1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kế hoạch bí mật cho một hiệp ước hòa bình

(Dân trí) - Đó là tin đặc biệt của nhật báo Israel Ha'Aretz: các cuộc thương thuyết giữa Israel -Syria diễn ra từ năm 2004-2006 tại châu Âu nhằm vạch ra các đường lối chính của một hiệp ước hòa bình tương lai. Ngay lập tức, cả Damas và Tel-Aviv lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Tờ Ha'Aretz tiết lộ, từ tháng 9/2004 đến 7/2006, các cuộc gặp bí mật đã diễn ra tại châu Âu giữa lãnh đạo cao cấp của hai nước, nhằm xây dựng các đường lối chính cho bản hiệp ước hòa bình tương lai.

 

Nhật báo này độc quyền công bố tài liệu mật, trong đó nêu rõ "mục tiêu là thiết lập quan hệ bình thường và hòa bình giữa chính phủ và nhân dân hai nước, ký kết một hiệp ước hòa bình chứng nhận cho kết quả này. Hiệp ước bao gồm 4 điểm chính, các yếu tố cơ bản trong các cuộc thương lượng: an ninh, tài nguyên nước, bình thường hóa quan hệ và đường biên giới. Không có bất kỳ thỏa thuận riêng rẽ nào về một trong 4 điểm trên, mà về toàn bộ các vấn đề liên quan".

 

Theo tài liệu mật, "đường biên giới, đi qua cao nguyên Golan sẽ dựa trên đường biên giới được xác lập ngày 4/6/1967, được Liên Hiệp Quốc và Mỹ bảo đảm". Việc khai thác nguồn nước sông Jourdain và hồ Tiberiade sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi.

 

Tài liệu này còn cho biết, "một vùng phi quân sự sẽ được thiết lập trên cao nguyên Golan, sau khi các lực lượng Israel rút khỏi đây". Mặt khác, "các nhà lãnh đạo chủ chốt sẽ hợp tác cùng nhau vì một Trung Đông ổn định và an toàn, đưa ra các giải pháp cho các vấn đề trong khu vực liên quan đến Palestine, Liban và Iran".

 

Ha'Aretz cũng nêu rõ, "Syria đã đề nghị việc rút quân đội Israel phải được thực hiện trong 5 năm nhưng phía Israel muốn kéo dài thời hạn đó lên 15 năm". Trong khuôn khổ các thỏa thuận, Syria sẽ ngưng hậu thuẫn cho lực lượng Hezbollah và Hamas, giữ khoảng cách với nhà nước Hồi giáo Iran.

 

Nhật báo giải thích, tất cả bắt đầu cách đây 3 năm, tháng 1/2004, tổng thống Syria Bachar El-Assad đã có chuyến công du lịch sử tới Thổ Nhĩ Kỳ. Rất ngẫu nhiên, cựu đại sứ Israel tại Ankara, ông Alon Liel cũng đến Istanbul vào thời điểm đó và lưu lại trong cùng khách sạn với đoàn Syria.

 

Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ biết, Israel đóng vai trò quan trọng trong các cuộc gặp giữa ông Assad và thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ha'Aretz nhấn mạnh, ông Liel hiểu rằng ông Assad đã đề nghị ông Erdogan, tận dụng mối quan hệ tốt đẹp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel để xúc tiến khai thông bế tắc trong thương lượng với Israel.

 

Damas hi vọng đẩy mạnh tiến trình hòa bình, "để chống lại những người theo đạo Hồi cấp tiến đang đe dọa nước này". Syria cũng nhận thức được các lợi ích kinh tế mà họ sẽ có nếu hiệp định này được ký.

 

Sau đó, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt tầm quan trọng, nhưng họ đã đóng góp ý tưởng tiến trình, mời các nhà trung gian Mỹ.

 

Ha'Aretz nêu ra tên ông Geoffrey Aronsson của Quỹ hòa bình Trung Đông có trụ sở tại Washington và Ibrahim Suleiman, doanh nhân Mỹ gốc Syria, xuất thân từ cộng đồng người Alaouit, có quan hệ thân thiết với gia đình ông El-Assad và những nhân vật chủ chốt nắm quyền tại Damas.

 

Có 7 cuộc gặp đã diễn ra tại một thủ đô của châu Âu từ mùa thu 2004, chứng tỏ vai trò trung gian quan trọng của châu lục này. Cuộc gặp mới đây diễn ra hồi hè năm 2006, giữa lúc cuộc chiến Libăng diễn ra. Một loạt các cuộc gặp chỉ dẫn tới một bất đồng. "Phía Syria muốn tiếp tục thương lượng bí mật ở cấp chính thức, có sự tham dự của các quan chức cao cấp của Syria, Israel và Mỹ. Nhưng Israel đã bác bỏ đề nghị này. "

 

Một nhật báo khác của Israel Yediot Aharonot kể lại rằng, theo nghị sĩ Israel người Arập Jamal Zahalka, người đã tới Damas cách đây 4 tháng, thì phía Syria cho rằng chừng nào ông George W. Bush còn làm tổng thống nước Mỹ thì sẽ không có bất kỳ tiến bộ nào trong quan hệ giữa Tel Aviv và Damas.

 

Ngay lập tức, chính quyền Syria lên tiếng phủ nhận thông tin mà Ha'Aretz đưa ra. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Syria cho rằng, các thông tin trên là "không có ý nghĩa, không có cơ sở và hoàn toàn giả dối".

 

Tờ Jeruasalem Post trích lời một số nguyên bộ trưởng và quan chức cấp cao trong chính phủ của cựu thủ tướng Israel Ariel Sharon nhiệm kỳ 2004 khẳng định, "không có bất kỳ cuộc thương lượng bí mật nào giữa Israel và Syria".

 

Ông Dov Weiglass, cựu cố vấn của ông Sharon phát biểu: "Có thể một nhóm người đã gặp và thảo luận về chủ đề này trong tài liệu. Nhưng trong suốt nhiệm kỳ của ông Sharon, văn phòng Thủ tướng không hề xem và chuẩn y chính thức các cuộc gặp hay một quy trình tương tự".

 

Tuy vậy, Ha'Aretz vẫn khẳng định, các cộng sự của ông Ariel Sharon đã được ông Alon Liel thông báo đầy đủ mọi tiến triển trong các cuộc thương lượng.

 

Ngọc Nhàn
Theo Courrier International