1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

JTC Nhật đưa hối lộ 100 lần cho các dự án ODA

(Dân trí) - Báo Nhật Yomiuri Shimbun mới đây đưa tin công ty Tư vấn giao thông Nhật (JTC) đã lại quả 100 lần, với số tiền lên tới 160 triệu Yên, cho 13 quan chức chính phủ Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan từ năm 2009-2014, cho các dự án ODA. Với Việt Nam, tiền Yên được chuyển qua đường hàng không.

JTC Nhật đã hối lộ các quan chức nước ngoài như thế nào?

Sơ đồ JTC hối lộ tiền cho các quan chức ở nước ngoài để được nhận các dự án ODA của Nhật. (Tiền từ JTC tại Nhật được chuyển cho các văn phòng/nhân viên của JTC ở các nước, rồi từ đó chuyển cho các quan chức sở tại, để JTC được nhận dự án ODA)

Thông tin được tờ báo Nhật dẫn nguồn một ủy ban điều tra thứ ba về vụ đưa hối lộ cho các quan chức nước ngoài của JTC. Ủy ban điều tra này đã phát hiện JTC đã có truyền thống lại quả cho các quan chức nước ngoài từ tận những năm 1990.

Theo Ủy ban điều tra, công ty có trụ sở tại Tokyo thậm chí vẫn quyết định tiếp tục chi những khoản tiền lại quả bất hợp pháp, như là một hoạt động kinh doanh có hệ thống, ngay cả sau khi Cục Thuế khu vực Tokyo phanh phui hoạt động bất hợp pháp này trong cuộc kiểm tra thuế năm 2013.

Liên quan đến những cáo buộc trên, một đơn vị điều tra đặc biệt của Cơ quan công tố quận Tokyo hiện đang thẩm vấn nhân viên JTC, những người đã đưa tiền cho các quan chức chính phủ của ba nước trên. Vụ việc đang được điều tra theo Luật chống cạnh tranh không công bằng của Nhật. Luật này cấm các doanh nghiệp đưa hối lộ cho các quan chức nước ngoài.

Trong cuộc họp báo vào thứ sáu tuần trước tại Tokyo, luật sư Tadashi Kunihiro, chủ tịch ủy ban điều tra bên thứ ba, đã chỉ trích JTC, cho rằng công ty “không phải là một nạn nhân, đối tượng bị yêu cầu đưa hối lộ, mà là đồng lõa trong những việc làm sai trái, làm gia tăng tình trạng tham nhũng ở các nước đó”.

Cũng theo báo cáo điều tra của ủy ban, JTC bắt đầu thực hiện những vụ lại quả như trên từ những năm 1990, ở Indonesia và những khoản lại quả ban đầu này được trao theo yêu cầu từ phía các quan chức chính phủ sở tại. Nhưng sau đó, nó đã trở thành thông lệ.

Theo ủy ban điều tra, khi JTC hoạt động tại Việt Nam và Uzbekistan, giới chức của các công ty nhà nước ở hai nước này cũng đã yêu cầu JTC phải lại quả.

Riêng trong các vụ ở Việt Nam, các khoản lại quả được ghi là các khoản chi chờ hạch toán rồi sau đó được đưa đến Việt Nam bằng tiền mặt qua đường hàng không. Sau đó, tiền mặt Yên được trao cho người nhận. Trong thông tin trước đó, tờ Yomiuri Shimbun cho biết tổng số tiền lại quả cho các quan chức Việt Nam là 80 triệu Yên (khoảng 16 tỷ đồng) cho một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ Yên ở Việt Nam.

Tại Indonesia, JTC trả lại quả bằng đơn vị tiền của nước sở tại, qua các quỹ. Còn ở Uzbekistan, JTC chuyển tiền bằng đô la Mỹ vào tài khoản ngân hàng của người nhận.

Trong 6 dự án ở 3 nước từ năm 2009-2014, JTC đã lại quả tổng cộng 100 lần cho tổng cộng 13 người.

Ủy ban điều tra cũng cho biết 16 người của JTC đã tham gia vào hoạt động lại quả này, trong đó có một người từng trong ban giám đốc công ty, đứng đầu chi nhánh quốc tế của JTC.

Ủy ban điều tra kết luận, bên trong JTC, “truyền thống” trả lại quả được giữ bí mật, các thông tin liên quan luôn được kiểm soát chặt chẽ và hầu hết những người tham gia đều hiểu được tính chất phạm pháp của hành động của họ.

Trung Anh

Theo Yomiuri Shimbun