1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

IS và al-Qaeda: Tổ chức nào nguy hiểm hơn?

Al-Qaeda nguy hiểm hơn IS, hay IS nguy hiểm hơn al-Qaeda? Đây là câu hỏi khó và gây nhiều tranh luận giữa các nhà nghiên cứu, tình báo, quốc phòng, và thậm chí cả các quan chức.

Dù nhìn từ góc độ nào, những phân tích chỉ ra đã đi tới kết luận thủ đoạn, cách thức tổ chức, phương thức hoạt động... của hai tổ chức khủng bố này ngày càng cực đoan, tinh vi và dã man.

Sự khác biệt giữa IS và al-Qaeda

Cách đây hơn 10 năm, al-Qaeda từng gieo rắc sợ hãi cho phương Tây thông qua các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi tại Mỹ và tạo cảm hứng cho những vụ đánh bom ở Madrid và London... Nhưng giờ đây mối lo này đã chuyển sang tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cực kỳ bạo lực và am hiểu về truyền thông.

IS trước kia từng tuyên thệ trung thành với al-Qaeda, nhưng vài năm lại đây đã tự xem mình là nhóm thánh chiến Salafi dòng Sunni xuất chúng, và vượt mặt "ông chủ cũ" trong ván cờ riêng của mình. IS ra đời trong bối cảnh bạo lực lan tràn tại Iraq sau cuộc can dự của Mỹ năm 2003.

Do những hành động bạo lực tồi tệ tại Iraq, IS hầu như đã bị đánh bại và biến mất trước áp lực từ quân đội Mỹ cộng với sự “tẩy chay” của người Hồi giáo dòng Sunni địa phương. Tuy nhiên, việc Syria rơi vào nội chiến đã trở thành chiếc “phao cứu sinh” giúp IS trở lại và phát triển.

Đầu tiên, tổ chức này không sử dụng danh xưng “Nhà nước Hồi giáo” mà chỉ được biết đến như một chi nhánh của al-Qaeda tại Iraq. Điều này cho thấy cả hai nhóm đều có cùng những ý thức hệ và mục tiêu tương tự. Tuy nhiên, chiến lược của chúng đã và sẽ tiếp tục khác nhau khá nhiều. Lý do khác biệt rõ rệt về ý thức hệ giữa hai nhóm này có thể nằm trong sự khác biệt về thế hệ.

Các tay súng al-Qaeda là thế hệ trưởng thành và được huấn luyện ở Afghanistan trong các thập niên 1980 và 1990, trong khi các tay súng của IS nổi lên sau khi Mỹ tấn công Iraq vào giữa thập niên 2000. Do sự khác biệt về tuổi tác và hoàn cảnh lịch sử, hai nhóm này hiện đang sử dụng các chiến lược khác nhau ở Trung Đông.

Charles Lister, chuyên gia phân tích, chỉ rõ, chiến lược bạo lực của IS có được ảnh hưởng lớn và được tái sinh nhờ nổ ra cuộc xung đột Syria và chiếm được đất đai ở Iraq. Bắt đầu từ đây, quan điểm trái ngược về sử dụng bạo lực là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ hai tổ chức này.

IS hành hình những con tin chúng bắt được.
IS hành hình những con tin chúng bắt được.

Giáo sư Assaf Moghadam - Giám đốc phụ trách học thuật tại Viện Quốc tế về chống khủng bố nói với mạng tin Media Line rằng: "Chiến lược của IS là trước hết tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi giáo, rồi sau đó cố giữ vững và mở rộng". Trong khi đối với al-Qaeda, Vương quốc Hồi giáo dường như là "giấc mơ xa vời", đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Al-Qaeda đã dồn hầu hết sức lực cho giai đoạn loại bỏ ảnh hưởng của phương Tây khỏi Trung Đông và truyền bá ý thức hệ Salafi cho nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan. IS bỏ qua sự chuẩn bị này và đi thẳng vào việc thành lập vương quốc khi tự tuyên bố thành lập một nhà nước vào mùa hè 2014, sau khi chiếm được một phần lãnh thổ của Iraq.

