1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

IS tìm cách tuyển mộ chiến binh ở Trung Quốc

(Dân trí) - Hai tuần sau khi công bố video hành quyết con tin đầu tiên của Trung Quốc, Trung tâm tuyên truyền Al-Hayat của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cuối tuần qua đã đăng tải trên mạng Twitter và ứng dụng Telegram một bài hát bằng tiếng Trung kêu gọi những người Hồi giáo ở Trung Quốc gia nhập tổ chức.

Tại một quán cafe Internet ở Trung Quốc ngày 26/6/2015. (Ảnh: EPA)
Tại một quán cafe Internet ở Trung Quốc ngày 26/6/2015. (Ảnh: EPA)

Giống như nhiều bài hát khác của IS, bài hát kéo dài 4 phút khá mượt mà và dễ thu hút người khác với nội dung kêu gọi tử vì đạo.

“Chúng ta là những chiến binh, kẻ thù vô liêm xỉ đang hoảng loạn trước chúng ta. Giấc mơ của chúng ta là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng ở chiến trường này”, một giọng nam hát đoạn điệp khúc.

Nỗ lực chiêu mộ binh sỹ từ Trung Quốc của các tổ chức thánh chiến ở Trung Đông đang gây lo ngại cho đất nước đông dân nhất thế giới này mặc dù hiếm khi các tổ chức này tuyên truyền bằng tiếng Trung. Thay vào đó, mục tiêu chiêu mộ chủ yếu của các nhóm này là người Hoa nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương.

Hồi tháng 6, IS đã tung ra một video cho thấy một người đàn ông trung niên nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ về quyết định gia nhập tổ chức sau cái chết của con trai ở Syria. Đoạn video cũng cho thấy hình ảnh của những đứa trẻ Duy Ngô Nhĩ trong trang phục chiến binh trả lời phỏng vấn về việc gia nhập IS.

Tổ chức tình báo SITE cho rằng, bài hát chiêu mộ chiến binh bằng tiếng Trung là một bằng chứng nữa cho thấy IS đang ra sức mở rộng mạng lưới hoạt động và sự ủng hộ.

Tại cuộc họp báo diễn ra hôm 7/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà vẫn chưa biết về bài hát chiêu mộ nói trên của IS. "Chúng tôi hy vọng có thể bảo vệ công dân ở tất cả quốc gia thông qua hợp tác quốc tế", bà Hoa Xuân Oánh nói.

Hiện chưa rõ IS đang nhắm tới đối tượng cụ thể nào. Người dân tộc Hồi giáo ở Trung Quốc có dân số hơn 10 triệu và chủ yếu nói tiếng Trung, nhưng có truyền thống ôn hòa. Tiếng Trung cũng là ngôn ngữ chính của một số người trẻ ở Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc đã nâng cao cảnh giác đối với khủng bố kể từ sau vụ những kẻ cực đoan giết hại hơn 30 người tại một ga tàu ở thành phố Côn Minh năm 2014.

Minh Phương

Theo WSJ