1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Italia vẫn "vỡ trận" sau 10 ngày phong tỏa toàn quốc

(Dân trí) - Italia đang bước vào tuần thứ 4 của cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 - cuộc khủng hoảng Covid-19 chưa có ngày kết thúc.

 
Italia vẫn vỡ trận sau 10 ngày phong tỏa toàn quốc - 1

Các nhân viên y tế làm việc bên trong lều dựng tạm tại bệnh viện Cremona ở phía bắc Italia. (Ảnh: AP)

Hơn 60 triệu người tại Italia phải sống dưới lệnh phong tỏa đang ngày càng được siết chặt. Các cửa hàng đóng cửa, trong khi cảnh sát đi tuần tra với số lượng lớn chưa từng có, buộc các gia đình đang đi bộ bên ngoài phải quay về nhà và đảm bảo rằng không ai có thể ra ngoài nếu không có lý do chính đáng.

Ngay cả khi triển khai các biện pháp đồng bộ như vậy, số ca nhiễm virus corona tại Italia vẫn tăng lên chóng mặt với tốc độ khoảng 3.500 ca mới/ngày, thậm chí nhiều hơn.

Theo Reuters, tính đến ngày 18/3, Italia ghi nhận 2.978 ca tử vong và 35.713 ca nhiễm virus corona. Italia, ổ dịch lớn nhất châu Âu, hiện chiếm tới 34,2% số ca tử vong toàn cầu và đang trên đà vượt số người tử vong ở Trung Quốc.

Nơi tập trung các ca nhiễm nhiều nhất là ở khu vực phía bắc Italia. Tại đây, các thi thể đang chất đống chờ được chôn cất do Italia cấm tổ chức đám tang.

Không chỉ người chết, mà ngay cả người sống cũng phải chờ đợi. Các bệnh nhân nhiễm virus corona chờ được điều trị trong các bệnh viện dã chiến, hoặc xếp hàng ở các hành lang trong các bệnh viện công vốn đã chật cứng người. Các bác sĩ và y tế cũng bị nhiễm virus do thiếu đồ bảo hộ cần thiết.

Nhiều người tự hỏi tình trạng này sẽ kết thúc như thế nào và cái giá phải trả về kinh tế do lệnh phong tỏa là bao nhiêu. Có nhiều tín hiệu khả quan cho thấy số ca nhiễm mới tại “vùng đỏ” ở phía bắc Italia đang chững lại, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để xem đây là một xu hướng đáng tin cậy.

Chưa có dấu hiệu thay đổi

Italia vẫn vỡ trận sau 10 ngày phong tỏa toàn quốc - 2

Các bệnh nhân nghi nhiễm virus corona được điều trị trên giường bệnh đặt tạm tại bệnh viện ở Italia. (Ảnh: Reuters)

Theo các số liệu chính thức mới nhất, hơn 2.000 người đang được điều trị tại các phòng chăm sóc đặc biệt trên khắp Italia. Phần lớn các ca bệnh này tập trung ở Lombardy, nơi cuộc khủng hoảng bùng nổ từ ngày 23/2. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại sẽ có thêm các điểm nóng mới ở khu vực phía nam, nơi cơ sở hạ tầng yếu hơn và số người tuân thủ lệnh phong tỏa cũng ít hơn.

Chia sẻ với CNN, Tiến sĩ Giorgio Palù, cựu Chủ tịch Hiệp hội Virus học Italia và châu Âu đồng thời là giáo sư về vi trùng và virus tại Đại học Padova, cho biết ông từng hy vọng rằng có thể nhìn thấy những tín hiệu đầu tiên của sự thay đổi sau hơn một tuần Italia áp lệnh phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, hy vọng của ông cho đến giờ vẫn chưa trở thành hiện thực.

“Hôm qua chúng tôi đã hy vọng sẽ có sự thay đổi sau gần 10 ngày kể từ khi áp dụng biện pháp phong tỏa, nhưng số ca bệnh vẫn tăng lên. Do vậy, tôi không nghĩ chúng ta có thể đưa ra dự đoán gì hôm nay”, ông Palù cho biết.