Giáo sư Moghadam cho rằng tuyên bố này không những tạo uy tín giúp IS thu hút số lượng lớn chiến binh nước ngoài mà còn cho phép chúng tuyển mộ trực tiếp từ những người dân sống trong vùng lãnh thổ mà tổ chức này chiếm được, trong khi al-Qaeda chưa từng kiểm soát một vùng lãnh thổ nào.

Hai tổ chức này còn khác biệt về cách thức mở rộng ảnh hưởng trên khắp khu vực. IS thường dùng sự sợ hãi và đe dọa - giống phương pháp mà chúng sử dụng để kiểm soát lãnh thổ - để ép các nhóm khác trên khắp Trung Đông tham gia tổ chức này.

Trái lại, giáo sư Moghandam cho rằng al-Qaeda tạo mối liên kết thông qua những liên minh thắt chặt dựa trên việc "cùng chiến đấu, huấn luyện chung và quan hệ bạn bè" - một mô hình về dài hạn có thể thành công hơn.

IS không để al-Qaeda làm “bá chủ”

Gilbert Ramsay, giảng viên quan hệ quốc tế thuộc Đại học St. Andrews, nhận xét: "IS rõ ràng rất bạo lực và theo đường lối cứng rắn hơn. Trong khi al-Qaeda kín đáo và tính toán kỹ lưỡng các chiến lược khi tiến hành các hành động khủng bố tại các nước phương Tây". Cuộc chiến tranh giành vị trí đứng đầu sẽ khiến hai tổ chức khủng bố này suy yếu, song có thể dẫn đến một kịch bản khác nguy hiểm hơn.

Ông Ramsay giải thích: "Sự đối địch giữa al-Qaeda và IS gây lo ngại cho chúng ta vì đã tăng áp lực khiến hai tổ chức này phải cạnh tranh để gây sự chú ý", có thể là bằng cách tiến hành các vụ tấn công khủng bố.

Phân tích những thủ đoạn của al-Qaeda, trang tin worldcrunch.com có chỉ rõ chiến lược mới của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, đó là tập trung làm lu mờ vai trò và vị thế của IS.

Theo nội dung bài viết, khi IS đang phải đương đầu với những tổn thất to lớn trên nhiều chiến trường, thì Al-Qaeda đang để mắt tới nhiều vùng đất rộng lớn, thực hiện các cuộc tấn công mới và tuyển thêm tân binh để gây thanh thế. Tổ chức al-Qaeda đang nỗ lực “tước đoạt” của IS danh hiệu nhóm khủng bố thánh chiến ưu việt nhất thế giới.

IS cũng không muốn để al-Qaeda làm “bá chủ”. Thời gian gần đây, IS đã nổi lên như một lực lượng thách thức vai trò lãnh đạo phong trào thánh chiến Hồi giáo toàn cầu của al-Qaeda. Theo các chuyên gia, mặc dù cùng chia sẻ ý thức hệ và non trẻ hơn nhiều so với al-Qaeda, IS vẫn duy trì được thế thượng phong trong thời gian tới nếu lực lượng này không để mất các vùng lãnh thổ kiểm soát rộng lớn.

Bên cạnh đó, IS còn phải chứng minh được rằng "Vương quốc Hồi giáo" mà họ đang xây dựng tốt hơn so với của al-Qaeda và các chi nhánh của mạng lưới khủng bố này.

Ở bên kia “chiến tuyến”, al-Qaeda cũng tỏ ra không “kém cạnh”. Theo nhận định của giới chuyên gia Mỹ, tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda đang trỗi dậy trở lại và có thể trở thành một mối nguy hiểm về lâu dài. Chính vì vậy, không nên đánh giá thấp tổ chức này. Tờ Thời báo New York (Mỹ) đưa tin một lượng lớn các trại huấn luyện đã "mọc" lên ở Afghanistan.

Theo Thời báo New York, nếu các trại huấn luyện này xuất hiện trở lại cách đây vài năm thì vấn đề chống al-Qaeda hẳn sẽ được đưa lên hàng đầu trong chương trình an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả thế giới hiện phải đối mặt với mối đe dọa bắt nguồn từ IS, cuộc chiến chống al-Qaeda đã bị đưa xuống hàng thứ yếu.

