Kazakhstan công bố biện pháp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế
(Dân trí) - Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã ký nghị định mang tính bước ngoặt về các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Theo Akorda - cổng thông tin chính thức của Tổng thống Kazakhstan, nghị định vạch ra một kế hoạch toàn diện nhằm trao quyền cho Hội đồng Xúc tiến Đầu tư (Trụ sở Đầu tư) với thẩm quyền chưa từng có.
Theo quy định mới, Hội đồng Xúc tiến Đầu tư sẽ có quyền đưa ra các quyết định ràng buộc đối với các cơ quan, tổ chức chính quyền trung ương và địa phương trong khu vực bán công. Ngoài ra, việc Hội đồng được trao quyền xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tạm thời là sự bổ sung cho các nỗ lực của chính phủ nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư.
Theo Kazinform, sắc lệnh này là sự tiếp nối chính sách kinh tế đã được đề ra trong thông điệp quốc gia vào tháng 9 của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Chính sách này tập trung vào cải cách kinh tế, đa dạng hóa, chính sách thuế minh bạch và thực tiễn quản lý công bằng.
Tổng thống Tokayev đã liên tục thể hiện cách tiếp cận chủ động trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường quan hệ kinh tế trên toàn cầu. Ông thường tham gia các cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là trong các chuyến thăm chính thức nước ngoài.
Nhìn chung, Kazakhstan đã ký 20 thỏa thuận với các công ty nước ngoài trị giá 4,85 tỷ USD về năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng và số hóa bên lề COP28. Việc cải tiến trong các chính sách đầu tư đã trở thành một thành phần quan trọng trong chiến lược kinh tế rộng lớn hơn của Tổng thống Tokayev.
Andrey Chebotarev, tác giả kênh Telegram Finance.kz, khen ngợi sáng kiến của Tổng thống. Ông nói: "Với nhu cầu hiện đại hóa hệ thống năng lượng, theo đuổi các kế hoạch công nghiệp hóa đầy tham vọng và duy trì chính sách tiền tệ nghiêm ngặt, Kazakhstan rất cần những khoản đầu tư này".
Cải thiện môi trường đầu tư
Quyền hạn được tăng cường của Trụ sở Đầu tư là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm cải thiện môi trường đầu tư ở Kazakhstan. Những sửa đổi gần đây của Bộ luật Thuế và những thay đổi tương ứng trong Nghị định của Chính phủ về Hỗ trợ đầu tư Nhà nước đã mang lại cho các nhà đầu tư sự linh hoạt hơn trong việc lựa chọn hướng đầu tư và thúc đẩy sự tham gia tích cực vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Trụ sở Đầu tư cũng đã được trao quyền đề xuất các biện pháp kỷ luật, bao gồm cả việc sa thải người đứng đầu các cơ quan chính phủ và các đơn vị thuộc khu vực bán công do không tuân thủ các quyết định của Trụ sở. Việc giám sát nâng cao này nhằm đảm bảo sự tuân thủ nghiêm ngặt trong các sáng kiến đầu tư và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Ông Chebotyrev nhấn mạnh sự cần thiết trong việc sửa đổi luật pháp phù hợp, nêu rõ rằng: "Đầu tư sẽ đến khi các nhà đầu tư có niềm tin vững chắc vào sự hoàn thành thành công của tất cả các kế hoạch và dự án. Đầu tư luôn tạo ra việc làm mới, kiến thức mới và công nghệ mới. Đây là những cơ hội mới cho người dân của đất nước".
Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới 2023 do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển công bố, Kazakhstan đã chứng kiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng tăng 83%, đạt 6,1 tỷ USD, mặc dù dòng đầu tư toàn cầu giảm mạnh vào năm 2022. Kazakhstan đang dẫn đầu về mức độ thu hút FDI trong số các nước Trung Á hậu Xô Viết, chiếm 61% thị phần.
Dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Quốc gia, ông Chebotyrev cho biết, dòng vốn FDI ổn định đang đi vào nền kinh tế Kazakhstan. Cụ thể, vào năm 2021, con số này đạt 23,8 tỷ USD, hơn 28 tỷ USD vào năm 2022 và đạt 13,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023. Theo chuyên gia, các khoản đầu tư này chủ yếu hướng vào khai thác nguyên liệu thô.
"Năm 2022, lĩnh vực dầu khí đã chiếm tỷ trọng lớn nhất, thu hút 9,6 tỷ USD đầu tư, theo sau là luyện kim, chỉ với hơn 4 tỷ USD, trong khi ngành điện nhận được 635,6 triệu USD, lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đồ uống thu được số tiền khiêm tốn hơn là 177,9 triệu USD", ông viết.
Về vấn đề này, Nghị định của Tổng thống nhằm chuyển hướng đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, đặc biệt là sản xuất, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Các biện pháp nêu trong nghị định được kỳ vọng sẽ đơn giản hóa quy trình ra quyết định, nâng cao trách nhiệm giải trình và tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.