1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Israel xin lỗi vì cái chết của nhà báo Mỹ gốc Palestine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân đội Israel xin lỗi vì vụ việc nữ nhà báo Mỹ gốc Palestine Shireen Abu Akleh qua đời khi đang đưa tin về xung đột ở khu vực Bờ Tây.

Israel xin lỗi vì cái chết của nhà báo Mỹ gốc Palestine - 1

Người Palestine cầm ảnh của nữ nhà báo Shireen Abu Akleh tưởng niệm bà (Ảnh: Reuters).

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã xin lỗi vì cái chết của nữ nhà báo hãng thông tấn Al Jazeera (Qatar). Bà đã bị bắn chết trong một cuộc đột kích của Israel ở khu vực Bờ Tây mà nước này đang kiểm soát nhằm vào "các nghi phạm khủng bố" hồi tháng 5 năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên IDF lên tiếng xin lỗi về cái chết của nhà báo Mỹ gốc Palestine, sau khi họ thừa nhận vào năm ngoái rằng "có khả năng cao" bà bị trúng đạn bởi một binh sĩ Israel.

Trả lời phỏng vấn CNN, phát ngôn viên IDF cho hay: "Tôi nghĩ đây là cơ hội để nói rằng chúng tôi rất lấy làm tiếc về cái chết của Shireen Abu Akleh. Bà ấy là một nhà báo rất thành danh. Ở Israel, chúng tôi coi trọng nền dân chủ và tự do báo chí. Chúng tôi muốn các nhà báo cảm thấy an toàn ở Israel, đặc biệt là trong thời chiến, ngay cả khi họ chỉ trích chúng tôi", ông nói.

Trước khi qua đời, bà Akleh tác nghiệp về căng thẳng Israel - Palestine trong suốt 20 năm và được xem là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất trong làng báo chí Palestine.

Mezna Qato, một nhà sử học tại Đại học Cambridge (Anh), cho biết: "Bà ấy là tiếng nói của Palestine đối với phần còn lại của thế giới Ả Rập và cộng đồng người hải ngoại".

Bà Akleh gia nhập Al Jazeera vào năm 1997, ở tuổi 26. Hãng tin này đã được hàng triệu người trong thế giới Ả rập theo dõi trong suốt những năm qua và một trong những nội dung được quan tâm nhất của hãng chính là cuộc xung đột Palestine - Israel.

Bà Akleh trở thành gương mặt nổi bật chuyên đưa tin về nội dung này trong nhiều năm. Bà đã tác nghiệp tại xung đột dải Gaza vào năm 2008, 2009, 2012, 2014 và 2021.

Theo Guardian