Al-Qaeda đáng ngại hay IS đáng ngại?

Nhà khoa học chính trị Colin P.Clarke của tổ chức RAND Corporation nói: "Al-Qaeda trỗi dậy trở lại là do sự hiện diện của Mỹ đã giảm bớt, song ý chí cũng như ý định tấn công phương Tây và Mỹ của tổ chức này chắc chắn vẫn rất mạnh mẽ". Reuters mới đây dẫn một tranh luận al-Qaeda nguy hiểm hay IS nguy hiểm đối với Mỹ và phương Tây?

Tuy không có kết luận, nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng, sau một loạt các vụ đánh bom và tấn công ở khắp phương Tây, một bên các chuyên gia khăng khăng cho rằng IS là vấn đề nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, phe còn lại lại khẳng định: Đó là một sai lầm. Al-Qaeda hiện là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với phương Tây.

B.Ramset, chuyên gia phân tích tình báo của Mỹ cho rằng, cách tiếp cận thực dụng của al-Qaeda đang khiến tổ chức này có nhiều khả năng hơn IS trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược. Với một nhóm ủy nhiệm có khả năng, được đào tạo và vũ trang tốt ngay bên rìa châu Âu, al-Qaeda có thể trở nên nguy hiểm hơn IS.

B.Ramset chỉ rõ, al-Qaeda đang được chứng minh là hiệu quả hơn trong việc lợi dụng chính sách của Mỹ tại Trung Đông, nhất là tại Syria, để hợp pháp hóa vị thế của chúng là một lực lượng vũ trang, cũng như ngày càng là một lực lượng chính trị có thể đứng vững. Nhóm Jabhat al-Nusra có liên quan đến al-Qaeda, sau khi đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham (JFS), đang lặng lẽ trở thành một sự lựa chọn chủ đạo trong số các nhóm phiến quân đang hoạt động tại Syria, ngay cả khi "vương quốc" của IS đang bị thu hẹp.

Nếu JFS thành công "lẩn vào" phe đối lập Syria, điều này có thể kéo dài cuộc xung đột tại Syria. Chiến lược hiện nay của al-Qaeda cho thấy nhóm này đã quyết tâm rút ra bài học từ những sai lầm quá khứ. Al-Qaeda đang tạo ra một thành tố chính trị mạnh và không còn chỉ hoàn toàn tập trung vào bạo lực.

Lực lượng an ninh Iraq trong chiến dịch chiếm lại Mosul.
Lực lượng an ninh Iraq trong chiến dịch chiếm lại Mosul.

Kể từ khi bị buộc phải rút khỏi Afghanistan, al-Qaeda đang "tiến hóa" để bao gồm không chỉ một nhóm cốt lõi có trụ sở tại Nam Á, mà còn cả các chi nhánh khắp Bắc Phi và bán đảo Arab. Các chi nhánh này đã được thành lập như một phản ứng của cuộc chiến nhằm đảm bảo sự tồn tại hậu 11/9 của al-Qaeda.

Thực tế tại Trung Đông, Bắc Phi đang dần biến đổi al-Qaeda thành một phong trào rộng lớn hơn, hoạt động tinh vi hơn khi chúng chọn chiến lược "lẩn vào" các phong trào xã hội khu vực. Bằng việc tự lẩn vào các phong trào lớn hơn, al-Qaeda có được sự bảo vệ nhiều hơn khỏi các cuộc tấn công bên ngoài.

Sự tái định hướng này đã giúp al-Qaeda thiết lập các quan hệ gần gũi với người dân địa phương, nơi các chi nhánh của chúng đang hoạt động. Cách tiếp cận “mềm mỏng” và ít bạo lực hơn của al-Qaeda đang thực sự lôi kéo được nhiều tổ chức khủng bố được hình thành từ địa phương.

