1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

IS mưu đồ thánh chiến toàn cầu nếu phương Tây điều bộ binh

(Dân trí) - Giữa lúc các cuộc không kích nhằm vào IS tiếp tục leo thang, không ít ý kiến cho rằng cần phải điều bộ binh để thực sự hủy diệt nhóm này. Tuy nhiên, đây chính là điều IS mong đợi: một trận chiến cuối cùng với phương Tây như lời tiên tri.

Theo New York Times, trên thực tế, ngay khi Mỹ vừa điều quân xâm chiếm Iraq năm 2003, một trong những kẻ thích thú nhất với động thái này chính là kẻ đã đặt nền móng cho một nhóm khủng bố, tiền thân của IS ngày nay, tên Abu Musab al-Zarqawi.

Các phần tử IS tham chiến với niềm tin vào thắng lợi cuối cùng trước phương Tây như lời tiên tri (Ảnh: Reuters)
Các phần tử IS tham chiến với niềm tin vào thắng lợi cuối cùng trước phương Tây như lời tiên tri (Ảnh: Reuters)

Khi đó, al-Zarqawi đã sung sướng gọi cuộc can thiệp của Mỹ là “cuộc xâm lăng được ban phúc”. Phản ứng của tên này, khi đó bị nhiều người phớt lờ, xuất phát từ một trong những niềm tin cốt lõi, có tính khích lệ tinh thần nhóm khủng bố hiện đang kiểm soát phần lớn diện tích Iraq và Syria.

Tư tưởng của IS hình thành dựa trên những lời tiên tri rằng, người Hồi giáo sẽ chiến thắng sau một trận chiến khải huyền, nổ ra một khi quân đội phương Tây tiến vào khu vực.

Nếu cuộc xâm chiếm của phương Tây đó xảy ra, IS sẽ không chỉ có cơ hội tuyên bố lời tiên tri đã thành sự thật, mà còn có thể dùng diễn biến này để thực hiện một cuộc tuyển quân ồ ạt mới, vào đúng thời điểm nhóm khủng bố này dường như đang chiêu mộ được ngày một ít tân binh tình nguyện.

Một phần của lí thuyết này đã được Tổng thống Mỹ Obama đề cập trong bài diễn văn hôm Chủ nhật vừa qua. Ông nói rằng Mỹ nên theo đuổi một “chiến thắng bền vững”, với các cuộc không kích và hậu thuẫn lực lượng địa phương trong cuộc chiến chống IS, thay vì điều động một thế hệ lính Mỹ mới tới để tấn công trên bộ.

“Tôi đã nói đi nói lại điều này nhiều lần, rằng vì những lời tiên tri đó, tham chiếm trên bộ sẽ là cái bẫy tồi tệ nhất chúng ta lao vào. Chúng muốn thấy có binh sỹ trên bộ. Bởi chúng đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó”, Jean-Pierre Filiu, giáo sư về Trung Đông tại tổ chức Sciences Po, Paris cho biết. Ông chính là tác giả của cuốn sách “Sự khải huyền trong đạo Hồi”, một trong những nghiên cứu lớn tìm hiểu cuốn kinh mà những kẻ phiến quân dựa vào đó để hình thành tư tưởng.

“Đó là một tuyên bố đầy mạnh mẽ và cảm xúc. Nó khiến cho những tân binh tiềm năng và chiến binh hiện tại cảm giác rằng họ không chỉ là một phần của lực lượng tinh hoa, họ còn là một phần của trận chiến cuối cùng”, ông Filiu nói.

Các chương trình tuyên truyền của IS lâu nay luôn nhắc tới những lời tiên tri theo sách khải huyền, về trận chiến vĩ đại cuối cùng sẽ thiết lập cục diện cho đến vĩnh hằng. Các chuyên gia chống khủng bố cho biết, đây là một công cụ đầy uy lực IS sử dụng để chiêu mộ chiến binh. Các tân binh tiềm năng đều được hứa hẹn rằng khi gia nhập họ sẽ có cơ hội được tiếp cận trực diện nhất với trận chiến chống các lợi ích phương Tây, và sẽ khiến những lời tiên tri cổ của người Hồi giáo thành hiện thực.

Cuốn kinh cụ thể mà chúng nhắc tới mô tả một trận chiến tại Dabiq cũng như al-Amaq, những thị trấn nhỏ ngày nay vẫn tồn tại ở miền bắc Syria. Quá trình đếm ngược tới khải huyền bắt đầu một khi những “người La Mã” - một thuật ngữ đang bị những kẻ lãnh đạo nhóm khủng bố suy diễn mở rộng, để bao gồm Mỹ và các đồng minh - đặt chân tới Dabiq.


