1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Israel nhượng bộ Mỹ, chấp nhận một nhà nước Palestine

(Dân trí) - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lần đầu tiên tuyên bố ủng hộ một nhà nước Palestine bên cạnh Israel, chấp nhận nhượng bộ trước áp lực của Mỹ nhưng có kèm các điều kiện như phi quân sự hoá mà phía Palestine luôn bác bỏ.

 
Israel nhượng bộ Mỹ, chấp nhận một nhà nước Palestine  - 1
Thủ tướng Israel phát biểu tại Ramat Gan.

Hôm qua, một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu trước thế giới Hồi giáo tại Cairo (Ai Cập), Thủ tướng Netanyahu cũng có bài phát biểu được mong đợi đề cập đến sự thay đổi lớn trong chính sách của Israel. 

Trước Đại học Bar-Ilan ở Ranmat Gan, gần thủ đô Tel Aviv, ông Netayahu nói nhà nước Palestine mà ông ủng hộ sẽ phải phi quân sự hoá và công nhận Israel là một nhà nước Do thái - tức là ông có thể chấp nhận “một nhà nước phi quân sự hoá bên cạnh nhà nước Do thái Israel”. 

Trong phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Israel đã từ chối đáp ứng lời kêu gọi từ phía Mỹ ngừng ngay việc xây dựng các khu định cư trên các vùng đất mà người Palestine đòi cho nhà nước tương lai của họ. Ông Netanyahu cũng nói thành phố linh thiêng Jerusalem phải vẫn thuộc chủ quyền của Israel. 

“Trong mọi thoả thuận hoà bình, lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Palestine phải được phi quân sự hoá, với sự bảo đảm an ninh vững chắc cho Israel”, ông Netanyahu nói. “Nếu chúng ta nhận được sự bảo đảm về phi quân sự hoá và những sắp xếp an ninh cần thiết cho Israel, và nếu người Palestine công nhận Israel là một nhà nước của người Do Thái, chúng ta sẽ sẵn sàng cho một thoả thuận hoà bình thực sự để đạt được một giải pháp về một nhà nước Palestine tồn tại cùng một nhà nước Do Thái”.  

Palestine: Netanyahu đóng cánh cửa thương lượng
 
“Bài phát biểu của Thủ tướng Israel đã đóng cánh cửa dẫn đến các cuộc thương lượng”, quan chức cấp cao Palestine Saeb Erekat nói. “Chúng tôi kêu gọi thế giới chớ nên bị lừa gạt bởi cụm từ "nhà nước Palestine" mà ông Netanyahu đề cập đến vì ông ấy định nghĩa cụm từ này một cách riêng biệt. Ông Netanyahu tuyên bố Jerusalem là thủ đô Israel, nói những người tị nạn sẽ không được thương lượng và những khu định cư sẽ vẫn như cũ”. 

Ông Erekat cho rằng kế hoạch của Netanyahu là không thể chấp nhận vì thực tế nói đã áp đặt một giải pháp cho các vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột hiện nay. 

Nabil Abu Rdeneh, một quan chức khác của Palestine, lên tiếng kêu gọi Mỹ phản đối ông Netanyahu “để ngăn chặn tình trạng ngày càng tồi tệ hơn trong khu vực”. “Những gì ông Netanyahu nói hôm qua không đủ để bắt đầu một tiến trình hoà bình nghiêm túc”, ông Rdeneh nói. 

Ở Gaza, người phát ngôn lực lượng Hamas, Sami Abu Zuhri gọi bài phát biểu là “phân biệt chủng tộc” và kêu gọi các quốc gia Ảrập “phản ứng mạnh mẽ hơn” với Israel. 

Mỹ: Một bước tiến quan trọng

Trong khi đó, tại Washington, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Obama hoan nghênh bài phát biểu của Thủ tướng Israel Netanyahu, gọi đây là một “bước tiến quan trọng”.

“Tổng thống đã hoan nghênh bài phát biểu của Thủ tướng Netanyahu”, người phát ngôn Nhà Trắng nói. “Tổng thống cam kết hai nhà nước, một nhà nước Do Thái của Israel và một nhà nước Palestine độc lập, trên vùng đất lịch sử của cả hai dân tộc”. 

Palestine yêu cầu tất cả khu Bờ Tây phải là một phần của nhà nước Palestine trong tương lai, với đông Jerusalem là thủ đô nước này. Israel đã chiếm cả hai khu vực này trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967.

Nguyễn Viết
Theo AFP, Reuters