Trong bối cảnh IS lên tiếng thừa nhận là thủ phạm tiến hành một loạt vụ tấn công nhằm vào những người đi nghe nhạc, xem bóng đá và những người dân Paris đang hưởng một tối Thứ sáu (ngày 13/11/2015) ở những điểm vui chơi về đêm được ưa thích, làm ít nhất 129 người thiệt mạng và được xem là vụ tấn công bạo lực đẫm máu nhất nhằm vào Pháp kể từ sau Chiến tranh thế giới 2, tờ The Hindu của Ấn Độ phân tích: các vụ tấn công khủng bố gần đây ở Pháp, rồi các vụ tấn công theo kiểu “con sói đơn độc” ở Bangladesh và các hoạt động khác của IS bên ngoài Iraq, Syria là những cảnh báo chết chóc với nhân loại. Bởi nó có phiên bản mới với chi phí thấp nhưng lại có tác động mạnh.

Quy mô tấn công ngày càng mở rộng của IS và lời kêu gọi mang tính ý thức hệ của chúng trên toàn cầu là lý do để người ta tin rằng IS có thể là tổ chức khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại. Tính hủy diệt tàn bạo và quy mô tấn công của tổ chức này có thể sớm làm lu mờ mạng lưới al-Qaeda, mạng lưới từng chỉ là tổ chức li khai thuần túy ở Iraq.

IS không theo đuổi các vụ tấn công lớn như cách mà al-Qaeda từng làm, nhưng khả năng của tổ chức này trong việc thu hút rất nhiều tín đồ ở nhiều nước đồng nghĩa với việc chúng có thể tiến hành các vụ tấn công khủng bố (thậm chí quy mô lớn) tại hầu hết các nước.

Khi cả thế giới choáng váng trước các vụ tấn công khủng bố mới nhất ở Paris thì cũng là lúc IS phát triển mạnh mẽ và đây không còn là một tổ chức khủng bố bí mật phải ẩn náu ở một xó xỉnh xa xôi nào đó như al-Qaeda, mà là một “nhà nước” với lãnh thổ rộng lớn và các chiến lược tuyên truyền hiếu chiến cùng hàng chục nghìn tín đồ và những người ủng hộ trên khắp thế giới, đặc biệt là ở phương Tây.

Nếu al-Qaeda chỉ nổi tiếng với vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 ở ngay trong lòng nước Mỹ và chỉ nhằm vào các lợi ích của Phương Tây, trái lại, IS đang và đã thể hiện rằng chúng lớn mạnh và đang kiểm soát một khu vực địa lý rộng lớn ở Iraq, Syria với hệ thống thông tin truyền thông mị dân để thu hút rất nhiều phần tử cực đoan trên toàn cầu. IS đã chứng tỏ sự tàn nhẫn và hung bạo tại các khu vực của Syria mà lực lượng này kiểm soát.

Để có nguồn lực tài chính, tổ chức này không ngừng mở rộng các mạng lưới tống tiền. Giờ đây, khi chiếm được Mosul, IS thậm chí còn ở vị thế mạnh hơn để khẳng định mình là một tổ chức thánh chiến hàng đầu. Theo một số nhà phân tích, IS hiện đang chứng tỏ là một sự thay thế vượt trội hơn so với al-Qaeda trong cộng đồng thánh chiến, và tổ chức này đang công khai thách thức quyền lực của các thủ lĩnh al-Qaeda.

Trong cuộc chiến giành quyền lực tối thượng, IS hy vọng sẽ có thể đẩy al-Qaeda vào một tình thế khó chịu là chấp nhận một “Nhà nước Hồi giáo - Caliphate” hoặc là liều mạng chống lại nó.

Nếu IS được coi là “tứ chi phát triển” thì phương Tây và Mỹ lại lo ngại những “bộ não” của al-Qaeda đang cố trở thành người bảo vệ thực sự các lợi ích của người Hồi giáo Sunni, hơn các chế độ Arab hợp pháp, hay phương Tây do Mỹ lãnh đạo.

Những chiến thắng gần đây ở Iraq và Syria cho thấy, sau khi IS không còn là một nguy cơ quân sự, và al-Qaeda khi hoàn thành sự chuyển tiếp của chúng từ một nhóm khủng bố thành một phong trào xã hội bình dân, mức độ nguy hiểm của tổ chức này sẽ tăng lên gấp bội.

Theo Nguyễn Hòa

An ninh thế giới