Con tin Peter Kassig bị IS hành quyết tại Dabiq (Ảnh: Daily Mail)

Con tin Peter Kassig bị IS hành quyết tại Dabiq (Ảnh: Daily Mail)

Năm ngoái, phiến quân IS đã chặt đầu con tin người Mỹ Peter Kassig ngay tại Dabiq. “Giờ chúng ta ở đây, chôn vùi tên viễn chinh người Mỹ đầu tiên tại Dabiq, và nóng lòng chờ đợi những kẻ còn lại trong đạo quân của các người đến đây”, kẻ hành quyết ông Kassig tuyên bố.

Dabiq giờ được dùng làm tên cho tờ tạp chí trực tuyến, xuất bản hàng tháng của IS. Mỗi số xuất bản đều không ngừng khẳng định trận chiến định mệnh đang tới gần. Trong khi đó Amqa là tên IS chọn cho cơ quan thông tấn phi chính thức. Tuần trước chính Amqa đã phát đi thông báo đầu tiên về vụ xả súng làm 14 người chết tại San Bernardino, California được thực hiện bởi “những người ủng hộ” IS.

Giải pháp nào tiêu diệt IS?

Làm cách nào để tiêu diệt IS đang là vấn đề gây tranh cãi lớn. Trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị cho bầu cử, không ít ứng viên của phe Cộng hòa đang kêu gọi điều quân trên bộ. Thượng nghị sỹ Ted Cruz còn tuyên bố sẽ “ném bom dải thảm khiến chúng (IS) chìm vào quên lãng”.

Cho dù can thiệp trên bộ có thể dẫn tới thành công, một số nhà phân tích kỳ cựu tiếp tục cảnh báo một cuộc điều quân như vậy chỉ có lợi cho tầm nhìn dựa trên lời tiên tri của IS. “Để phá tan động lực đó, bạn phải bóc mẽ được lời tiên tri”, giáo sư Filiu nói. “Cần phải làm việc đó thông qua một thất bại quân sự, ví dụ như chiếm Raqqa. Nhưng việc đó cần phải do lực lượng địa phương thực hiện – những người Arập Hồi giáo dòng Sunni”.

Lâu nay, Washington vẫn đi theo hướng này, với việc vũ trang và hỗ trợ trên không có một số nhóm chiến binh tại miền bắc Iraq và Syria. Mỹ hy vọng họ có thể tạo một vỏ bọc địa phương cho lưỡi kiếm của mình. Dù vậy kết quả vẫn chưa rõ ràng, khi chỉ thành công với các khu vực bên ngoài những thành trì chính của người Arập Sunni mà IS kiểm soát.

Nỗ lực của Mỹ bị bó hẹp bởi thực tế rằng đối tác địa phương khả dĩ nhất của họ đến nay chỉ là các chiến binh người Kurrd, những người chỉ sẵn sàng chiến đấu chống IS tại một dải đất ở miền bắc Syria, nơi cộng đồng người Kurd chiếm đa số. Tại những khu vực đó, chiến thắng trước IS dễ dàng như đẩy một cách cửa không bị khóa trái.

Tháng trước, trong vòng 48 giờ, lực lượng người Kurd được máy bay A-10 Mỹ yểm trợ, đã dễ dàng tái chiếm thành phố Sinjar tại miền bắc Iraq dù IS từng kiểm soát nơi này suốt 15 tháng. Các chiến binh IS khi đó nhanh chóng tháo chạy thay vì cố gắng bám trụ.

Vậy nhưng một tháng đã qua, lực lượng người Kurd hầu như không tiến xa hơn Sinjar, và chỉ huy của họ không ngần ngại giải thích: vì các khu vực còn lại tập trung chủ yếu người Arập Sunni.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại Syria, nơi lực lượng người Kurd hồi đầu năm đã chiếm được làng Ein Eissa, cách thủ phủ Raqqa của IS chỉ 48km về phía bắc. Vậy nhưng từ đó đến nay họ không tiến quân xa hơn.

“Việc chúng tôi tiến xa hơn về phía nam là không phù hợp”, Redur Xelil, người phát ngôn lực lượng người Kurd chủ lực tại Syria nói. Nhiều binh sỹ người Kurd cảm thấy họ như đang xâm chiếm và cố gắng kiểm soát một khu vực của người Arập.

Thanh Tùng

Theo NY Times