1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

John Kerry: Phản đối nước lớn ban phát đặc ân hàng hải cho nước bé

(Dân trí) - Trong bài phát biểu về những ưu tiên trong chính sách “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Obama trong 2 năm rưỡi tới, Ngoại trưởng John Kerry đã phản đối việc nước lớn “ban phát đặc ân” về hàng hải cho các nước bé trên Biển Đông và Hoa Đông.


Ngoại trưởng Mỹ Kerry vừa có chuyến công du 8 ngày tới châu Á.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry vừa có chuyến công du 8 ngày tới châu Á.

4 ưu tiên "xoay trục" sang châu Á

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cam kết tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào châu Á trong bài phát biểu về chính sách quan trọng tại Hawaii vào ngày hôm nay 14/8.

“Chúng tôi ở trong khu vực này với tầm nhìn dài hạn”, ông Kerry cho biết trong bài phát biểu phác thảo những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Obama ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong 2 năm rưỡi tại nhiệm nữa. Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích và giá trị của mình ở khu vực theo cách “không kiêu ngạo nhưng cũng không khoan nhượng”.

Ông Kerry đưa ra 4 ưu tiên trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Obama, đó là phát triển kinh tế, năng lượng, hợp tác khu vực và nhân quyền.

Nhắc lại lịch sử của chính gia đình mình là những thương gia ở Trung Quốc, ông đã kêu gọi các nước khác ở khu vực tiếp tục thúc đẩy đàm phán Hiệp ước thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Chúng ta không coi sự phát triển là đương nhiên”, ông nói với các quan chức ở Hawaii. “Chúng ta phải thúc đẩy sự phát triển đó”.

Ông Kerry cũng cảnh báo sự cạnh tranh trong khu vực ngày càng lớn với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Tổng thống cũng như tôi đã nói rất rõ rằng, chúng tôi cam kết tránh cái bẫy đối thủ chiến lược (với Trung Quốc), ông nói. “Chúng ta đang bận định nghĩa một mối quan hệ cường quốc lớn mới”.

“Mối quan hệ xây dựng mới này, mối quan hệ kiểu mẫu mới này của các cường quốc lớn, sẽ không có được chỉ bằng cách nói về nó”, ông nói.

Phản đối ban phát tự do hàng hải

Về tranh chấp lãnh thổ dai dẳng trên Biển Đông và Hoa Đông, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền khác tìm kiếm các giải pháp hòa bình và không cản trở đến tự do hàng hải ở các khu vực tranh chấp.

“Chúng tôi kịch liệt phản đối bất kỳ gợi ý nào cho rằng quyền tự do hàng hải là đặc ân do một nước lớn ban phát cho một nước nhỏ”, ông cho biết, và ca ngợi Philippines đã nỗ lực tìm kiếm giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông ở một tòa án quốc tế. Trung Quốc đã phủ nhận động thái này của Philippines.

Xem xét lại sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực

Ông Kerry cũng cho biết Mỹ sẽ làm sống lại những thỏa thuận an ninh của nước này với các đồng minh truyền thống trong khu vực, như Nhật, Philippines, Hàn Quốc và Úc. Ông cho biết sẽ gặp đô đốc Samuel Locklear, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, để xem xét lại sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực.

Cựu thượng nghị sỹ Massachusetts cũng đưa vấn đề thay đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực hợp hợp tác ở châu Á. “Giải pháp đối với biến đổi khí hậu rất đơn giản. Hãy gọi đó là chính sách năng lượng…”.

Ông Kerry cũng cho biết chính quyền Obama sẽ đưa vấn đề nhân quyền là một ưu tiên trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ và nhấn mạnh khu vực đã chứng kiến một số bước lùi trong những tháng gần đây. Ông lên án cuộc đảo chính ở Thái Lan, một đồng minh quân sự lớn của Mỹ ở khu vực, và kêu gọi chính quyền Myanmar chuẩn bị tốt cho một cuộc bầu cử công bằng vào năm tới.

Ông ca ngợi cuộc bầu cử tổng thống vừa qua ở Indonesia, gọi đây là mô hình thay đổi cho giá trị và dân chủ châu Á.

Bài phát biểu tại Trung tâm Đông-Tây, Hawaii, của Ngoại trưởng Mỹ được tiến hành sau chuyến công du 8 ngày tới châu Á, chuyến đi thứ sáu của ông tới khu vực trong 18 tháng nhậm chức.

Vũ Quý
Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm