sau khi kết quả cuộc bầu cử toàn quốc vào ngày 17/4 được công bố vào tuần tới. Bộ Kế hoạch đang chuẩn bị các văn bản liên quan tới dự án đầu tư để trình Tổng thống ký. Chính phủ Indonesia đồng thời bỏ ngỏ khả năng có thể cung cấp tài chính cho 1 số dự án thông qua vay nợ.

Theo dự thảo kế hoạch, khoảng 17% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ được chi cho hạng mục năng lượng, trong khi 10% dành cho các công trình tưới tiêu. Dự thảo cũng kêu gọi nâng cấp 165 sân bay của Indonesia và phát triển các cơ sở dành cho thủy phi cơ để tiếp cận các đảo ở khu vực hẻo lánh.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Indonesia đang cân nhắc việc chuyển thủ đô ra khỏi thành phố Jakarta, bang Java, do tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng tại đây gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế. Hơn nữa, Jakarta cũng là một trong những thành phố có tốc độ chìm xuống mức nước biển nhanh nhất thế giới và có thể bị nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2050. 

Đức Hoàng

Theo Straits Times