Theo Giáo sư Palù, khi nhìn vào biểu đồ số ca nhiễm mới, phần dốc của đường cong vẫn hướng lên trên, do vậy rất khó để biết khi nào lệnh phong tỏa sẽ phát huy tác dụng. Mặc dù dịch vẫn tập trung ở phía bắc, nhưng vẫn rất khó để so sánh giữa các vùng với nhau.

“Virus không có biên giới. Và cũng không chỉ có ở Italia”, ông Palù nói.

Tuy nhiên, Giáo sư Palù tin rằng Italia không còn lựa chọn nào khác ngoài lệnh phong tỏa, nếu mọi người đều sẵn sàng hợp tác.

Theo ông Palù, Italia lẽ ra nên áp lệnh phong tỏa sớm hơn và trên khu vực rộng lớn hơn, thay vì chỉ tập trung vào 11 khu vực ban đầu. Ngoài ra, lệnh phong tỏa bây giờ cũng nên được siết chặt hơn.

“Chúng ta lẽ ra nên tiến hành xét nghiệm chẩn đoán thêm tại Lombardy, nơi có tâm dịch lớn. Bạn phải hạn chế thời gian ra ngoài, cách ly là yếu tố then chốt”, giáo sư Palù nhận định.

Ông Palù cho rằng chính phủ Italia đã chậm trễ ngay từ đầu.

“Đã có đề xuất cách ly những người từ tâm dịch, từ Trung Quốc. Vào thời điểm đó, việc này bị coi là phân biệt đối xử, nhưng họ đúng là những người đến từ vùng dịch”, ông Palù nói, đồng thời cho biết chính sự chậm trễ đã dẫn tới tình hình “vỡ trận” như hiện nay.

Cuộc chiến khó khăn

Italia vẫn vỡ trận sau 10 ngày phong tỏa toàn quốc - 3

Nhân viên tang lễ chuyển quan tài của một bệnh nhân nhiễm virus corona tới một nghĩa trang ở Bergamo, Lombardy, Italia. (Ảnh: Reuters)

Tiến sĩ Alessandro Grimaldi, giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Salvatore ở L'Aquila, là người điều trị cho bác sĩ Chiara Bonini, 26 tuổi, từ Bergamo.

Hai tuần sau khi Bonini nhiễm virus corona từ bạn trai, một bác sĩ làm việc tại bệnh viện ở Brescia, cô đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, cô sẽ vẫn phải cách ly cho đến khi có kết quả âm tính lần thứ 2. Tới khi đó, Bonini mới có thể trở lại làm việc.

“Tại Lombardy, quê nhà của tôi, hệ thống y tế đã sụp đổ. Ở đó không có đủ thiết bị. Họ chọn cứu những người trẻ - một nguyên tắc về y tế khi phải cố gắng cứu những người có khả năng sống sót cao hơn”, Bonini cho biết.

Theo ông Grimaldi, cách duy nhất để giữ cho hệ thống y tế không bị sụp đổ là tăng cường nguồn lực.

“Chính phủ Italia lẽ ra nên nghĩ về điều này sớm hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn. Nhưng đúng là khi chưa phải đối mặt với tình huống khẩn cấp, người ta sẽ có xu hướng bỏ qua”, ông Grimaldi nhận định.

Ông Grimaldi cho biết nếu không được bổ sung thêm nguồn lực, các bác sỹ sẽ tiếp tục phải vật lộn trong cuộc chiến với dịch bệnh.

“Italia hiện nằm trong tay các y bác sỹ: Có một nhóm làm việc ở các tuyến đầu đang chiến đấu vì bệnh nhân. Chúng tôi là những chiến sỹ chiến đấu vì đất nước. Nếu chúng ta có thể dập tắt dịch ở Italia, chúng ta có thể chấm dứt dịch ở châu Âu và thế giới”.

Ông Grimaldi cũng đồng ý rằng cách duy nhất lệnh phong tỏa phát huy tác dụng là nó phải được thực thi một cách nghiêm ngặt.

“Chiến đấu với một kẻ thù như thế này còn khó hơn bất kỳ kẻ thù nào. Trung Quốc đã cho chúng ta thấy rằng, cần phải có các biện pháp quyết liệt. Italia là nước đầu tiên dừng các chuyến bay tới Trung Quốc và cũng là nước đầu tiên tại châu Âu áp lệnh phong tỏa”, ông Grimaldi nói thêm.

Thành Đạt

Tổng hợp