Jordan chật vật thu hút khách khi Biển Chết "lâm nguy"
(Dân trí) - Khi Biển Chết đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất, Jordan đang nỗ lực bảo tồn vùng biển quý giá, đồng thời đầu tư khai thác những yếu tố mới nhằm cứu vãn ngành du lịch đang lao dốc.
Biển Chết, còn có tên gọi khác là Tử Hải hoặc Biển Muối, là một hồ nước mặn nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan trên thung lũng Jordan. Nó là hồ chứa nước có độ mặn cao nhất thế giới, gấp 9,6 lần so với nước biển thường. Do tỷ trọng của nước ở Biển Chết nặng hơn so với tỷ trọng của con người, người ở dưới nước sẽ không bị chìm.
Nước Biển Chết còn nổi danh chứa những loại khoáng chất hiếm có giúp cải thiện sức khỏe con người. Những đặc điểm tự nhiên khác biệt đã thu hút du khách. Thông thường, mỗi năm có tới hàng ngàn du khách tới đây để được tận hưởng cảm giác kì diệu không đâu có được, đưa Biển Chết lọt vào danh sách những địa điểm du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới.
Đáng tiếc là nhiều năm trở lại đây, các nhà khoa học đã ghi nhận sự suy giảm liên tục của mực nước Biển Chết ở mức đáng báo động. Người dân và du khách đều bày tỏ lo ngại về việc bảo tồn một kỳ quan thiên nhiên thế giới, trước khả năng vùng biển có thể sẽ cạn sạch một ngày nào đó trong tương lai.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lượng nước đổ vào ngày càng giảm, không bù đắp được cho lượng nước mất đi. Nguồn cung chính của Biển Chết đến từ lưu vực sông Jordan. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều con sông có hiện tượng đổi hướng dòng chảy, cũng như sự hình thành của đê điều đã làm thiếu hụt nguồn nước bổ sung cho Biển Chết. Bên cạnh đó, tác động của con người trong việc khai thác khoáng chất quý giá từ biển cũng góp phần khiến mực nước suy giảm như hiện nay.
Jordan bị thiệt hại lớn
Trong tình hình Biển Chết đang "gặp nguy", số lượng khách du lịch đến Jordan cũng rơi vào tình trạng "tụt dốc không phanh", kéo dài suốt một thập niên, và chính thức về con số 0 do tác động của đại dịch Covid-19.
Vào năm 2020, doanh thu du lịch tại đây giảm mạnh xuống 1,4 tỷ USD, giảm 76% so với năm 2019. Đây là một tổn thất nặng nề đối với Jordan, sau khi đất nước này chứng kiến lượng khách du lịch sụt giảm mạnh từ 8 triệu người vào năm 2010 xuống 4,2 triệu người vào năm 2016.
Trong những nỗ lực cuối cùng nhằm khôi phục lại lượng du khách, Ủy ban Du lịch Jordan đã thành lập một thương hiệu du lịch mới mang tên "Kinh đô Thời gian", hứa hẹn đem lại cho du khách những cơ hội trải nghiệm phiêu lưu mới mẻ, đa dạng, có chiều sâu, kết hợp giữa văn hóa hội nhập đương đại với những giá trị truyền thống lâu bền của nước này.
Thực tế cho thấy, các danh lam thắng cảnh và các địa điểm khảo cổ học của Jordan là những nhân tố chính giúp thu hút khách tham quan du lịch. Đặc biệt, các nơi này thường xuyên được các nhà làm phim từ Amman cho đến Hollywood sử dụng để phục vụ làm tư liệu phông nền cho các cảnh quay. Gần đây nhất, bộ phim bom tấn "Dune" thuộc thể loại khoa học viễn tưởng đã được thực hiện tại sa mạc Wadi Rum của Jordan. Một số bộ phim như "Aladdin" của Disney hay "Star Wars: Rogue One" cũng được bấm máy tại vùng đồng bằng sa mạc ở phía nam Jordan.
Trong tình hình hiện nay, phát triển ngành điện ảnh quốc gia là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với Jordan, nhằm thu hút sự chú ý và biết đến của công chúng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - du lịch.
"Điều quan trọng là chúng tôi đang phát triển ngành công nghiệp điện ảnh của riêng mình và nó đem lại lợi ích thực sự cho mọi người. Mục đích của chúng tôi không phải để thu nạp lợi nhuận cho chính phủ, mà vì tất cả những người lao động cũng như các cộng đồng địa phương đều sẽ được hưởng lợi từ ngành công nghiệp tuyệt vời này", Hoàng tử Ali Bin Al Hussein, chủ tịch Ủy ban Điện ảnh Hoàng gia Jordan, nói.