1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Kế hoạch B" của ông Trump sau Obamacare

Liên tiếp hai lần thất bại với sắc lệnh cấm nhập cảnh và dự luật chăm sóc y tế thay thế Obamacare, ôngTrump tìm kế hoạch mới đầy tham vọng.

Nhằm cứu vãn tình hình sau thất bại trong kế hoạch bãi bỏ đạo luật chăm sóc y tế Obamacare của người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa trong tuần này sẽ bắt đầu một cuộc chiến lập pháp mới thậm chí sẽ gian nan hơn: Cải cách toàn diện hệ thống thuế lần đầu tiên trong ba thập niên qua.

Sẽ đẩy mạnh cải cách thuế

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan hôm 24-3 cho biết ông Trump đã đồng ý rút lại kế hoạch bỏ phiếu cho dự luật thay thế Obamacare. Phát biểu cùng ngày sau thất bại này, ông Trump khẳng định “đành để Obamacare duy trì thêm một thời gian” và tuyên bố “sẽ đẩy mạnh cải cách thuế và chính sách cắt giảm thuế”.

Các kế hoạch quan trọng nhằm cắt giảm thuế, lấp đầy các lỗ hổng luật pháp và áp thuế nhập khẩu như ông Trump từng đề cập có thể sẽ không được thực hiện đầy đủ. Theo New York Times, nhiều nhà quan sát dự đoán ông Trump sẽ tập trung vào cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế cá nhân để thu được thắng lợi dễ dàng.

“Về khía cạnh này, ông Trump phải thắng lợi” - nhà kinh tế học Stephen Moore của quỹ Heritage Foundation (Mỹ) và cũng là cố vấn của Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống bày tỏ hy vọng.

Liệu ông Trump sẽ thành công với kế hoạch cải cách thuế hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Ảnh: GETTY
Liệu ông Trump sẽ thành công với kế hoạch cải cách thuế hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Ảnh: GETTY

Tranh cãi quanh “kế hoạch B”

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay ông đã theo sát dự luật cải cách thuế của chính quyền của ông Trump trong hai tháng qua. Ông cho biết: “Trọng tâm chính của chúng tôi là cắt giảm thuế cho người có thu nhập trung bình chứ không phải nhóm những người giàu nhất”. Ông nhận định việc cải cách thuế sẽ “đơn giản hơn nhiều” so với tham vọng cải cách chương trình y tế, theo ABC News.

Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, việc giảm thu thuế đáng lẽ phải được bù trừ bằng cách giảm chi ngân sách, thông qua dự luật chăm sóc sức khỏe vừa thất bại tuần qua. Nhiều người lo ngại bất kỳ khoản cắt giảm thuế nào cũng sẽ gây thâm hụt ngân sách của liên bang. Chính vì vậy, ông Trump sẽ khó tránh khỏi nhiều trở ngại khi quyết đeo bám kế hoạch này tới cùng.

Ông Trump và các cộng sự đã tiêu tốn hai tháng đầu tiên kể từ khi nhậm chức cho vấn đề Obamacare và đạo luật cấm nhập cảnh. Nhiều người nghi ngờ “kế hoạch B” về cải cách thuế của ông sẽ không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin nói rằng kế hoạch cải cách thuế của ông Trump sẽ sớm được đệ trình và hy vọng đạo luật sẽ được quốc hội thông qua vào tháng 8 năm nay. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết thời hạn đặt ra là “rất tham vọng” nhưng chính quyền ông Trump đang nỗ lực để đạt được mục tiêu này.

Tranh cãi quanh Obamacare

Chính sách được chú ý nhất trong Obamacare là yêu cầu tất cả công dân Mỹ đều phải mua bảo hiểm y tế, đi kèm đó là việc trợ cấp cho những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, Obamacare đã bị chỉ trích vì phí mua bảo hiểm ngày càng tăng. Chương trình này cũng quy định xử phạt những người Mỹ không mua bảo hiểm nhưng lực lượng này đa số lại là những người có thu nhập từ thấp tới trung bình. Obamacare cũng bắt buộc các công ty bảo hiểm phải thanh toán cho những người bệnh bất chấp các vấn đề sức khỏe của họ đã nảy sinh trước khi họ mua bảo hiểm hay chưa.

_______________________________

435 là số lần ông Trump dùng cụm từ “Obamacare” trên Twitter tính từ năm 2011 để kêu gọi xóa bỏ chương trình y tế này, theo USA Today.

Theo Bảo Anh

Pháp luật TPHCM